Đường Trường Sơn trong ký ức cựu chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào

(Baohatinh.vn) - Trong suốt 16 năm (1959 -1975) đồng hành cùng lịch sử đất nước, đường Trường Sơn đã trở thành con đường huyền thoại. Con đường ấy đã in sâu trong ký ức những người lính già (Hà Tĩnh) một thời đạn lửa, trong đó có những hành động của giặc khiến họ đến nay vẫn chưa hết rùng mình...

Đường Trường Sơn trong ký ức cựu chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào

Cựu chiến binh Điện Văn Hà (bên trái) trong niềm vui gặp gỡ với cựu binh Trường Sơn.

Khi những hình ảnh về đường Trường Sơn đang được tái hiện mạnh mẽ trong nhiều hoạt động văn học nghệ thuật nhân kỷ niệm 60 năm mở đường thì chúng tôi tình cờ được gặp Thượng uý Điện Văn Hà – cựu chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào, qua đó được bồi đắp thêm nhiều về tuyến đường huyết mạch mà thế hệ cha ông đã khai mở, chiến đấu bảo vệ non sông.

Năm 1963, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên làng Trung Lân (Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) đã tình nguyện nhập ngũ và được bổ sung vào đoàn 559, trực tiếp chiến đấu trên tuyến lửa Trường Sơn.

Sau 2 tháng huấn luyện ở Khe Tăm (Vĩnh Linh, Quảng Trị), tân binh Điện Văn Hà cùng đồng đội hành quân sang tỉnh Xa-va-na-khẹt (Lào) để thực hiện nhiệm vụ gùi thồ, vận chuyển vũ khí cho chiến trường miền Nam. Sau 6 tháng hành quân, vừa đi vừa chiến đấu với bộ binh Mỹ, ông Hà cùng đồng đội mới đến được nơi tập kết.

Đường Trường Sơn trong ký ức cựu chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào

Mấy chục năm trôi qua nhưng những năm tháng ác liệt trên cung đường Tây Trường Sơn (Lào) vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức người cựu binh này.

“Lúc bấy giờ, chúng tôi vận chuyển vũ khí, lương thực bằng hình thức gùi thồ nên rất vất vả. Đeo trên vai hàng chục kilogam lại phải đối mặt với địa hình hiểm trở và sự phục kích của địch nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện nhiệm vụ. Hành quân trong rừng sâu, đất lạ, chiến trường khốc liệt nhưng suốt những năm làm nhiệm vụ gùi thồ ấy, chúng tôi hầu như đang rất mơ hồ về đất nước cũng như con người Lào. Dẫu vậy, chúng tôi luôn tâm niệm, đánh địch ở đây cũng như ở quê hương mình, vẫn một mục đích “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào” nên cứ vừa đi vừa mở đường, vừa anh dũng chiến đấu với kẻ thù sao cho cách mạng sớm thành công” – ông Hà chia sẻ.

Năm 1965, khi đế quốc Mỹ sử dụng lực lượng không quân đánh vào tuyến lửa Trường Sơn, ông Điện Văn Hà được điều đến Hạ Lào làm chuyên gia quân sự giúp nước bạn xây dựng lực lượng, củng cố vùng giải phóng để kháng chiến lâu dài. Trong nhiệm vụ mới, ông Hà đã thấm nhận được tình anh em thân thiết Việt – Lào.

Nhớ đến lời dạy của Bác Hồ, bộ đội tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam luôn chan hoà, thân thiện, đoàn kết với cán bộ, chiến sỹ, nhân dân Lào. Không chỉ giúp đỡ về quân sự, ông Điện Văn Hà cùng đồng đội còn hăng hái giúp đỡ người dân Lào trong sinh hoạt hàng ngày. Nhờ đó, tình cảm càng trở nên thắm thiết. Tình thân ấy cũng chính là động lực để bộ đội 2 nước đồng tâm hiệp lực xây dựng lực lượng đánh thắng giặc thù.

