5 dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tim mạch cần cấp cứu

Các bệnh lý về tim mạch là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng.

5 dấu hiệu cảnh báo bệnh lý tim mạch cần cấp cứu

Hình minh họa.

Theo các chuyên gia tim mạch, việc phát hiện các dấu hiệu bệnh lý tim mạch kịp thời để cấp cứu góp phần tăng cao cơ hội sống và hồi phục cho người bệnh. Các dấu hiệu bệnh lý cần cấp cứu thường gặp:

Đau thắt ngực

Bệnh nhân đau ngực dữ dội, cảm giác bị bóp nghẹt trong lồng ngực, vị trí cơn đau thường ở phía sau xương ức, đau lan lên vai trái, mặt trong cánh tay trái hoặc lan ra sau lưng… Đây là biểu hiện nghi ngờ bệnh nhồi máu cơ tim. Khi gặp người bệnh có biểu hiện triệu chứng như trên, cần gọi người giúp đỡ đồng thời gọi cấp cứu 115 để họ xử trí ban đầu và đưa người bệnh tới bệnh viện. Nếu không gọi được cấp cứu 115, bạn cần đưa người bệnh tới bệnh viện ngay lập tức, không để người bệnh tự đi khám.

Các biểu hiện ngừng tuần hoàn

Người bệnh đột ngột ngất xỉu, mất phản ứng xung quanh, gọi hỏi không biết, ngừng thở, ngừng tim, tím tái toàn thân, đôi khi có biểu hiện co giật hoặc mềm nhũn, có thể xuất hiện đại, tiểu tiện không tự chủ. Trong trường hợp đó, cần gọi người hỗ trợ và cấp cứu 115 ngay lập tức. Đồng thời, đặt người bệnh nằm ngửa trên mặt phẳng cứng thực hiện ép tim - thổi ngạt ngay tại chỗ trong lúc chờ xe cấp cứu.

Tư thế ép tim như sau: người cấp cứu quỳ bên cạnh người bệnh. Đặt hai tay của người cấp cứu (bàn tay phải trên mu bàn tay trái) lên 1/3 dưới xương ức của người bệnh, ấn mạnh vuông góc đồng thời cả hai tay cho lồng ngực người bệnh xẹp xuống. Thực hiện liên tục 100-120 lần/phút thậm chí không cần động tác hà hơi thổi ngạt khi chỉ có một mình cấp cứu.

Thổi ngạt: nếu có hai người thì một người ép tim, một người thổi ngạt. Người thổi ngạt một tay bịt mũi người bệnh, tay kia kéo hàm dưới xuống để miệng hở ra, ngậm chặt miệng người bệnh thổi khí vào phổi người bệnh sao cho ngực người bệnh nhô lên, sau đó để lồng ngực tự xẹp xuống rồi lại thổi tiếp. Thực hiện khoảng 20 lần/phút.

Các dấu hiệu đột quỵ

Đó là các dấu hiệu như: đột ngột tê hoặc yếu nửa người (một bên tay, chân), mặt méo và nhân trung lệch một bên so với bình thường, ngất hoặc hôn mê, mất hoặc rối loạn khả năng nói, rối loạn thị giác, đột ngột mất thăng bằng và phối hợp các động tác, đau đầu dữ dội, nôn không rõ nguyên nhân... Người bệnh có một trong các triệu chứng trên, cần được đưa ngay tới bệnh viện.

Khó thở

Người bệnh tim đột ngột khó thở dữ dội, vã mồ hôi: cho người bệnh nằm đầu cao. Gọi người cấp cứu, gọi 115 ngay lập tức.

Đau đột ngột chân hoặc tay

Chân hoặc tay bị đau đột ngột, dữ dội, bệnh nhân phải ngừng mọi sinh hoạt. Chân hoặc tay bị lạnh, màu sắc tái nhợt hơn so với bên còn lại. Đây có thể là dấu hiệu của tắc động mạch cấp tính ở chân hoặc tay. Khi gặp biểu hiện này, người bệnh cần được đưa đi cấp cứu ngay lập tức để phẫu thuật lấy cục huyết khối gây tắc trong lòng mạch.

Theo vtv

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast