Nơi đảo xa...

(Baohatinh.vn) - Sau gần 1h đồng hồ vật lộn với những con sóng bạc đầu, chiếc thuyền nhỏ bé đã đưa chúng tôi cập cầu cảng đảo Sơn Dương...

Thiếu úy Bùi Việt Bắc - Đảo trưởng cùng anh em CBCS đã tề tựu đông đủ ngay trên bãi đá để chào đón những người con, những đồng chí từ đất liền. Những cái bắt tay siết chặt, những cử chỉ ân cần giúp chúng tôi tạm quên đi cảm giác mệt mỏi từ những cơn sóng lừng. Khoảnh khắc xúc động cùng những người lính đảo đã cho chúng tôi thêm yêu mỗi tấc đất, tấc biển quê hương.

Các anh là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân bám biển
Các anh là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân bám biển

Trong những ngày tháng nóng bỏng này, cũng như biết bao người dân yêu hòa bình trên dải đất hình chữ S, trong trái tim, trong suy nghĩ của mỗi một CBCS đảo Sơn Dương luôn thường trực câu chuyện về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển của Tổ quốc. Nỗi thấp thỏm lo âu hiện hữu trên từng khuôn mặt sạm đen vì nắng gió, trong sự chăm chú, âm thầm dõi theo những dòng tin tức trên các phương tiện báo, đài.

Đảo trưởng Bùi Việt Bắc cho biết: “Trước sự kiện đó, chúng tôi thường xuyên nắm bắt, cập nhật thông tin để tuyên truyền cho CBCS trên đảo thấy rõ những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đồng thời duy trì nghiêm túc chế độ tập luyện, trực sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền biển đảo của quê hương. Ngoài ra, chúng tôi cũng tăng cường công tác tuyên truyền cho bà con ngư dân không nghe theo sự kích động của kẻ xấu, yên tâm bám biển”; tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển, đem lại niềm tin và là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân.

Tình yêu quê hương của các chiến sỹ trên đảo nhỏ không chỉ được thể hiện khi các anh sát cánh bên nhau dưới cờ đỏ sao vàng trong mỗi giờ chào cờ đầu tuần mà còn là những giờ luyện tập căng thẳng dưới cái nắng như thiêu, như đốt. Mùa này, thời tiết trên đảo Sơn Dương hết sức khắc nghiệt. Khí trời hầm hập cộng thêm hơi nóng bị các vách đá ủ lại rất oi, nhiệt độ thường vào khoảng 38-40oC. Thiếu nước là nỗi khổ thường trực của những người lính đảo sau mỗi ngày huấn luyện, trực chiến căng thẳng.

Trung úy Nguyễn Đức Toàn - người có thâm niên 10 năm gắn bó với đảo cho biết: “Nguồn nước ngọt trên đảo được lấy từ khe nước nhỏ chảy ra từ lòng núi. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã đào giếng và xây dựng bể chứa nước mưa với trữ lượng 150m3, nhưng mùa này, nước ngọt với lính đảo là điều xa xỉ. Bể chứa, giếng khô cạn nên những giọt nước hiếm hoi được chắt chiu từ lòng núi chỉ để dành phục vụ nhà bếp. Nếu muốn tắm giặt, anh em phải luân phiên nhau 3-4 ngày”.

Hành quân ra bãi tập
Hành quân ra bãi tập

Cùng nỗi khổ thiếu nước sinh hoạt, máy nổ chỉ đủ dầu để phục vụ nhu cầu nắm bắt thông tin, thời sự của anh em thì mỗi chuyến vào ra đảo của CBCS là cả một hành trình đầy gian nan. Thượng úy Trần Văn Cư - người phụ trách thuyền máy đã gắn bó với đảo từ 2 năm nay cho biết: “Trung bình 2 ngày 1 lần, chúng tôi lại vào đất liền mua lương thực, thực phẩm nhưng cũng có lúc mỗi ngày phải đi tới 2 chuyến. Dẫu đã quen luồng lạch, lựa từng con sóng nhưng ngoài mùa mưa bão thì mùa này cũng rất dễ bị lật thuyền bởi những con sóng dữ của gió nồm. Thuyền của đơn vị chỉ là một chiếc thuyền gỗ không mui đã cũ kỹ và chỉ cho phép đi biển trong điều kiện gió dưới cấp 2. Thế nên, việc chết máy giữa dòng, chuyện lật thuyền hay có khi nửa tháng trời anh em chiến sỹ không thể vào bờ, không có thức ăn tươi không còn hiếm”.

