Gừng - gia vị quen thuộc, nhiều tác dụng không ngờ

Gừng là một trong những hương vị ẩm thực phổ biến nhất trên thế giới. Mùi thơm mạnh mẽ, vị cay nồng nàn của gừng là một yếu tố thiết yếu trong các món ăn Ấn Độ, Thái Lan.

Gừng (Zingiber officinale) thuộc chi Zingiber, họ Zingiberaceae. Tên chi Zingiber có nguồn gốc từ chữ zingiberis của Hy Lạp, chữ Sringabera tiếng Phạn, có nghĩa là “hình sừng”, đó chính là hình dạng thân rễ cây gừng.

Lịch sử của cây gừng

Gừng có nguồn gốc từ châu Á, tại đây, nó đã được sử dụng để làm gia vị từ ít nhất 4.400 năm trước. Một trong những pháp dưỡng sinh của Khổng Tử là ăn một chút gừng tươi sau bữa cơm.

Giống như hạt tiêu, gừng đến châu Âu từ ít nhất 2.000 năm trước. Thế kỷ XIII, XIV nhiều quốc gia châu Âu đã đánh thuế gừng và bán nó với giá cao, một cân gừng bằng với giá của một con cừu. Vào thế kỷ XVI, các thương nhân Bồ Đào Nha mang gừng từ Đông sang Tây Phi, sau đó đến Nam Mỹ.

Phần thân củ, thân ngầm của của gừng được sử dụng trong nấu ăn và làm thảo dược. Gừng có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, khắc phục tình trạng khó chịu của dạ dày, chống tiêu chảy, giảm buồn nôn; trị cảm lạnh và cúm. Từ xa xưa, gừng đã đóng một vai trò quan trọng trong y học cổ truyền của các nước châu Á. Thời Trung Cổ, gừng được coi trọng đến nỗi nó còn được cho là món quà của các vị thần đến từ Vườn Địa đàng.

Một miếng gừng khô được dùng làm bùa hộ mệnh đeo trên người để tăng cường và bảo vệ sức khỏe của người mang nó.

Sự tươi tốt của những khóm gừng trong vườn là biểu hiện sức khỏe tốt của người làm vườn.

Những thủy thủ Trung Quốc từ thế kỷ thứ V đã biết sử dụng gừng để ngăn chặn bệnh scurvy (do thiếu vitamin C) cho những chuyến đi dài.

Ở Anh, vào thế kỷ XIX, người ta bảo quản những thùng rượu vang và bia bằng gừng xay - đó là nguồn gốc của đồ uống gừng.

Gừng - gia vị quen thuộc, nhiều tác dụng không ngờ

Gừng chứa hoạt chất gingerol có tác dụng chữa viêm khớp.

Tác dụng của gừng theo y học hiện đại

Tác dụng chống nôn

Gừng có tác dụng ngăn ngừa hoặc điều trị buồn nôn và nôn do say tàu xe. Khác với nhiều loại thuốc chống say tàu xe tân dược, gừng không gây buồn ngủ và khô miệng.

Gừng cũng được sử dụng để điều trị buồn nôn liên quan đến mang thai, hóa trị ung thư và sau khi phẫu thuật. Một nghiên cứu của Viện Ung thư Quốc gia (National Cancer Institute) cho rằng, nếu bệnh nhân dùng 0,5 -1,0g gừng trong 3 ngày trước và sau khi hóa trị cùng với thuốc chống ung thư, chứng buồn nôn sẽ giảm thêm 40%.

Cơ chế làm giảm buồn nôn của gừng hiện không được biết chính xác hoàn toàn, nhưng nhiều giả thuyết cho rằng: Các hợp chất trong gừng liên kết với các thụ thể ở đường tiêu hóa để làm giảm cảm giác buồn nôn và đẩy nhanh quá trình tiêu hóa, do đó giảm thời gian thức ăn nằm lại trong dạ dày.

Tác dụng sát trùng, giảm đau, chống viêm

Gừng được dùng để chống nhiễm trùng đường tiêu hóa và ảnh hưởng của ngộ độc thực phẩm.

Ở châu Âu, gừng đã từng được sử dụng để chống lại bệnh dịch hạch.

Khi đau họng hay đau răng có thể ngậm và nhai vài lát gừng tươi để giảm đau.

Trà gừng nóng được sử dụng để điều trị đau đầu và đau bụng kinh nguyệt.

- Gừng có chứa hoạt chất gingerol dùng để giảm đau nhức khớp, điều trị viêm khớp. Một nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng gừng làm giảm đau ở những bệnh nhân viêm khớp gối tốt hơn so với giả dược nhưng không tốt như ibuprofen (một loại NSAID).

Tác dụng làm ấm cơ thể và cải thiện tuần hoàn

Nhâm nhi một tách trà gừng nóng vào lúc thời tiết lạnh và bạn sẽ cảm nhận rõ sự ấm nóng của gừng, vì nó làm cải thiện sự lưu thông bằng cách giãn nhẹ các mạch máu ở bàn chân và bàn tay. Trà gừng không những làm ấm cơ thể mà còn có tác dụng chống cảm lạnh, cảm cúm thông thường.

Tác dụng chống lại khối u

Các nghiên cứu hiện nay đang ra chỉ ra rằng gừng và tinh dầu gừng có thể ngừa các khối u, ung thư đại trực tràng, vấn đề này còn đang được nghiên cứu sâu hơn nữa. Tuy nhiên, không thể phủ nhận gừng là một loại dược liệu tiềm năng để phòng chống các bệnh ung bướu.

Trong gừng khô có chứa hợp chất 6-shogaol. Nghiên cứu khoa học đã chứng minh 6-shogaol chiết xuất từ gừng có tác dụng chống ung thư mạnh mẽ. 6-shogaol có hiệu quả cao hơn 10.000 lần so với taxol (hóa chất trị liệu ung thư) trong việc gây độc tế bào ung thư, ngăn chặn sự di căn và bảo toàn cho các tế bào khỏe mạnh.

Cách sử dụng gừng

Trong ẩm thực, củ gừng thường được dùng tươi hoặc bột gừng để làm gia vị, giúp khử mùi hôi tanh của thực phẩm sống, tăng hương vị và làm cân bằng nhiều món ăn. Gừng tươi có vị ít mạnh nhất, khi dùng thường được thái lát, thái sợi hoặc đập dập. Gừng khô có hương vị mạnh và bảo quản được lâu dài. Gừng khô, gừng khô nghiền bột được sử dụng trong các món súp, cà ri, bánh nướng…

Trong y học cổ truyền, gừng được dùng đa dạng với nhiều dạng bào chế như: sinh khương (gừng tươi), can khương (gừng khô), ổi khương (gừng lùi), thán khương (gừng nướng thành than), khương bì (vỏ gừng khô). Tùy vào mục đích chữa bệnh mà sử dụng và phối ngũ thích hợp.

Ngày nay, người ta sử dụng gừng ở dạng tươi hoặc bột khô hoặc tinh dầu để chữa bệnh đơn giản tại nhà (đun nước, hãm trà, xoa bóp, ngâm tắm…). Đối với các chế phẩm từ gừng dưới dạng thực phẩm chức năng hoặc thuốc, cần phải dùng theo hướng dẫn ghi trên sản phẩm hoặc theo chỉ định của thầy thuốc.

Gừng - gia vị quen thuộc, nhiều tác dụng không ngờ
Theo TS. Phùng Tuấn Giang/SK&ĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast