Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh - Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh điều hành buổi thảo luận.
Tại buổi thảo luận, đại biểu các đoàn Sóc Trăng, Đắk Nông, Cao Bằng, Hà Tĩnh đã tích cực đóng góp các ý kiến về 2 dự thảo luật. Đại biểu Vương Đình Huệ - Phó Thủ tướng Chính phủ (đoàn Hà Tĩnh) đánh giá Luật Kiểm toán Nhà nước có vai trò quan trọng để kiểm toán tài sản công và tài chính công. Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, luật đã góp phần nâng cao năng lực giải trình của Chính phủ, các cơ quan địa phương trước Quốc hội. Do vậy, việc thường xuyên nâng cao năng lực của Kiểm toán Nhà nước là cần thiết.
Trên cơ sở tờ trình của Kiểm toán Nhà nước và báo cáo thẩm tra của Quốc hội, Phó Thủ tướng cho rằng, nên rà soát lại phạm vi sửa đổi khi vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau rất lớn (có ý kiến ĐBQH đồng tình sửa, nhưng có ý kiến cho rằng chưa cần thiết) để thống nhất cho đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Luật Kiểm toán Nhà nước mới ban hành được 3 năm, quy định bộ máy, tổ chức của Kiểm toán Nhà nước theo khu vực chứ không tổ chức theo từng địa phương. Đây là mô hình tiên tiến, phù hợp với thông lệ của quốc tế, bảo đảm các quy định về tổ chức, sắp xếp bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương.
Đại biểu Vương Đình Huệ - Phó Thủ tướng Chính phủ góp ý các dự án luật
Phó Thủ tướng đánh giá, hệ thống Kiểm toán Nhà nước hiện nay ổn định, nhưng quan hệ giữa Kiểm toán Nhà nước với địa phương thì chưa “tương xứng”; mối quan hệ của Kiểm toán Nhà nước “nghiêng” về phía các cơ quan Trung ương và giúp cho Quốc hội đánh giá, giám sát, quyết toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách hàng năm nhiều hơn. Vì vậy, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đặt vấn đề, dự án luật nên quy định trưởng kiểm toán khu vực có quyền trình bày báo cáo kiểm toán ngân sách địa phương ở phiên họp HĐND tỉnh và HĐND tỉnh sử dụng kết quả kiểm toán này để đánh giá, phê duyệt phương án ngân sách, tài chính của địa phương.
“Tôi cho rằng đây là điều cần quy định trong dự án luật, là cơ chế để giám sát, bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ các bên liên quan” - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ bày tỏ và cho rằng, nếu cơ quan soạn thảo và thẩm tra không kịp bổ sung nội dung này thì nên tính toán “giãn” tiến độ xây dựng luật này để có thêm thời gian nghiên cứu nhằm sửa đổi, bổ sung đầy đủ, chặt chẽ hơn.
Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ góp ý dự án Luật Thư viện
Tham gia thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (đoàn ĐBQH Hà Tĩnh) cho rằng: Dự án luật đã bổ sung, sửa đổi một số điều nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, các quy định còn mang tính khái quát cao, chưa cụ thể, chưa rõ để đảm bảo việc thực thi một cách có hiệu lực cao.
Ngoài ra, phát biểu đóng góp cho Dự thảo Luật Thư viện, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nhấn mạnh: Dự thảo đã luật hóa Pháp lệnh Thư viện năm 2000. Hiện có nhiều loại hình thư viện ở các cấp khác nhau, việc cung cấp, khai thác thông tin ngày càng mạnh mẽ nên xây dựng Luật Thư viện là cần thiết.
Kết thúc buổi thảo luận, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh thay mặt cho tổ thảo luận cảm ơn các vị ĐBQH đã tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, nhằm hoàn thiện 2 dự án luật. Đại biểu đề nghị tổ thư ký tổng hợp những ý kiến để báo cáo Ban Soạn thảo, cơ quan thẩm tra và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để có sự điều chỉnh phù hợp.