Ký ức tết ở Trường Sa của những người con Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Những cái tết giản dị, chóng vánh mà đầy thiêng liêng, tự hào giữa muôn trùng sóng nước là những ký ức sâu đậm nhất của người lính quê Hà Tĩnh ở Trường Sa.

Mỗi độ xuân đến, ký ức về những lần được ăn tết ở Trường Sa lại ùa về, níu lòng những cán bộ, chiến sỹ có vinh dự được công tác và đón tết trên các hòn đảo ở quần đảo Trường Sa.

Ký ức tết ở Trường Sa của những người con Hà Tĩnh

Anh Nguyễn Viết Giáp chuẩn bị đón Tết trên đảo Sinh Tồn Đông. Ảnh tư liệu.

Nhớ về những ngày tết trên đảo Sinh Tồn Đông, câu nói đầu tiên mà anh Nguyễn Viết Giáp (SN 1994, trú tại xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên) chia sẻ với chúng tôi là: Ăn tết ở Trường Sa cũng có nhớ nhà nhưng về nhà lại nhớ Trường Sa hơn nhiều, có khi nỗi nhớ bất chợt đến cồn cào.

Anh Giáp kể: "Tôi là chiến sỹ trinh sát phòng không ở đảo Sinh Tồn Đông trong năm 2020. Thời điểm đặt chân lên đảo nhận nhiệm vụ cũng là lúc tết Nguyên đán Canh Tý cận kề. Dù ở môi trường, điều kiện rất mới nhưng anh em tân binh nhanh chóng hoà nhập nhờ sự dìu dắt của các đồng chí lãnh đạo trên đảo và những sỹ quan, chiến sỹ đi trước.

Tết trên đảo cũng có cành đào, cây mai, mâm ngũ quả, bánh chưng. Tuy nhiên, không giống như trên đất liền, đào, mai ngoài một số ít là cành cây thật thì chủ yếu là cành phong ba, phi lao rồi chúng tôi gắn hoa giả và treo bóng đèn nhấp nháy vào.

Bánh chưng thì chủ yếu được gói bằng lá bàng vuông… Trước tết, ngoài trang trí hội trường thì anh em ở các phân đội cũng tích cực tập luyện văn nghệ, thể thao để thi tài. Trong khi đó, đội hậu cần thì tổ chức mổ lợn, gói bánh chưng. Anh em cũng tranh thủ tự cắt tóc cho nhau để “làm đẹp” đón tết".

Ký ức tết ở Trường Sa của những người con Hà Tĩnh

Quân, dân đảo Song Tử Tây quây quần gói bánh chưng đón tết năm 2020.

Đêm giao thừa, cán bộ, chiến sỹ tập trung về hội trường để thi văn nghệ, nghe đảo trưởng đọc thư chúc tết của Chủ tịch nước. Sáng mồng 1 tết, cán bộ, chiến sỹ cũng đi chúc tết các phân đội khác rồi tổ chức chơi trò chơi, thi đấu thể thao. Đặc biệt, anh em chiến sỹ cũng được các đồng chí chính trị viên, đảo trưởng mừng tuổi.

Từ mùng 2, các hoạt động vui chơi ít hơn và chúng tôi bắt đầu trở lại huấn luyện chiến đấu. Tết Trường Sa giản dị và chóng vánh như vậy, nhưng chúng tôi mỗi người đều cảm thấy ấm áp, linh thiêng vô cùng.

Ký ức tết ở Trường Sa của những người con Hà Tĩnh

Ngày tết, cán bộ, chiến sỹ và người dân trên các hòn đảo cũng đi lễ chùa, chúc Tết, du xuân. Ảnh tư liệu

Là bộ đội chuyên nghiệp, anh Nguyễn Thế Anh - Trợ lý cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự huyện Hương Khê may mắn được đón tết trên đảo Song Tử Tây đến 4 lần (năm 2012 ở đảo Đá Đông C, năm 2013 ở đảo Đá Lớn C, năm 2015 ở đảo Núi Le, năm 2019 ở đảo Song Tử Tây). Cũng là cảm xúc linh thiêng, tự hào nhưng mỗi lần là một cái Tết khác nhau.

Anh Nguyễn Thế Anh chia sẻ, những cái tết đầu tiên ở Trường Sa thì cảm xúc háo hức, tự hào. Những lần sau thì tâm trạng lo lắng nhiều hơn bởi tết trên đảo anh em cán bộ, chiến sỹ vẫn đặt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo lên hàng đầu. Lãnh đạo trên đảo phải đảm bảo quân số trực ở các chốt trọng điểm, kiểm tra và động viên các chiến sỹ hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các hiệu lệnh quân đội vẫn luôn ở trong trạng thái tập trung cao độ, sẵn sàng chiến đấu.

Ký ức tết ở Trường Sa của những người con Hà Tĩnh

Trong những ngày tết, nhiệm vụ huấn luyện, trực gác vẫn được đặt lên hàng đầu. Ảnh tư liệu

Đặc biệt, Song Tử Tây là đảo lớn nên đón tết cơ bản như trên đất liền. Trước tết, quân và dân tổ chức gói bánh chưng, mổ lợn, vẽ báo tường. Ngày tết thì chúng tôi viếng chùa, đi thăm, chúc tết Nhân dân, rồi cùng tổ chức các trò chơi, giao lưu văn nghệ, đọc thư của đồng bào cả nước gửi ra đảo. Văn hoá Việt Nam vẫn in sâu đậm trong từng tấc đất chủ quyền của Tổ quốc.

Chỉ những người từng đón Tết ở Trường Sa mới cảm nhận hết những khoảnh khắc thiêng liêng giữa mênh mông biển trời Tổ quốc. Dù thiếu thốn, xa nhà nhưng những khoảnh khắc đón tết nơi đảo xa khiến ai cũng trân trọng, tự hào. Trong mỗi người dân, cán bộ, chiến sỹ vẫn tràn ngập sự lạc quan, vui vẻ bởi họ đang mang đến sự bình yên của Tổ quốc, quê hương.

Chủ đề LỄ HỘI XUÂN QUÝ MÃO 2023

Đọc thêm

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.