Đói nghèo, thiếu kiến thức pháp lý đã khiến Trần Xuân Biên vướng vào vòng lao lý
Vụ án bắt đầu từ buổi chiều 22/2/2019, Trần Xuân Biên (SN 1983, trú tại xã Hương Điền, huyện Vũ Quang) đang chơi ở nhà bạn (xã Hương Điền) thì vợ gọi điện báo con bò – thứ tài sản duy nhất có giá trị của gia đình chưa về chuồng.
Mặc dù trời mưa và tối nhưng nghe tin, Biên tức tốc khoác áo mưa chạy xe máy về nhà.
Số phận run rủi, khi Biên đi đến khu vực cầu Ngàn Trươi, thuộc tổ dân phố 1, thị trấn Vũ Quang thì cũng là lúc ông Ngô Th. đi bộ cùng chiều giữa lòng đường.
Đêm tối, trời mưa, lại đang phân tâm nghĩ đến con bò chưa về chuồng, đến gần sát thì Biên mới nhận ta ông Th.
Hoảng hốt, Biên lách xe tránh. Thế nhưng, do khoảng cách quá gần, cú “bẻ lái” đột ngột vẫn không thể giúp Biên tránh.
Ông Th. bị xe máy của Biên đâm ngã xuống đường, tử vong sau đó.
Sau cú va chạm, xe máy mất lái, chính Biên cũng bị ngã xuống đường cách đó 10m. Gượng đau, Biên đi ngược lại phía ông Th. thì phát hiện ông đã bất tỉnh.
Nỗi sợ lấn át ý chí, Biên vội lên xe chạy về Trạm y tế xã Hương Điền để khâu và băng bó vết thương rồi về trang trại của 1 người cùng thôn để ngủ.
Sáng hôm sau, khi cơn bấn loạn đã qua, Biên đã đến Công an huyện Vũ Quang để đầu thú và khai báo hành vi phạm tội của mình.
Đến lúc này, bị cáo Biên mới thấu hiểu: "Cứu giúp người bị nạn" là nghĩa vụ đã được pháp luật quy định.
Nghe bản cáo trạng được vị đại diện Viện KSND huyện Vũ Quang công bố, có thực sự thấu hiểu hoàn cảnh và bản chất con người Biên mới thấy hết diễn biến tâm lý của bị cáo trong cái thời khắc gây ra vụ án oan uổng hôm đó.
Đêm tối, trời mưa và lỗi của ông Th. khi đi bộ giữa lòng đường đã khiến Biên gây ra tai nạn. Thế nhưng, hành vi không cứu giúp người bị nạn – tình tiết tăng nặng của vụ án lại xuất phát từ sợ hãi.
Lúc đó, Biên thực sự bấn loạn, sợ con bò thất lạc, sợ gây tai nạn lấy tiền đâu mà bồi thường khi gia đình thuộc diện hộ nghèo “thâm niên”, sợ phải chăm người bị nạn khi mà chính Biên đang là trụ cột trong cái gia đình có vợ là người khuyết tật cùng 3 đứa con nhỏ.
Tất cả nỗi sợ hãi đó xuất phát từ sự đói nghèo, thiếu kiến thức của người đàn ông miền sơn cước. Khi vụ việc xảy ra, với trình độ học vấn 6/12, quanh năm “chạy đói” cho cả gia đình, Biên có bao giờ được tiếp xúc với sách báo, với truyền thông để biết rằng, “cứu giúp người bị nạn” là nghĩa vụ đã được pháp luật quy định.
Làm sao Biên có thể biết, hành vi bỏ mặc nạn nhân là tình tiết tăng nặng để bây giờ đây, bị cáo phải đối mặt với án phạt tù.
Tại phiên tòa, khi HĐXX giải thích về nghĩa vụ “cứu giúp người bị nạn”, Biên thẫn thờ không hiểu. Biên biết đó là việc cần làm, là lương tri nhưng không biết đó là nghĩa vụ phải thực hiện theo luật định.
Có lẽ, cái tăm tối, thiếu hiểu biết này đã giải thích cho hành vi phạm tội của Biên và được những người tham gia phiên tòa đồng cảm.
Trước tòa, chính gia đình bị hại cũng đã xin giảm án cho bị cáo Biên.
Được tại ngoại chờ xét xử phúc thẩm, Biên tranh thủ đi làm nghề thợ sơn để mong "kiếm thêm ít đồng bỏ đó cho vợ con".
Tòa tuyên án, 18 tháng tù giam. Đôi mắt Biên thảng thốt nhìn về phía vợ - người đàn bà rúm ró, nhỏ bé ngồi dưới phòng xét xử.
Đói nghèo, ít học, thiếu hiểu biết pháp luật rồi vi phạm pháp luật. Và, đói nghèo lại càng nghèo đói hơn với gia đình Biên. Cái vòng quẩn quanh dễ hiểu. Vì dễ hiểu mà cảm thấy xót xa.
Biên đã làm đơn kháng án và TAND tỉnh sẽ đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Dẫu biết rằng, tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử công tâm, đúng luật nhưng vẫn mong một bản án nhân đạo hơn sẽ được tòa cấp tỉnh xem xét cho Biên. Đó cũng là tiền đề, là cơ hội cho Biên trụ vững trong cái gia đình luôn bị bao bọc bởi đói nghèo, để cho cái vòng luẩn quẩn của chính bị cáo được gỡ bỏ. |