Lợi ích bất ngờ từ các loại chuối

Chuối là loài cây phổ biến, chuối trồng lấy quả, chuối rừng và chuối trồng làm cảnh. Trong y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian, chuối được sử dụng như một vị thuốc chữa bệnh có hiệu quả nhất định.

Theo tài liệu nước ngoài, một số nhà khoa học đã chứng minh rằng bột chuối tiêu xanh chữa loét dạ dày rất tốt. Nó có tác dụng kích thích sự phát triển của lớp màng nhày trong dạ dày, làm cho màng nhày dày lên ngăn cản sự tấn công của dịch vị vào trong dạ dày và tạo điều kiện cho các vết loét mau lành; một khẩu phần ăn trong ngày có chuối tiêu xanh phòng tránh bệnh loét dạ dày. Các bác sĩ ở Anh lại cho rằng, tinh bột trong quả chuối tiêu xanh có tác dụng phòng ngừa ung thư đường ruột…

Mời bạn đọc cùng tìm hiểu thuốc từ các loài chuối trong bài viết dưới đây:

Chuối tiêu

Chiếu tiêu, tên khác là hương tiêu, vị ngọt, tính mát; Có công năng tư âm, nhuận tràng, nhuận phế, thanh nhiệt, giải độc. Dùng cho các trường hợp táo bón, sốt nóng khát nước, mụn nhọt, trĩ xuất huyết, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, an thai. Theo y học hiện đại, chuối tiêu giàu dinh dưỡng do chứa bột đường; protein được cấu tạo bởi các acid amin cần thiết như vitamin: A, B, C...; các nguyên tố Ca, Fe, Mg, K, Na, Zn...

Lợi ích bất ngờ từ các loại chuối

Chuối hột sấy khô chữa viêm loét dạ dày, sỏi thận.

Trong tài liệu cổ, vỏ quả chuối chín có vị ngọt, chát, có tác dụng sát khuẩn, chỉ tả. Củ chuối vị ngọt, mát có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Dịch nhựa chảy ra từ thân hay củ chuối có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, giải độc.

Chữa phế nhiệt, đàm suyễn: Củ chuối tươi 60g, rau sam 30g. Giã nát ép lấy nước hoặc cho vào máy xay sinh tố, xay, lọc nước, đun âm ấm để uống.

Chữa mụn nhọt: củ chuối hay rễ chuối, giã nát đắp chỗ đau.

Chữa ngộ độc thức ăn: Củ chuối tiêu 500g, thái miếng, sắc đặc lấy 1 bát, uống ấm để gây nôn.

Chữa viêm loét dạ dày: Chuối tiêu xanh thái lát, phơi hoặc sấy khô, tán bột mịn. Ngày uống 20 - 30g.

Chữa đại tiện táo, đi ngoài ra máu, trĩ xuất huyết: Chuối tiêu chín 3-4 quả, để cả vỏ luộc chín, ăn cái uống nước, chia ăn trong ngày.

Chữa viêm khí phế quản, ho khan, ho có đờm: Chuối tiêu chín 2 quả, đường phèn 100g. Chuối cắt đoạn mỏng, thêm đường phèn, hấp cách thủy cho chín. Ngày 1 - 2 lần.

Chữa tiểu tiện ra máu: Củ chuối tươi 120g, cỏ nhọ nồi 30g. Sắc lấy nước, uống trong ngày.

Lợi ích bất ngờ từ các loại chuối

Chuối hột (chuối chát)

Các bộ phận của cây chuối hột đều có tác dụng chữa bệnh. Nước sắc thân và lá chuối hột có tác dụng lợi tiểu chữa phù thũng. Nước hãm củ chuối hột uống mát, tiêu khát, giải độc, kích thích tiêu hóa. Lá bao bọc buồng chuối và hoa chuối hột sắc uống làm thuốc bổ, mát phổi, tiêu độc. Quả chuối hột có tác dụng chữa đái đường, viêm thận, tăng huyết áp.

Chữa ho ra máu: Củ chuối hột, rễ cây dâu, rễ cỏ tranh, thài lài tía, mỗi thứ 12g, thái nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml, uống làm hai lần trong ngày.

Chữa đau nhức răng: Thân chuối hột còn non, cắt đoạn, nướng chín rồi ép lấy nước, ngậm với ít muối.

Chữa băng huyết, nôn ra máu: Lá chuối hột phơi khô 10g, mốc cây cau 20g, tinh tre 20g. Tất cả đốt tồn tính, tán nhỏ, hòa với nước uống.

Chữa táo bón và làm tăng tiết sữa: Hoa chuối hột thái nhỏ, luộc hoặc làm nộm ăn.

Chữa viêm loét dạ dày: Quả chuối hột xanh phơi, sấy khô tán nhỏ, rây bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10g.

Chữa kiết lỵ ra máu: Củ chuối hột, củ sả, tầm gửi cây táo hoặc vỏ cây táo, mỗi thứ 4g, sao vàng, sắc uống.

Chữa sỏi bàng quang: Quả chuối hột xanh thái mỏng sấy khô, sao vàng, hạ thổ trong 3-5 ngày, mỗi lần dùng 50-100g sắc với 400ml nước, uống làm 2 lần trong ngày, uống sau bữa ăn. Có thể dùng dạng nước hãm như pha trà, uống ấm.

Chữa đau lưng, chân tay nhức mỏi, giảm đau, tiêu sưng: Hạt chuối hột 200g giã nát ngâm với 1.000ml rượu 40 độ trong 15-20 ngày là dùng được (để càng lâu càng tốt) thỉnh thoảng lắc đều. Ngày uống hai lần, mỗi lần 15ml trước bữa ăn hoặc trước khi đi ngủ, có thể thêm đường cho dễ uống.

Chuối xanh (chuối hoa sen, chuối rẻ quạt)

Chuối xanh, cây giống cây chuối nhưng hoa như kiểu hoa sen. Mọc nhiều ở huyện Mai Châu, Hòa Bình. Cây cao khoảng 3-5m, không đẻ nhánh mà mọc đơn độc do phát triển từ hạt. cụm hoa to gồm nhiều là bắc (còn gọi là mo) màu xanh tím và không rụng cho đến khi quả chín. Ở các loài chuối thường các lá bắc có màu đỏ tía và rụng ngay khi hoa nở.

Quả cây chuối xanh không có thịt mà chỉ gồm những xơ liên kết với nhau chứa nhiều hạt. Theo kinh nghiệm dân gian, để chữa chứng mẩn ngứa, mụn nhọt ngoài da: toàn thân cây, cuống lá, cụm hoa, để tươi, rửa sạch, thái nhỏ, giã nát, lọc lấy nước cốt, tẩm bông, bôi, chấm vào nơi tổn thương.

Chuối rừng

Chuối rừng mọc bạt ngàn ở Tây Bắc, Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung. Hoa chuối rừng mọc thẳng đứng ở ngọn thân, màu đỏ thẫm (khác với chuối trồng có hoa mọc thẳng xuống). Lõi thân chuối rừng giã nát đắp vào vết thương là thuốc cầm máu. Vỏ quả chuối rừng đã chín thái nhỏ, phơi khô, mỗi lần dùng 4-8g, sắc uống trị đau bụng, tiêu chảy.

Chữa động thai: Củ chuối rừng, củ chuối hột, rễ cây móc thái nhỏ sao vàng, mỗi vị 12g, sắc lấy nước uống, chia làm 2 lần, uống trong ngày.

Thuốc ngừa thai, hạn chế sinh nở: Cuống cụm hoa chuối rừng không đậu quả lấy từ phần gốc đến chỗ bắt đầu ra hoa, rửa sạch, thái nhỏ, sắc uống.

Theo DS. Nguyễn Thị Hồng/SK&ĐS

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast