Mẹ già (Ảnh intenet)
Ta thường nói: Một lần kẻ tra, ba lần con nít, nhưng con nít rồi mươi, mười lăm năm thì lớn lên, khôn ngoan và biết nghĩ dần dưới sự chỉ bảo của người lớn, còn người già ngày một yếu ớt, khô héo, lẩm cẩm và lú lẫn, rồi làm những việc bất thường mà con cháu không ngờ được. Rất ít người già đến trước lúc nhắm mắt xuôi tay mà còn minh mẫn và khỏe mạnh. Hầu hết là “lão lai, tài tận”.
Nhiều lần dìu mẹ mình, mẹ chồng đi ra ngoài sân, bước lên bậc thềm hoặc đút cơm cho mẹ, tôi cảm thấy xót xa lòng. Chợt nhớ đến câu ca dao:
Mẹ già khó một thành hai
Bụi môn chắn lối, luống khoai cản đường
Cũng như bao người mẹ Việt Nam một thời, các mẹ, người thì gồng gánh đi khắp chợ quê, chợ tỉnh buôn bán mưu sinh, nuôi đàn con ăn học, kể chi đường trơn bấm đốt, gánh nặng hai vai, lời qua tiếng lại. Người thì ruộng dưới nương trên, mồ hôi trộn với hạt thóc ngày mùa, nắng thiêu cháy lưng, đèn khuya canh trường xay, giã, dần, sàng để bầy con có cái ăn cái mặc, sách bút đến trường.
Mẹ quê (Ảnh: Hương Thành)
Mỗi ngày mới bắt đầu bằng việc phân công các con, dặn dò tỉ mỉ việc nhà, rồi quày quả xốc gánh ra đi. Bước chân nhanh thoăn thoắt cho kịp buổi chợ, kịp buổi làm đồng trước khi nắng hè như đổ lửa vào buổi sang trưa. Rồi khi chiều xuống, các mẹ lại tất bật với củi lửa, con tôm, con tép, rau dưa, nồi cơm gạo mới… để cả nhà có một buổi tối sum vầy. Ngả lưng xuống giường là toan tính cho ngày mai cùng với tiếng ầu ơ ru con, câu chuyện cổ tích, lời răn dạy con. Trong nhận thức non nớt của mỗi đứa con, mẹ như là một “nữ tướng”. Vậy mà, giờ đây, đôi tay các mẹ run rẩy bưng bát cơm, lần từng bước đi, nói năng chuyện nọ xọ chuyện kia, ăn rồi nói chưa. Sau lần tai biến mạch máu não, mẹ chồng tôi nói không tròn vành rõ chữ, chỉ bập bẹ như trẻ lên ba.
Hồi bé, mỗi lần mẹ tôi quảy gánh đi là tôi lại chạy ra ngõ nhìn theo cái dáng người thấp đậm, búi tóc tròn sau gáy, bước chân nhanh nhẹn hòa nhịp kĩu kịt của đôi quang gánh. Nụ cười của mẹ tươi rói, môi thắm nước trầu. Mẹ khéo nói và nhẹ nhàng, thỉnh thoảng lại chêm thành ngữ, tục ngữ nên ai cũng thích mua hàng của mẹ. Lời lãi một ngày của mẹ được đổi bằng con cá, con tôm, manh áo tấm quần và sách bút cho chúng tôi.
Cuộc hành trình gian nan của cuộc đời mẹ (Ảnh: Internet)
Mẹ đã đi qua rất nhiều khu chợ, nhiều mùa mưa nắng. Mồ hôi mẹ đã thấm cả vào giấc ngủ. Cho đến khi gối mòn, chân mỏi. Bây giờ, mẹ là một cụ già tóc bạc phơ, đôi mắt thẫn thờ trông ra cửa, dáng vẻ cô đơn và chịu đựng. Điều tôi nhận ra là mẹ tôi có thể “ăn rồi nói chưa” nhưng tình thương yêu, lo lắng cho con thì vẫn còn nguyên vẹn. Mẹ chồng tôi cũng vậy. Mỗi lần thấy chồng tôi về, bà rối rít ra hiệu giục đứa em nấu cơm, ăn cơm, ngồi nhìn con ăn với ánh mắt mãn nguyện.
Bạn bè lứa tuổi chúng tôi, các ông bố, bà mẹ đều đã ở ngưỡng bát tuần, cửu tuần. Mỗi người một kiểu già yếu, bệnh tật và tính khí thất thường. Nhưng chung quy lại là lẩm cẩm, hay tủi thân, giận hờn con cháu, không thích ồn ào, náo động và hay nhắc chuyện ngày xưa. Niềm vui lớn nhất của các cụ là được vui vầy với con cháu, anh em, bạn bè, chòm xóm.
Khi đã sang bên kia dốc của cuộc đời, hạnh phúc của họ không phải là có nhiều tiền bạc mà được thấy con cháu ngoan ngoãn và trưởng thành, được quan tâm chăm sóc về sức khỏe và tinh thần. Sự suy sụp lớn nhất của người già là khi gia đình gặp những chuyện không vui.
Khác với con trẻ, người già vô cùng nhạy cảm về sự đổi thay và ứng xử của mọi người xung quanh. Chính vì vậy, mỗi gia đình cần có một “chuyên gia tâm lý” và “bác sĩ dinh dưỡng” để chăm sóc, kéo dài tuổi thọ cho ông bà, cha mẹ mình. Mỗi một người con, trong bao nhiêu gấp gáp bận rộn của công việc, hãy dành mỗi ngày ít phút nghĩ về mẹ cha, chắt chiu thời gian chăm sóc cho đấng sinh thành, trước lúc những người thân yêu nhất của chúng ta ra đi không ngày trở về…!