Mùa hạ đã về...

(Baohatinh.vn) - Không phải ngày thật nắng. Không phải ngày thật nóng. Đó là ngày mà ta bất chợt nhận ra đồng lúa phía sau nhà đã lên màu vàng óng, những màu hoa học trò đã bắt đầu bung sắc. Và trong một ban trưa mơ màng, tiếng ve sầu bỗng nhiên xáo trộn mọi cảm xúc. Mùa hạ đã thực sự trở về nơi miền quê yêu dấu Hà Tĩnh…

Chớm hạ, màu hoa phượng đỏ rực trên phố như để kể với bao người những câu chuyện ký ức...

Tôi là người quê ra phố. Duyên số đẩy đưa, lại được an cư trong một “khu phố” rặt nông dân. Bởi thế, những dấu hiệu mùa màng thường trở về trong cảm nhận rất sớm và rất riêng. Tôi thường nhận ra mùa hạ đã trở về trong trò chơi của mấy đứa trẻ con cùng xóm. Cứ lúc nào chúng bày lỉnh kỉnh tre nứa, vải vóc dưới gốc cây ngô đồng bời bời lá rụng để làm diều là tôi biết, mùa hạ đã trở về.

Mấy đứa trẻ trong con ngõ tôi ở cũng thật lạ. Đồ chơi bán sẵn đầy phố lại chẳng bao giờ mua, thậm chí người ta cho chúng cũng chẳng đả động tới. Chúng thường tụm năm, tụm ba, hì hục làm cho bằng được một con diều sáo to thật to rồi mang ra cánh đồng sau làng chơi chung. Tôi thường “trà trộn” vào đám trẻ để ngắm nhìn những ánh mắt thích thú, hài lòng khi xong một công đoạn nào đó rồi để mặc cho tâm tư mình trôi vào miền ký ức tuổi thơ - Một ký ức đẹp đẽ và thơ mộng trên cánh đồng làng, bên chân đồi lộng gió mà thời nay không dễ gì có được…

Mùa hạ có lúc lại trở về trong tôi thật giản dị. Ấy là từ câu chuyện bâng quơ của những người đi ngang ngõ: “- Bác đi đâu về đấy? - Tôi đi xem lúa đã gặt được chưa!”. Câu chuyện của những người hàng xóm gợi nhắc về những mùa hạ vàng óng nơi làng quê cũ. Đó là những cánh đồng lúa chín vàng dập dờn trước ngõ. Đó là những gánh vàng trĩu nặng trên vai người nông dân mùa gặt hái. Là những sân phơi mây mẩy triệu triệu hạt lúa vàng. Là những chiều thấp thỏm đợi chờ mùi cơm mới bốc lên trong căn bếp nghèo. Là những đêm trăng thanh bình, chúng tôi chơi đùa lẫn vào trong rơm rạ để mùi thơm của lúa ướp cả tóc tai và hơi thở rồi lẫn vào trong những giấc mơ.

Mùa hạ có khi trở về thật giản dị trong sắc vàng của những bông lúa chín...

Bây giờ, mỗi mùa hạ trở về, tôi vẫn được chứng kiến những hình ảnh ấy. Chỉ có điều, tôi không còn được nhìn thấy bóng dáng cong cong đội chiếc nón lá của bà tôi khi người trở lúa trên sân nữa. Không còn được cùng bà ngồi bên chiếc mươn tre mà hít hà mùi thơm cơm mới rồi xắm nắm soạn lúa ra xay để bà gửi cho cô, cho chú…

Mùa hạ có đôi lúc trở về thật khẽ khàng, thật dịu dàng. Ấy là lúc bất chợt giữa phố phường, người ta bỗng nhận ra mùi hương mới, màu sắc mới trên những hàng cây. Có thể đó là mùi hương bồ kết tây nhè nhẹ riêng buông trên phố Nguyễn Chí Thanh. Mùi ngọc lan dịu ngọt ở nhiều con phố mới, mùi sử quân tử nồng nàn trên mái vòm cổng nhà ai… Những mùi hương ấy đều như muốn giấu nhẹm cái oi bức của ngày hè mà trả cho con người những khắc giờ thư thái.

Cái oi nồng của mùa hạ như được giấu nhẹm trong hương thơm dịu ngọt của hoa bồ kết tây

Và nữa, trong một ban mai nào đó, người đi đường bỗng ồ lên thích thú khi trên những tàng cây đã điểm tô màu vàng của điệp, màu tím dịu của bằng lăng và rực đỏ hoa phượng. Sắc hoa ấy khiến tôi nhớ đến những sườn đồi tím hồng sim mua. Nhớ những mùa hè bỏng rát nhưng phóng khoáng của thời thơ ấu nơi quê nhà. Những màu hoa, những loài hoa đã bung tỏa theo cách riêng của nó nhưng tất cả đã đưa đất trời, đưa lòng người bước vào mùa hạ với tâm thế tươi mát, an lành. Và chúng cũng đã đưa lòng người trở về với những mùa hạ đầu tiên, những mùa hạ đáng nhớ trong cuộc đời…

Tôi tin rằng, những hương, những sắc ấy đã đến cùng mùa hạ để kể với nhân gian nhiều câu chuyện riêng tư. Những câu chuyện ấy, giữa phiêu bạt cuộc đời, đã nằm lại đâu đó trong những vùng quên nhớ, trong những miền ký ức tỉnh thức của đời người… Những gợi nhắc ấy sẽ cho con người ta những xúc cảm mới, những thấu nhận mới để biết trân trọng, biết nâng niu, biết tin tưởng và biết giữ gìn… Như trong câu chuyện mà thi sỹ Thanh Tùng từng viết: “Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ/ Không cho ai có thể lạnh tanh/ Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ/ Như vết xước của trái tim…”.

Khi trên phố, bằng lăng đã bắt đầu bung sắc tím, ấy là khi mùa hạ đã thật sự trở về

Có lẽ không có âm thanh nào đưa mùa hạ trở về trong tâm tư rõ rệt bằng tiếng ve sầu giữa ban trưa tràn nắng. Đó là một ban trưa trên quê hương, khi tôi đang nằm vọng những kỷ niệm ấu thơ trong miên man khúc hát “Trưa nay qua đường phố quen/ Gặp những tiếng ve đầu tiên/ Chợt nghe tâm hồn xao xuyến/ Điệp khúc tiếng ve triền miên”. Thì ra không phải là sự thức dậy của tiềm thức mà đó là hiệu ứng đặc biệt khi tâm tư tiếp nhận âm thanh đặc trưng của mùa hạ.

Nhà tôi ở chân núi. Chung quanh làng là những dãy xà cừ rợp bóng. Mùa hạ, ve sầu ẩn nấp trong những tán cây đó mà lên giọng hòa tấu bản nhạc mùa hè. Tôi đã đi nhiều nơi nhưng chưa thấy ở đâu ve sầu nhiều như ở quê tôi. Ve có khi không râm ran mà trở nên inh ỏi cả trưa hè nắng nực. Ban trưa, khi ve kêu ồn ã nhất, chúng tôi thường lần theo tiếng ve để bắt chúng rồi ngắt cánh đem về nuôi. Nhưng những chú ve bị bắt ấy chẳng bao giờ kêu râm ran như khi chúng ở trong vòm lá mà chỉ kêu lên mấy tiếng ộ ộ khi chúng tôi cọ vào bụng. Đó cũng là lúc chúng tôi nhận thấy tiếng ve mới thật là sầu. Sau này, khi nhìn lại việc đó theo hệ quy chiếu của người trưởng thành, tôi mới nhận ra một chân lý, bất kỳ điều gì, nếu ép buộc cũng chỉ khiến người ta nhận về điều không mong muốn…

Những mùa hạ trong ký ức, những mùa hạ mới về cứ gối chồng lên nhau, cuốn đi và mang đến thật nhiều xúc cảm. Đất trời vào hạ cũng là lúc con người vào mùa gặt hái, người nông dân gặt mùa màng, sỹ tử gặt mùa thi, trẻ con gặt mùa vui và những người trưởng thành thì gặt kỷ niệm… Có thể sẽ được, sẽ mất, sẽ vui, sẽ buồn nhưng mùa hạ sẽ trở thành những dấu mốc không thể nào quên trong cuộc đời…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói