Những đợt sóng Trường Sa

(Baohatinh.vn) - Phải rất lâu rồi tôi mới nhận được một bưu thiếp khiến tôi bật khóc. Chiếc bưu thiếp hình một bông hoa bàng vuông có đóng dấu từ huyện đảo Trường Sa. Kỷ niệm chợt nhắc lại, lòng chợt như con sóng duềnh lên một nỗi nhớ vô bờ.

Những đợt sóng Trường Sa

“Hạnh phúc là một quá trình chúng ta đang đi”. Đó có lẽ là câu nói mà chúng ta đã nghe rất nhiều nhưng phải đến với Trường Sa, cảm xúc đó mới thực sự hiện lên sống động. Ảnh do Đoàn công tác số 4 cung cấp.

Tôi thật không thể diễn tả hết tâm trạng khi nhận được tin tôi sẽ đến Trường Sa theo đoàn của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Tư lệnh Hải quân tổ chức. Đó là đoàn kiều bào thăm quân và dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 với sự tham gia của hơn 40 kiều bào đến từ 17 quốc gia trên thế giới và các đại biểu đến từ khắp nơi trên cả nước. Một hành trình hàng trăm hải lý, một trải nghiệm hải trình đầy ý nghĩa để có sự hiểu biết về biển đảo bằng trực giác, bằng cảm nhận từ thực tế với thật nhiều cảm xúc dạt dào. Hơn ai hết chúng tôi hiểu rằng là người con đất Việt, được ra Trường Sa đều là may mắn trong đời mà lấy làm trân trọng và vinh dự.

Những đợt sóng Trường Sa

Đoàn công tác số 4 ra thăm đảo Sinh Tồn. Ảnh do Đoàn công tác số 4 cung cấp.

“Toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu”, sau hiệu lệnh đó, 5 giờ sáng, cả đoàn đã xuống cano tiến vào đảo Sinh Tồn. Qua làm việc, thăm hỏi, giao lưu, chúng tôi mới thấy hết ý thức trách nhiệm, tình yêu của người lính đối với mỗi hòn đá, mỗi con sóng giữa nắng gió và bão tố biển khơi. Giữa biển cả mênh mông, nơi chỉ có những con sóng bạc đầu, nơi ngày đêm người lính đảo luôn hướng về đất liền, tiếng cười, giọng nói, cái bắt tay, đôi câu trò truyện, những điều giản dị đời thường lại là niềm mong mỏi, khát khao, chờ đợi...

Sinh Tồn là một hòn đảo trong cụm Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa (tọa độ ghi trên bia chủ quyền là 9o53’7’’B 114o19’47’’Đ). Đảo này cùng với các đảo, đá, bãi phụ cận về mặt tổ chức hành chính thuộc xã Sinh Tồn (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), cách đất liền 320 hải lý. Đây là hòn đảo có ý nghĩa chiến lược đối với quần đảo Trường Sa. Trên đảo có một tấm biển ghi lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời và có biển. Bờ biển của ta dài và đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó".

Những đợt sóng Trường Sa

Màu xanh trên đảo sinh tồn. Ảnh do Đoàn công tác số 4 cung cấp.

Cùng trong buổi sáng này, tàu đưa các đại biểu lên thăm đảo Len Đao (cách Gạc Ma hơn 5 hải lý). Đảo Len Đao là một rạn san hô cách xã đảo Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa khoảng 6,5 hải lý. Đảo được hình thành từ bãi san hô có dạng hình tròn, khi thủy triều xuống, bãi san hô nhô lên khoảng 0,5m, khi thủy triều lên bãi ngập khoảng 1,8m.

Hiện nay, đảo Len Đao đã được xây dựng nhà ở kiên cố, có hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời, góp phần nâng cao đời sống sinh hoạt, huấn luyện của cán bộ, chiến sĩ (CBCS). Dù khuôn viên chật hẹp nhưng các chiến sĩ vẫn luôn tận dụng từng chút không gian để trồng rau, trồng hoa và cây cảnh. Đến Len Đao, chúng tôi thật cảm phục tinh thần của những người lính đảo anh dũng kiên cường đang tiếp tục truyền thống của lớp người đi trước. Họ luôn yêu đời, tự tin, đoàn kết, đồng cam cộng khổ trong mọi hoàn cảnh để làm tròn nhiệm vụ của người lính biển.

Khi đoàn chúng tôi dừng lại tại vùng biển đảo Gạc Ma - Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa - nơi mà cách đây 35 năm, vào ngày 14/3/1988 đã diễn ra cuộc chiến đấu và hy sinh anh dũng của CBCS Hải quân nhân dân Việt Nam vì sự vẹn toàn chủ quyền biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

Những đợt sóng Trường Sa

Tàu HQ 571 trên hải trình cùng Đoàn công tác số 4 ra thăm và làm việc ở Trường Sa. Ảnh do Đoàn công tác số 4 cung cấp.

Chứng kiến lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa được tổ chức thành kính, trang nghiêm trên bong tàu HQ 571, chúng tôi không cầm được nước mắt. Những người con anh hùng của đất mẹ Việt Nam đã vĩnh viễn nằm lại trong lòng đại dương. Những chàng trai tuổi hai mươi ấy đã hóa thành sóng nước với biết bao nhiêu ước mơ, nhiệt huyết đam mê tuổi trẻ còn dang dở. Để hôm nay, những thông điệp về giá trị sống được kết nối, hiện hữu và linh nghiệm trở về...

Thông điệp ấy nói với chúng ta rằng, hơn tất cả là sự biết ơn, sự thành kính và tiếc thương, cha ông ta đã để lại cho chúng ta một ý nghĩa cao cả về giá trị sống, để mỗi chúng ta cần học bài học để sống tốt hơn, không hổ thẹn với lương tâm, với đất nước mình.

Đảo Đá Tây B là một trong 3 điểm đảo thuộc đảo chìm Đá Tây - quần đảo Trường Sa. Đảo Đá Tây B cách đất liền 260 hải lý, có vị trí chiến lược về an ninh - quốc phòng và kinh tế. Ở đảo Đá Tây B, điều kiện thời tiết khí hậu rất khắc nghiệt, đặc biệt là vào mùa mưa bão đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến các mặt công tác và đời sống của CBCS cùng các lực lượng trên đảo. Khó khăn, thiếu thốn trăm bề về vật chất và tinh thần giữa đảo xa vây quanh bốn bề sóng nước...

Có lẽ giữa bốn bề dài rộng vô tận của biển cả, mỗi chúng ta mới thấy hết cái quý giá của giọng nói, nụ cười, của những lời động viên chia sẻ. Trong bao la sóng dội ấy có tiếng cười đồng đội, có tình quân dân nồng ấm thân thương, có sự chia sẻ và có cả niềm tin vào sự vững bền của chân lý chủ quyền, của những giá trị thiêng liêng cao cả.

Những đợt sóng Trường Sa

Chiến sỹ trên đảo Đá Tây B làm hoa tiêu dẫn đường cho thuyền cập đảo. Ảnh do Đoàn công tác số 4 cung cấp.

Thị trấn Trường Sa chào đón chúng tôi bằng lễ thượng cờ trang nghiêm. Có lẽ lần đầu tiên tôi được hát Quốc ca bằng tất cả nội lực của mình, cảm nhận sự thiêng liêng trong từng ca từ của bản Tiến quân ca hùng tráng, cảm nhận màu đỏ tươi của lá Quốc kỳ tung bay giữa bầu trời xanh trong vắt chính là màu máu của bao thế hệ đã ngã xuống nơi miền đầu sóng ngọn gió đầy nghiệt ngã này.

Trường Sa Lớn là điểm dừng chân lâu nhất của đoàn công tác. Từ 1h30’ chiều đến 9h tối đó, cả đoàn được hòa mình trong buổi giao lưu văn nghệ thắm tình quân dân, đất liền và biển đảo.

Điều khiến tôi ngỡ ngàng ngay khi bước chân lên thị trấn Trường Sa (thường gọi là đảo Trường Sa Lớn) đó chính là những công trình được xây dựng với những khối bê tông to lớn tạo nên bờ đê vững chãi ôm lấy bờ đất. Đó là một huyện đảo với các công trình dân sinh đầy đủ điện, đường, trường, trạm khang trang để lại trong chúng tôi những ấn tượng thật sâu sắc.