Năm 1971, sau 1 năm kết hôn với y tá Binh trạm 31 - Ngô Thị Vân, ông Điện Văn Hà được điều trở lại chiến trường Xa-va-na-khẹt tham gia chiến dịch đường 9 – Nam Lào. Tại đây, giặc điên cuồng bắn phá, ông Điện Văn Hà và đồng đội phải đối mặt với muôn vàn hiểm nguy và chứng kiến nhiều sự hy sinh của đồng đội.

Đường Trường Sơn trong ký ức cựu chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào

Trở về đời thường, 2 vợ chồng cựu binh từng chiến đấu ở Lào luôn chia sẻ với nhau về những năm tháng không thể nào quên trên đất bạn.

Nhắc tới ký ức này, cựu binh Điện Văn Hà ngậm ngùi: “Chiến tranh ác liệt, chúng tôi chứng kiến cảnh đồng đội hy sinh hàng ngày nhưng ám ảnh nhất đối với tôi vẫn là việc phải chứng kiến cảnh 3 đồng đội mình bị bắn chết rồi vùi xác xuống hố. 4 ngày sau, khi tìm được xác thì tất cả đều đã bị địch cắt tai. Sau này, khi tra khảo tù binh, chúng tôi mới hay rằng quân giặc đã cắt tai nhiều chiến sỹ của ta để xâu thành chuỗi đem về báo cáo với chỉ huy. Mấy chục năm đã trôi qua nhưng những hình ảnh ấy vẫn không hề phai nhoà trong ký ức của tôi”.

Chính sự chiến đấu anh dũng của bộ đội ta và sự giúp đỡ nhiệt tình của nhân dân Lào mà đường Hồ Chí Minh ngày càng vươn dài, vươn xa. Và, cựu chiến binh Điện Văn Hà luôn tự hào vì mình đã góp một phần công sức để biến một con đường mòn nhỏ bé thành một tuyến vận tải cơ giới quy mô lớn xuyên Trường Sơn, nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam và chiến trường các nước bạn. Ông và những người cùng thế hệ đã viết nên những huyền thoại Trường Sơn khiến thế giới ngưỡng mộ, khiến thế hệ con cháu mãi mãi biết ơn và tự hào.

Đường Trường Sơn trong ký ức cựu chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào

Những người lính trở về như ông Điện Văn Hà luôn nhớ tới những đồng đội còn nằm lại trên đất bạn Lào.

Sau khi chiến tranh chống Mỹ giành thắng lợi, năm 1976, ông Điện Văn Hà xuất ngũ trở về quê hương với quân hàm thượng uý. Tại quê nhà, ông tham gia Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh Thạch Quý và luôn tích cực, năng nổ trong các hoạt động hội. Năm 2012, khi Hội Truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh ra đời, ông chuyển sang làm trưởng ban liên lạc của thành phố Hà Tĩnh.

Tuy tuổi cao nhưng cựu chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào vẫn hoạt bát, năng nổ, tâm huyết, gương mẫu vận động hội viên thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là các hoạt động từ thiện, giúp đỡ các hội viên khó khăn.

Hàng chục năm đã qua đi nhưng mỗi lần được cùng đồng chí, đồng đội ôn lại ký ức Trường Sơn, ông Điện Văn Hà lại như được sống lại những năm tháng thanh xuân sôi nổi và tươi đẹp ấy. Thỉnh thoảng, 2 vợ chồng ông lại ôn lại những kỷ niệm trên đất nước Triệu Voi, nhớ về những người bạn Lào đã kề vai, sát cánh trong những ngày chiến đấu ác liệt.

Chiến tranh đã khép lại, những người còn sống đã được trở về quê mẹ nhưng hiện nay vẫn còn hơn 3.000 bộ đội tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam đang nằm lại đâu đó trên thăm thẳm Trường Sơn. Đó cũng là nỗi day dứt khôn nguôi trong lòng những người may mắn được trở về như ông.

Chủ đề ĐƯỜNG TRƯỜNG SƠN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast