Hà Tĩnh là một trong những "điểm sáng" trong phòng trào xây dựng nông thôn mới thu hút nhiều địa phương đến tham quan, học tập
Quyết liệt chỉ đạo
Nghị quyết “tam nông” ra đời như một “luồng gió mới” thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn đổi mới, phát triển. Để nghị quyết đi vào cuộc sống, Hà Tĩnh đã sớm ban hành các chương trình hành động. Đặc biệt ngày 19/5/2009, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành NQ 08-NQ/TU về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Hà Tĩnh giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Việc cụ thể hóa nội dung nghị quyết được các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương, đơn vị từ tỉnh đến cơ sở triển khai kịp thời.
Tỉnh đã xây dựng được hệ thống các đề án, quy hoạch, chính sách khá đồng bộ với 28 quy hoạch, 18 đề án và hệ thống đồng bộ các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn đảm bảo có tính chiến lược, phù hợp mục tiêu nghị quyết và thực tiễn sản xuất, đời sống người dân nông thôn.
Bằng các chính sách "kích cầu", Hà Tĩnh tập trung cao cho hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn
Các quy hoạch, đề án, chính sách sau khi ban hành và triển khai đã nhanh chóng đi vào cuộc sống, nhận được sự đồng thuận cao của cấp ủy, chính quyền, tổ chức kinh tế và đặc biệt là của bà con nông dân.
Ông Nguyễn Văn Việt – Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng: Có được sự đoàn kết, đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 26 và Nghị quyết 08 trước hết là việc vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa nghị quyết của Trung ương sát với thực tế địa phương, đặc biệt, huy động được nguồn lực và trao quyền đầy đủ cho người dân, cộng đồng với vai trò là chủ thể thực hiện...
Bức tranh tươi mới
Từ chỗ yếu kém, lạc hậu, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ... Hà Tĩnh đã tạo bước đột phá, đưa nông nghiệp, nông thôn và nông dân thành một bức tranh tươi mới, phát triển có chiều sâu.
Nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên cát, mang lại giá trị kinh tế cao
Ông Nguyễn Tuấn Thanh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT phấn khởi cho biết: Trong 10 năm qua, nông nghiệp Hà Tĩnh đã mang về những con số ấn tượng: tỷ trọng cơ cấu chăn nuôi trong nông nghiệp từ 32,58% (năm 2008) tăng lên trên 52,8%; giá trị sản xuất các sản phẩm chủ lực như cam, bưởi Phúc Trạch, chăn nuôi lợn, bò, hươu, nuôi tôm từ 30,41% (năm 2013) lên 42,39% (2016) và 38,7% (2017).
Diện mạo nông thôn mới thực sự khởi sắc, đường làng, ngõ xóm được bê tông hóa đến tận ngõ, đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống của nhân dân. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2017 đạt 25 triệu đồng, tăng gấp 4 lần so với trước (năm 2008 là 6,23 triệu đồng); tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 26,65% năm 2008 xuống 8,56% năm 2017 theo chuẩn nghèo đa chiều.
Đặc sản Bưởi Phúc Trạch Hà Tĩnh mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân
Tiếp tục bứt phá
Quá trình thực hiện NQ 26 và NQ 08, Hà Tĩnh vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế như: kết quả tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng hiện đại chưa tạo được sự lan tỏa trên diện rộng, sản xuất của đại bộ phận hộ nông dân vẫn phát triển chậm.
Mặt khác, nền nông nghiệp nhìn chung tăng trưởng không đồng đều giữa các lĩnh vực, sản phẩm lợi thế. Cụ thể, chăn nuôi tăng trưởng nhanh, trong khi lâm nghiệp, thủy sản, trồng trọt tăng trưởng chậm (trong con số tăng trưởng 4,75% giai đoạn 2013-2017, chăn nuôi đóng góp 3,29%); kinh tế hộ còn nhỏ lẻ, quy mô lớn theo chuỗi giá trị, nhất là liên kết theo chuỗi với doanh nghiệp còn ít, thiếu bền vững... Qua những tồn tại, hạn chế này đã đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển tam nông trong thời gian tới.
Tiếp tục áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững.
Ông Nguyễn Văn Việt – Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay: "Trong giai đoạn mới, ngành sẽ chỉ đạo thực hiện một cách quyết liệt, hiệu quả, đảm bảo hoàn thành đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu theo Nghị quyết 26-NQ/TW của Trung ương và Nghị quyết 08-NQ/TU của Đảng bộ tỉnh. Từ đó, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, có năng suất, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hoà giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn".
Ưu tiên phát triển các sản phẩm cây , con chủ lực của tỉnh để nâng cao giá trị sản xuất
“Điều quan trọng nhất là phát huy cao hơn nữa sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, quyết tâm của nhân dân trong quá trình thực hiện các mục tiêu, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân.” – Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Việt nhấn mạnh.