Tình trạng một số hộ dân ở phường: Kỳ Long, Kỳ Thịnh và xã Kỳ Lợi (TX Kỳ Anh) thả rông trâu bò trên các tuyến: Nguyễn Trãi, quốc lộ 1, quốc lộ 12C qua địa bàn khiến dư luận hết sức bức xúc. Điều này này không chỉ làm mất mỹ quan đô thị mà còn gây ra nhiều vụ tai nạn cho người tham gia giao thông.
Video trâu bò thả rông tại TX Kỳ Anh
Trâu bò thả rông không chỉ gây mất mỹ quan mà còn gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Ảnh chụp vào chiều 11/5/2023.
Theo người dân địa phương, từ tháng 10/2022 lại nay đã xảy ra 6 vụ tai nạn do trâu bò thả rông làm người tham gia giao thông bị thương và hư hỏng phương tiện; trong đó, 4 vụ xảy ra trên đường Nguyễn Trãi, 2 vụ trên quốc lộ 1 đoạn qua 2 phường Kỳ Phương và Kỳ Trinh.
Anh Nguyễn Quang Huy phường Kỳ Thịnh, TX Kỳ Anh), bức xúc: “Đoạn đường Nguyễn Trãi dài 5km nhưng không lắp đặt đèn chiếu sáng ven đường, cột mốc ven đường không sơn phản quang, trâu bò thả rông thường xuyên “lởn vởn” là nguyên dân dẫn đến nhiều vụ tai nạn. Dù đã rất cảnh giác khi qua đây nhưng bản thân tôi nhiều lần “rớt tim” vì tránh trâu bò đột ngột lao ra giữa đường…”.
Tuyến đường Nguyễn Trãi (phường Kỳ Long) có nhiều mối nguy dễ dẫn đến tai nạn giao thông.
Phường Kỳ Long hiện có khoảng 25 hộ chăn nuôi trâu bò, với tổng đàn 150 con. Việc các hộ gia đình ở khu tái định cư chăn nuôi trâu bò với tập quán thả rông đã trở thành vấn đề khó giải quyết đối với chính quyền địa phương. Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp nhưng hiệu quả không cao.
Ông Trần Văn Chung - Chủ tịch UBND phường Kỳ Long cho biết: “Chính quyền địa phương đã triển khai nhiều giải pháp như: làm chỗ nhốt trâu bò thả rông, giao ban bảo vệ tổ dân phố tăng cường công tác tuyên truyền, ký cam kết, tăng mức độ xử phạt răn đe... Tuy vậy, tại tuyến đường Nguyễn Trãi, do tiếp giáp với địa bàn Kỳ Thịnh, Kỳ Lợi nên việc quản lý gia súc thả rông của các địa bàn khác cũng gây khó cho chúng tôi".
UBND phường Kỳ Long làm điểm nuôi nhốt gia súc thả rông ở TDP Hợp Tiến.
Theo thống kê của Công an TX Kỳ Anh, từ tháng 10/2022 đến nay, trên tuyến đường Nguyễn Trãi, quốc lộ 1, quốc lộ 12C và các tuyến đường nội thị đã xảy ra 2 vụ TNGT nghiêm trọng do trâu, bò thả rông mà không có người trông coi, chăn dắt. Hậu quả làm 1 người chết, 1 người bị thương nặng. Ngoài ra, có rất nhiều vụ tai nạn do trâu bò thả rông nhưng do va quệt nhẹ nên người dân không báo lên cơ quan chức năng.
Điển hình là vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra ngày 4/11/2022 khiến 1 người tử vong. Theo đó, anh H.N.L (trú tại huyện Diễn Châu, Nghệ An) điều khiển xe mô tô khi đang lưu hành hướng từ Cảng Sơn Dương về ngã ba Kỳ Long trên tuyến đường Nguyễn Trãi (phường Kỳ Long) thì tông vào trâu thả rông trên đường. Hậu quả, anh L. tử vong sau khi được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện.
Trâu bò thả rông gây bất an cho người tham gia giao thông.
Thiếu tá Lê Doãn Thái - Phó Trưởng Công an thị xã Kỳ Anh cho biết: "Bên cạnh việc người điều khiển phương tiện thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ thì súc vật không được chăn dắt, chạy qua đường bất ngờ là nguyên nhân xảy ra các vụ TNGT.
Để đảm bảo trật tự ATGT trên các tuyến đường, không để xảy ra TNGT đáng tiếc do súc vật gây ra, Công an TX Kỳ Anh đã chỉ đạo công an các xã, phường thường xuyên tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành các quy định pháp luật về trật tự ATGT. Công an xã, phường tham mưu cho UBND các địa phương tuyên truyền cho chủ hộ chăn nuôi ký cam kết thực hiện các quy định: phải có người trông coi, dẫn dắt súc vật khi đi trên đường; cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh; không được dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới…”.
Điều 34 và điểm c, khoản 2 Điều 35 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định không được thả rông súc vật trên đường bộ.
Về trách nhiệm dân sự: Trường hợp chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu, sử dụng súc vật chăn thả gia súc, dẫn dắt gia súc đi trên đường không tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn giao thông, dẫn dắt gia súc đi vào đường giao thông gây TNGT đường bộ, gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật hiện hành.
Về trách nhiệm hình sự: Trường hợp chủ sở hữu hoặc người chiếm hữu, sử dụng súc vật chăn thả gia súc, dẫn dắt gia súc đi trên đường không phù hợp quy định pháp luật dẫn đến làm chết người thì chủ sở hữu/người chiếm hữu, sử dụng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội vô ý làm chết người” theo quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung xử lý thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm. Trường hợp vô ý làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 3 - 10 năm, đồng thời chịu trách nhiệm bồi thường theo Bộ luật Dân sự.