Chống chọi với thời tiết và điều kiện khắc nghiệt nhưng với mỗi CBCS, khẩu hiệu: “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” đã ăn sâu vào máu thịt, làm nên tinh thần lạc quan yêu đời của người lính. Những giọt nước hiếm hoi sau khi tắm giặt, đánh răng, rửa mặt được tận dụng để ươm mầm cho những luống rau, bầu bí. Ngoài ra, các anh còn tăng gia để có những đàn gà, lợn, dê không chỉ góp phần cải thiện bữa ăn mà còn là biểu tượng của cuộc sống yên bình.

Trưa tròn bóng nắng, bãi đá hầm hập nóng, ở khu vực cầu cảng lại có bóng dáng của những vị khách mới. Lần này là những ngư dân – những vị khách quen thuộc của đảo. Xách mớ cá tươi lên làm quà, ngư dân Hoàng Hữu Tôn (Kỳ Lợi, Kỳ Anh) cười rạng rỡ: “Anh em chúng tôi đi từ hừng đông, thường thì đã về ngay trong buổi sáng nhưng hôm nay, mải mê theo luồng cá nên lại có cơ hội vào chơi với các anh”. Được biết, với CBCS trên đảo, ngư dân luôn là hậu phương vững chắc. Những chuyến ngư dân ghé chơi thực sự trở thành những món quà tinh thần giúp lính đảo vơi nỗi nhớ người thân, quê nhà.

Trên đường tuần tra
Trên đường tuần tra

Trong câu chuyện thân tình bên ấm nước chè xanh, các ngư dân cũng đã được CBCS trên đảo thông báo một số tình hình, diễn biến về vùng biển “nóng”, về việc tàu Trung Quốc đe dọa ngư dân và chủ trương, biện pháp giải quyết của Đảng và Nhà nước. Ngư dân Hoàng Hải Đăng cho biết: “Thời gian gần đây, qua các phương tiện thông tin đại chúng và qua tuyên truyền của CBCS trên đảo, chúng tôi cũng rất lo ngại trước những hành động sai trái của Trung Quốc. Tuy nhiên, từ đời ông cha đã sống nhờ vào lộc biển nên thế hệ chúng tôi, dù thế nào cũng quyết tâm bám biển đến cùng, không chỉ để mưu sinh mà còn để khẳng định chủ quyền biển đảo của quê hương, đất nước”.

Sau mùa nắng nóng là mùa biển động. Khó khăn còn chồng chất, nhưng với CBCS đảo Sơn Dương, những thử thách của thiên nhiên chẳng thấm vào đâu so với hiểm nguy mà những đồng đội đang từng ngày, từng giờ phải đối mặt để bảo vệ từng tấc biển. Hướng về đồng đội, ngoài niềm tin chính nghĩa sẽ chiến thắng, họ chỉ biết hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tăng cường công tác huấn luyện, vững chắc tay súng và sẵn sàng khi có lệnh điều động.

Con thuyền nhỏ hướng mũi về phía đất liền đánh dấu thời khắc chia tay của chúng tôi cùng những người lính đảo. Nhìn các anh xa dần trên cầu cảng, ai nấy đều rưng rưng. Xa xa, trên nền trời xanh thẫm, lá cờ Tổ quốc vẫn kiêu hãnh tung bay trong gió như khí phách hiên ngang của những người lính đảo luôn vững vàng trước mọi tình huống, không một phút giây lơ là đối với nhiệm vụ canh giữ biển trời quê hương.

Tháng 6/2014

Ghi chép

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast