Mâu thuẫn sắc tộc bùng lên ở Bolivia sau khi ông Morales rời đi

Cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Bolivia đang phơi bày những chia rẽ về chủng tộc và địa lý mà nhiều người tưởng rằng đã biến mất sau 14 năm lãnh đạo của ông Evo Morales.

Ông Morales hiện đã tị nạn ở Mexico , sau khi bị quân đội ép buộc phải từ chức. Nhưng sự ra đi của vị tổng thống từng giúp ổn định một đất nước từng liên tục bất ổn đã trở thành một cơn động đất về mặt chính trị, khơi ra những vết nứt cũ.

Vị tổng thống người bản địa đầu tiên đã không còn, và giờ đây những người bản địa từ các vùng nông thôn, đặc biệt là những nông dân trồng lá coca, đang tràn về thủ đô La Paz để yêu cầu ông Morales trở lại.

“Ông ấy cũng là người bản địa như tôi”, Macario Chura, một nông dân nghèo, chia sẻ khi đi tuần hành trên đường.

Mâu thuẫn sắc tộc bùng lên ở Bolivia sau khi ông Morales rời đi

Những người ủng hộ ông Morales tham gia một cuộc tuần hành từ El Alto đến La Paz để bày tỏ sự phản đối với chính phủ lâm thời của bà Jeanine Anez. Ảnh: New York Times.

Anh hùng của những người bản địa

Không cần phải nhìn ra khỏi thủ đô La Paz để chứng kiến những thành tựu của ông Morales. Hệ thống cáp treo gondola nối từ La Paz đến El Alto được chính quyền của ông khởi công vào năm 2014 đã giúp hàng triệu người, đặc biệt là những người bản địa ở El Alto, có được một phương tiện giao thông công cộng hợp lý để đi tới thủ đô, trong bối cảnh những con đường dưới mặt đất kín đặc xe cộ.

Khi ông Morales trở thành tổng thống vào năm 2005, Bolivia là quốc gia nghèo nhất Nam Mỹ . Bản thân ông Morales hiểu rất rõ về sự nghèo đói mà ông đang chiến đấu: 4 trong số 6 anh chị em của ông đã qua đời vì suy dinh dưỡng và bệnh tật khi còn nhỏ. Ông đã biến Boliva trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhất khu vực và giảm một nửa tỷ lệ nghèo đói.

Chính quyền của ông không quốc hữu hóa toàn bộ các công ty dầu khí mà thay vào đó yêu cầu tăng tỷ lệ lợi nhuận mà chính phủ được nhận từ 18% lên 82%. Số tiền này phần lớn được sử dụng vào các chính sách trợ cấp xã hội, như chương trình cấp 26 USD/tháng cho mỗi trẻ em trong một hộ gia đình nghèo, và 344 USD/tháng cho công dân nghèo trên 60 tuổi.

Chính phủ cũng đặc biệt coi trọng quyền lợi của người bản địa, công chức nhà nước được yêu cầu phải học 1 trong 3 ngôn ngữ bản địa là Quechua, Aymara hoặc Guarani trong vòng 2 năm. Người bản địa cũng được khuyến khích học đại học, và 3 trường đại học dành riêng cho người bản địa cũng được thành lập.

Trong khi nhiều chính sách được đưa ra để cải thiện điều kiện sống của tầng lớp lao động, thì ngược lại, nhiều người Bolivia ở tầng lớp trung lưu cảm thấy vị thế xã hội của mình bị suy giảm. Họ cho rằng những chính sách này quá cực đoan và đe dọa đến sự sở hữu tư nhân.

Sự bất bình này đã châm ngòi cho làn sóng phản đối vị tổng thống người bản địa, sau khi ông tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm 20/10. Một bộ phận người dân Bolivia không chấp nhận nhiệm kỳ thứ 4 của ông Morales vì cho rằng điều đó là vi hiến, tập trung ở thành phố Santa Cruz - trung tâm thương mại của đất nước nơi phần lớn người dân có nguồn gốc châu Âu và theo đạo Cơ Đốc.