Tới Nhà giàn DK1, chúng tôi đã chứng kiến cuộc sống sinh hoạt của CBCS, bắt gặp những hình ảnh rất đời thường. Nhiệm vụ của các nhà giàn là lập các đèn biển để thông báo cho tàu thuyền đánh cá và vận tải hàng hải đi lại trong vùng; đặt trạm nghiên cứu khí tượng thủy văn; làm nơi trú tránh bão và ứng cứu ngư dân... Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của DK1 là chốt giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, bảo vệ bình yên cho việc khai thác tài nguyên nơi thềm lục địa. Giữa hệ thống nhà giàn sừng sững lấp ló những chậu rau cải, rau muống, rau diếp cá, dây mồng tơi xanh mướt; những con gà, con vịt được bàn tay CBCS “chăn nuôi thật và có ăn thật” làm nên đã đem đến cho chúng tôi nhiều xúc động. Trên nhà giàn giữa muôn trùng sóng gió, các CBCS vẫn lạc quan, yêu đời.

Thiếu tá Nguyễn Bá Tân, người gắn bó 10 năm trên nhà giàn hồ hởi: “Nhà giàn DK1 nay được đầu tư lắp đặt kiên cố, vững chãi hơn các nhà giàn ngày trước rất nhiều. Cuộc sống của CBCS cũng cải thiện hơn cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhà giàn được phủ sóng mạng điện thoại Vinasat, truyền hình K+... Nhờ vậy, mọi tình hình ở đất liền cũng như ở biển đảo được nhanh chóng cập nhật. Ở đảo xa, CBCS đã có thể gọi điện thoại về nhà để nghe tiếng vợ con, được chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với người thân yêu của mình thay cho những lá thư hằng tháng mới tới như ngày trước”.

Tôi biết, những niềm vui nhỏ ấy sẽ góp thêm động lực giúp các anh tiếp tục chân cứng đá mềm nơi biển đảo.

Những đợt sóng Trường Sa

Nhà giàn DK1 được đầu tư lắp đặt kiên cố, vững chãi hơn các nhà giàn ngày trước rất nhiều. Ảnh do Đoàn công tác số 4 cung cấp.

Chia tay CBCS để trở lại tàu, lòng chúng tôi vẫn không khỏi bồi hồi. Hình ảnh Nhà giàn DK1 sừng sững giữa đại dương và dòng chữ “Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” trên nóc nhà giàn như khắc vào tâm trí, hiện diện giữa muôn trùng sóng gió chính là những cột mốc chủ quyền mang hồn thiêng đất nước, nhắc nhở mỗi chúng ta về tình yêu và trách nhiệm đối với biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

“Em ơi ra đảo một lần, để cho ta thấy rất gần Trường Sa”. Lời bài hát được cất vút lên khi chúng tôi lên boong dạo cùng mọi người ngắm bình minh. Trong phút tĩnh lặng huy hoàng đó, ánh dương chói lòa nhô lên khỏi mặt biển sáng ngời ngạo nghễ, lòng bỗng dâng lên một cảm xúc khó tả. Đi Trường Sa để thấy khát vọng tự do, khát vọng chinh phục của chúng ta như những con tàu đang vươn ra biển lớn.

Đi Trường Sa để thấy chủ quyền của chúng ta về 2 quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa không chỉ hiện hữu từ phương diện lịch sử, những văn bia, chứng sử hết sức rõ ràng, bằng những cột đá chủ quyền được chúng ta dựng lên với những vĩ độ, kinh độ được thừa nhận dựa theo Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 mà ở đây chúng ta còn có các “cột mốc sống” đang ngày đêm canh giữ đảo. Đó là bằng chứng đanh thép về chủ quyền hợp pháp, không thể tranh chấp trên Biển Đông.

Bởi vậy, mỗi người con đất Việt đều mong được một lần đến với Trường Sa để biết sống ý nghĩa hơn, để được soi mình trong trái tim vĩ đại của Tổ quốc.

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast