Đường về nhà... Ảnh: Đậu Bình.
Mẹ tôi, không dịu dàng như trong lời ca, không ấm áp như bếp củi đêm đông lạnh giá. Mẹ tôi không xinh đẹp như trong bài văn cô hướng dẫn tả, cũng chẳng giỏi giang như các câu thơ về người mẹ anh hùng.
Mẹ tôi, đơn giản là một người phụ nữ bình thường! Mẹ tôi lam lũ. Tuổi thơ mẹ gắn liền với việc mót khoai, mót lúa. Một buổi đi học bình dân học vụ, còn một buổi kiếm thêm miếng ăn cho nhà bần nông đông con. Con chữ lúc ấy không quan trọng bằng no cái bụng. Sau này, mỗi lần chúng tôi lười học, mẹ tôi bảo: bay chừ được ăn no phải lo mà học. Bởi vất vả nên ngón tay mẹ không thuôn mà thô ráp, sần sùi; những móng chân nhuốm màu của nước phèn đất cát, làn da cũng ngấm sương gió mà xỉn màu, nám...
Con thơ bên mẹ hiền (Ảnh: Internet).
Mẹ tôi khó tính chứ không hiền lành. Chúng tôi ham chơi quên việc nhà, ăn roi là chuyện thường. Đi học bị cô nhắc do không làm bài, bà ném sách vở ra sân. Con gái ngủ dậy không dọn chăn màn, không chải tóc gọn gàng, bà phạt không cho xem chương trình “Bông hoa nhỏ” thần thánh thời ấy. Bốn anh em chúng tôi sợ mẹ hơn cha.
Sau này lớn lên tôi mới hiểu, cha tôi đi làm xa, một mình bà tất tả với 4 đứa con tuổi ăn tuổi học, tuổi khóc nhè. Vừa phải trông con, vừa phải đi cấy, đi dắm, đi nhổ lạc, bới khoai... rồi con đói, con ốm… Tất cả những thứ ấy buộc mẹ phải rắn rỏi hơn, lấy đâu ra sự dịu dàng. Có lần, anh tôi đánh nhau với bạn, về u đầu, còn bị mẹ đánh thêm, bảo chơi mà để bị đánh thì ráng chịu. Nhưng sau, lại thấy mẹ lấy lọ dầu sao vàng xoa xoa lên cục u với ánh mắt xót xa. Khổ cực đã giấu hết sự ân cần của mẹ.
Khi nghĩ về mẹ, bao giờ tâm hồn tôi cũng được an nhiên (Ảnh minh họa Internet)
Mẹ tôi cũng rất tiết kiệm, có khi quá mức thành hà tiện. Mẹ nấu cơm không mấy khi thừa, các con thường lóc lẻm thèm. Ngày tết thời ấy, cha đi làm về mang được khoanh giò với cân thịt là cũng oách lắm. Ấy vậy mà dù bọn tôi thèm nhỏ dãi, mẹ vẫn cất kỹ trong bếp, cấm có đứa nào dám ho he. Có khi, lúc được ăn thì đã ôi thiu mất rồi. Chúng tôi ấm ức lắm.
Cha tôi cũng mắng mẹ không cho con ăn khi còn ngon. Chả thấy mẹ nói gì, chỉ lặng lặng mang đi. Thì ra, mẹ cất dành nếu có khách ghé chơi ngày tết còn có cái mà dọn. Khi chúng tôi đã trưởng thành, hiểu chuyện, đôi khi lấy sự tiết kiệm của bà ra nói giễu, cha tôi bảo, cũng nhờ mẹ bay rứa mà nhà ta mới được như bây giờ. Sinh ra trong đói khổ nên cái tính ăn nay lo mai đã ngấm vào máu thịt rồi. Cảm giác cay xè nơi sống mũi!
Khi làm mẹ, tôi lại nhớ hơn những câu chuyện ngày xưa. Tôi thấy mẹ tôi là người phụ nữ anh hùng rồi, dù thiếu thốn vẫn nuôi dạy lũ con ăn học đàng hoàng, khôn lớn nên người có ích. Tôi cảm nhận được tình yêu thương trong những lần mẹ phạt ngày đó. Tôi cảm nhận được sự hy sinh trên gương mặt nhiều nếp nhăn, mái tóc có phần thô ráp không được chải chuốt... Mẹ đó, mãi vĩ đại trong mắt chúng con. Mẹ đó, là nơi bình yên khi mỗi lần về với mái nhà thân yêu ấy...