Mâu thuẫn sắc tộc bùng lên ở Bolivia sau khi ông Morales rời đi

Ông Morales được coi như anh hùng của những người bản địa vì các chính sách hỗ trợ hướng tới bộ phận này của dân số Bolivia. Ảnh: AFP.

Sau sức ép của những người biểu tình ở La Paz và đặc biệt là sau khi mất đi sự ủng hộ của quân đội, ông Morales tuyên bố từ chức và rời khỏi đất nước. Nhưng người thay thế ông, bà Jeanine Anez lại là một chính trị gia cánh hữu Cơ Đốc giáo, và sự thay đổi đột ngột này được cho là sẽ không khiến tình hình được cải thiện.

Nỗi lo của 3/4 dân số

14 năm cầm quyền của ông Morales đã mang lại một bước đột phá cho những người bản địa chiếm 3/4 dân số Bolivia. Bây giờ khi cựu tổng thống đã đến Mexico tị nạn, những người ủng hộ ông lo sợ rằng họ sẽ mất đi các lợi ích chính trị và kinh tế phải mất hàng chục năm mới giành được.

Những nỗi lo này ngày càng tăng khi bà Anez bổ nhiệm một nội các lâm thời không có thành viên nào là người bản địa, tuyên bố rằng “Kinh Thánh đã trở lại” văn phòng tổng thống, và cảnh báo ông Morales về việc sẽ bị đưa ra tòa nếu quay trở lại đất nước. Cũng không khó để tìm thấy những dòng tweet mang màu sắc phân biệt chủng tộc được bà Anez đăng tải trước đây.

“Một chu kỳ chính trị kéo dài 14 năm đã chấm dứt. Chúng tôi đang sống trong thời đại hậu Evo và điều này mang tới những căng thẳng và sự không chắc chắn làm phức tạp quá trình chuyển giao quyền lực, cho đến khi một dự án chính trị mới xuất hiện”, ông Marcelo Silva, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Cao học San Andres ở La Paz, nhận định.

Những mâu thuẫn chủng tộc và sự phân biệt vùng miền đã trở lại tại quốc gia bị chia cắt giữa vùng đất thấp phía đồng giàu có hơn, có nguồn gốc châu Âu và một miền tây cao nguyên nghèo khó của những người bản địa.

Mâu thuẫn sắc tộc bùng lên ở Bolivia sau khi ông Morales rời đi

Một người nông dân trồng coca quỳ xuống xin cảnh sát tránh ra để những người ủng hộ ông Morales có thể thực hiện cuộc tuần hành ở Cochabamba, Bolivia. Ảnh: AP.

Từ Mexico, ông Morales kêu gọi những người ủng hộ mình hãy giữ vững áp lực, và tuyên bố trên Twitter rằng việc lực lượng an ninh giết chết 8 người ủng hộ ông hôm 15/11 tại thị trấn miền Trung Sacaba là một vụ thảm sát. Chính phủ cho biết đã có 23 người thiệt mạng kể từ khi bạo lực nổ ra sau cuộc bầu cử hôm 20/10.

Kể từ khi giành độc lập năm 1852, đã có khoảng 190 nỗ lực đảo chính và các cuộc khởi nghĩa diễn ra ở Bolivia, trong một vòng lặp của xung đột giữa tầng lớp tinh hoa chính trị ở khu vực thành thị và những người nông dân bản địa bất mãn ở vùng cao nguyên.

Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc , bà Michelle Bachelet đã đưa ra tuyên bố hôm 16/11, bày tỏ lo ngại rằng sau vụ giết người ở Sacaba, “Bolivia có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát nếu như cơ quan chức năng không đủ nhạy cảm để xử lý vấn đề và tuân thủ các thông lệ quốc tế”.

Theo Zing

Đọc thêm

Truyện cười: Vé số

Truyện cười: Vé số

Một bà vợ hay ngoại tình, mỗi lần như vậy bà ta nói với chồng: “Em trúng xổ số nên hôm nay nhà mình ăn tươi”. 
Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Khi Lionel Messi đăng đàn phản ứng với phát biểu của Eric Abidal, thành viên BLĐ Barcelona, đó như giọt nước mắt của một thằng hề.