Ngày 31/10, ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, cho biết miền Trung sẽ bước vào đợt mưa lớn từ ngày 3/11 và kéo dài đến 10/11. Nguyên nhân là sự kết hợp phức tạp của nhiều yếu tố thời tiết bất lợi, bao gồm vùng xoáy thấp ở nam và giữa Biển Đông, không khí lạnh liên tục được tăng cường và đới gió đông hoạt động mạnh trên độ cao 1.500-5.000m.
"Đây là kiểu thời tiết điển hình gây mưa cực lớn ở miền Trung, lũ lớn trên báo động ba ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ, ngập úng diện rộng, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi", ông nói.
Ông Khiêm cũng dự báo vùng mưa lớn sắp tới không chỉ tập trung ở khu vực Hà Tĩnh - Đà Nẵng mà còn mở rộng ra phía nam các tỉnh Quảng Nam - Phú Yên. Sau ngày 10/11, miền Trung có thể xuất hiện thêm 2-3 đợt mưa lớn, trong đó nửa đầu tháng 11 tập trung ở các tỉnh Hà Tĩnh - Quảng Ngãi, nửa cuối tháng 11 và đầu tháng 12 ở các tỉnh Quảng Bình - Phú Yên.
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia nhận định mưa lớn vào cuối tháng 10 ở miền Trung khiến các hồ chứa đầy nước và đất đai bão hòa, có thể gây lũ lụt nghiêm trọng, nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất và ngập úng diện rộng.
Trước cảnh báo lũ lụt nghiêm trọng, tối 31/10, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đã yêu cầu các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai nhanh chóng triển khai biện pháp ứng phó; chủ động thu hoạch nông sản, thủy sản; sơ tán người dân ở vùng nguy hiểm; chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư ứng phó; kiểm tra, đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du.
Sau bão Trà Mi, miền Trung đã mưa lớn ở vùng Bạch Mã (Thừa Thiên Huế) 1.500 mm, hồ sông Thai (Quảng Bình) 1.250 mm, gây ngập diện rộng ở Quảng Bình. Tỉnh này đã ghi nhận 7 người chết do mưa lũ.