Mỗi người dân Hà Tĩnh là một chiến sỹ chống dịch Covid-19

(Baohatinh.vn) - Chống dịch từ ý thức của mỗi cá nhân, chống dịch từ trong nếp nghĩ của mỗi gia đình, những ngày này, mỗi người dân Hà Tĩnh là một chiến sỹ, mỗi gia đình là một “pháo đài” trên trận tuyến chống Covid-19.

Chuyển trạng thái sinh hoạt sang “thời chiến”

Người dân Hà Tĩnh đã và đang trải qua những ngày tháng đặc biệt. Chưa bao giờ cuộc sống của các gia đình lại bị đảo lộn nhiều đến thế kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện. Cùng với sự vào cuộc tổng lực của chính quyền, ngành chức năng, các hội đoàn thể, thì mỗi gia đình cũng góp phần vào công cuộc chống dịch từ những điều nhỏ nhất. Và việc đầu tiên phải làm là thay đổi thói quen sinh hoạt, rèn ý thức bảo vệ mình và cộng đồng cho các thành viên.

Mỗi người dân Hà Tĩnh là một chiến sỹ chống dịch Covid-19

Chị Huyền dành nhiều thời gian chơi với con, hạn chế đi ra đường.

Gần nửa tháng nay, mẹ con chị Hồ Thị Huyền (phường Thạch Quý - TP Hà Tĩnh) thay đổi hẳn lịch sinh hoạt thường ngày. Công tác tại một trường học trên địa bàn thành phố nên hè là dịp chị đưa con về nhà ông bà nội, ngoại chơi, thế nhưng, vì dịch bệnh nên chị đã hạn chế đi lại.

Những ngày TP Hà Tĩnh thiết lập vùng cách ly y tế, 2 mẹ con gần như không tiếp xúc với ai, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Để con gái không cảm thấy nhàm chán, chị Huyền dành nhiều thời gian chơi cùng con, đồng thời nói với con nhiều hơn về “con Covid”, về cách giữ gìn, chăm sóc sức khỏe.

Mỗi người dân Hà Tĩnh là một chiến sỹ chống dịch Covid-19

Mùa dịch, các thành viên trong gia đình ý thức hơn trong bảo vệ sức khỏe.

Chị Huyền chia sẻ: “Những ngày đầu chưa quen với nếp sinh hoạt mới, con cảm thầy gò bó nhưng giờ thì con đã dần thích nghi. Không những thế, con còn rất ý thức việc giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang...”.

Không chỉ gia đình chị Huyền mà các gia đình trong tổ dân phố cũng đều rất tuân thủ các quy định phòng dịch. Nếu như trước đây, mỗi buổi tối, các gia đình thường ngồi hóng mát, chuyện trò trước cửa nhà thì nay, thói quen đó đành tạm gác lại. Dường như ai cũng hiểu rằng, chưa gặp nhau lúc này rồi có thể gặp lúc khác, nhưng thời kỳ dịch bệnh bùng phát thì “5K” là điều bắt buộc.

Mỗi người dân Hà Tĩnh là một chiến sỹ chống dịch Covid-19

Chị em phụ nữ thị xã Hồng Lĩnh đi chợ giúp các gia đình.

Để hạn chế việc đi lại, chị em phụ nữ nhiều tổ liên gia đã lập nhóm chat trên mạng xã hội để phân công nhau đi chợ giúp các gia đình trong tổ dân phố. Thực phẩm sau khi mua về được treo trước cửa nhà, không tiếp xúc trực tiếp với nhau.

Đợt bùng phát dịch ở Hà Tĩnh đầu tháng 6/2021 đã làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người, nhưng cũng chính trong mùa dịch, khi lệnh giãn cách xã hội được áp dụng, bữa cơm gia đình có đầy đủ các thành viên hơn. Từ việc ý thức phòng dịch cho bản thân, gia đình, mọi người cũng dần nâng cao nhận thức phòng dịch cho cộng đồng.

Mỗi người dân Hà Tĩnh là một chiến sỹ chống dịch Covid-19

Bà Lý (bên phải) tích cực tham gia nấu ăn phục vụ cán bộ, chiến sỹ các điểm chốt.

“Chống dịch như chống giặc” - trong những ngày qua, tinh thần ấy càng được lan tỏa mạnh mẽ. Có những gia đình, nhiều thành viên cùng tích cực tham gia hoạt động chống dịch tại địa phương. Đã hơn 10 ngày nay, bà Nguyễn Thị Lý (tổ dân phố 6 - phường Nguyễn Du - TP Hà Tĩnh) tích cực cùng chị em hội viên phụ nữ nấu ăn, phục vụ hậu cần cho khu cách ly, chốt trực phong tỏa trên địa bàn tại chính sân nhà mình.

Tất bật chuẩn bị hàng trăm suất ăn mỗi ngày, bà Lý không còn nhiều thời gian để làm việc nhà. Chồng bà cũng tham gia trong đội dân quân của phường, làm nhiệm vụ trực tại điểm chốt cách ly trên địa bàn. Bà Lý chia sẻ: “Không có của thì mình góp công. Mong sao dịch bệnh sớm được đẩy lùi để gia đình, làng xóm trở về nhịp sống yên bình”.

Gia đình - nguồn động viên tinh thần lớn lao

Cuộc chiến chống dịch bước vào những thời điểm cam go, hàng nghìn người được điều động phục vụ ở tuyến đầu. Và rất nhiều trong số họ đã gần tháng nay chưa được về nhà, chưa được gặp người thân.

Mỗi người dân Hà Tĩnh là một chiến sỹ chống dịch Covid-19

Chị Khánh Chi “trực chiến” tại bệnh viện trong nhiều ngày nay.

Ngay trong ngày đầu tiên TP Hà Tĩnh phát hiện 2 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng (4/6), điều dưỡng Tô Phạm Khánh Chi (SN 1994 - công tác tại Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã được điều động để sẵn sàng cho việc chữa trị bệnh nhân Covid-19. Dù “trực chiến” ở vòng ngoài để có thể thay ca cho các đồng nghiệp ở vòng trong đang điều trị bệnh nhân Covid-19, nhưng từ đó đến nay, Khánh Chi chưa được về thăm con.

Chồng Khánh Chi là Thượng úy Nguyễn Tùng Long (SN 1990 - công tác tại Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động số 2 - Trung đoàn Cảnh sát cơ động Bắc Trung Bộ - Bộ Công an) cũng đã được điều động tăng cường cho công tác chống dịch tại tỉnh Bắc Giang gần 1 tháng nay. Con gái của vợ chồng anh chị mới 4 tuổi đành phải gửi về nhờ ông bà ngoại ở TP Vinh (Nghệ An) chăm sóc.

Mỗi người dân Hà Tĩnh là một chiến sỹ chống dịch Covid-19

Qua những cuộc điện thoại, các thành viên trong gia đình chị Khánh Chi động viên nhau cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

“Vợ chồng và con mỗi người ở một thành phố, cả tháng nay chỉ được gặp nhau qua điện thoại. Chúng tôi động viên nhau cố gắng hoàn thành nhiệm vụ, hết dịch sẽ về đón con để gia đình được đoàn tụ” - Khánh Chi chia sẻ nỗi niềm.

Cũng như điều dưỡng Khánh Chi, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn rất nhiều chị em cũng có chồng đang làm nhiệm vụ ở tuyến đầu chống dịch. Dù không được gặp nhau trong thời gian dài, nhưng gia đình vẫn luôn là chỗ dựa tinh thần, là nguồn động viên lớn để họ yên tâm chống dịch.

Với nhiều người đang điều trị Covid-19 hoặc cách ly y tế tại các điểm cách ly tập trung, ngoài nỗi lo về bệnh tật thì tâm lý buồn bã khi phải sống xa gia đình là điều khó tránh khỏi. Trong những thời điểm khó khăn đó, gia đình chính là điểm tựa để họ vượt qua bệnh tật, thực hiện nghiêm quy định cách ly để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch ra cộng đồng.

Mỗi người dân Hà Tĩnh là một chiến sỹ chống dịch Covid-19

Lá thư của em Trần Nhật Hà (phường Nguyễn Du - TP Hà Tĩnh) gửi bố đang làm nhiệm vụ tại điểm trực chốt.

Từ việc thay đổi thói quen sinh hoạt cho phù hợp với điều kiện dịch bệnh, nhắc nhở nhau ý thức phòng dịch cho đến những thông điệp yêu thương, những lời động viên gửi trao đến tuyến đầu..., phương châm “mỗi người dân là một chiến sỹ, mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch” đang được người dân Hà Tĩnh tích cực thực hiện.

Năm nay, nhiều gia đình ở Hà Tĩnh đón ngày lễ Gia đình Việt Nam (28/6) thiếu vắng những bữa tiệc, những cuộc đoàn viên, nhưng đó là điều cần thiết trong lúc này. Ý thức, tinh thần chống dịch từ trong mỗi gia đình sẽ góp phần quan trọng làm nên thắng lợi trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 của Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Hà Tĩnh đón gió mùa Đông Bắc

Hà Tĩnh đón gió mùa Đông Bắc

Do ảnh hưởng của bộ phận không khí lạnh, từ ngày mai (17/11), Hà Tĩnh khả năng có gió Đông Bắc mạnh cấp 3, cấp 4; nhiệt độ thấp nhất 20 độ C.
Áp thấp tan dần, bão USAGI có gió giật cấp 15

Áp thấp tan dần, bão USAGI có gió giật cấp 15

Theo Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, hồi 7 giờ sáng nay, vị trí tâm bão USAGI ở trên vùng biển phía Bắc đảo Lu Dông (Philippin); sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (117-133km/h), giật cấp 15
Bệnh tuyến giáp ở nam giới có nguy hiểm?

Bệnh tuyến giáp ở nam giới có nguy hiểm?

Thông thường các bệnh về tuyến giáp phổ biến hơn ở nữ giới. Nguyên nhân là do sự khác biệt về cấu tạo và chức năng sinh lý khiến tỷ lệ mắc bệnh tuyến giáp ở nữ cao hơn nam giới. Vậy, ở nam giới thường mắc các bệnh tuyến giáp như nào?
Tin nhanh diễn biến cơn bão số 8

Tin nhanh diễn biến cơn bão số 8

Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 2,0-4,0m.
Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?

Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?

Dị ứng thời tiết xuất hiện quanh năm, đặc biệt là thời điểm giao mùa gây cảm giác rất khó chịu cho người bệnh. Dị ứng thời tiết có nguy hiểm không?