Rực rỡ những mùa hoa chạc quạch xứ núi Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Chạc quạch – cái từ nghe ra chẳng chút mĩ miều lại cứ như dằn dỗi một điều gì. Ấy thế mà lại là tên của một loài hoa của miền núi rừng Hà Tĩnh. Có lẽ sắc đỏ rực rỡ của hoa cùng cái tên đặc biệt ấy đã khiến tôi, dù có phiêu dạt phương nào cũng không bao giờ lãng quên...

Rực rỡ những mùa hoa chạc quạch xứ núi Hà Tĩnh

Hoa chạc quạch thường nở rộ vào tháng 2, tháng 3 và được người miền núi coi như sự khởi đầu tốt đẹp trong năm (Ảnh: Khánh Thành)

Cuối tháng 1, khi mưa xuân rây rây, những dây chạc quạch khô queo bắt đầu sinh chuyển, ươm nụ. Và tháng 2, tháng 3, khi trời đầy nắng, hoa chạc quạch cũng bắt đầu nở rộ tạo nên những mảng màu rực rỡ, sinh động trên những sườn núi miên man xanh. Màu đỏ ấy là lửa cháy trong tâm tư những người con xứ núi. Để dẫu có đi đâu về đâu, hình ảnh hoa chạc quạch luôn là hòn than hồng nồng đượm, ủ giữ những ký ức quê nhà.

Rực rỡ những mùa hoa chạc quạch xứ núi Hà Tĩnh

Hoa chạc quạch có hình hài rất giống hoa phượng nên còn được gọi là phượng núi (Ảnh: Khánh Thành)

Hoa chạc quạch cũng như cây, như suối… có mặt trong đời sống của người miền núi một cách rất tự nhiên. Khi chúng tôi lớn lên đã thấy chạc quạch ở đó, trên những sườn núi, trong những rặng cây đường. Hoa lẫn vào người và người lẫn vào hoa. Bởi vậy, hoa có mặt trong rất nhiều ước lượng đời sống. Nhớ những đứa con ly hương, mẹ hiền đưa tay nhẩm đếm con đi xa đã bấy nhiêu mùa chạc quạch. Hàng cau trước ngõ cũng được cha được tính tuổi bằng những mùa hoa rực lửa. Bạn bè xa nhau lâu ngày gặp lại ngồi nhắc nhớ kỷ niệm rồi à ồ “đã mấy mùa hoa”… Tôi cũng thế, cũng luôn dành cho chạc quạch một “sổ đỏ” trong tâm tư mà không loài hoa nào có thể thay thế được…

Rực rỡ những mùa hoa chạc quạch xứ núi Hà Tĩnh

Những rặng hoa chạc quạch đỏ rực ven đường luôn gợi về những ký ức tuổi thơ (Ảnh: Khánh Thành)

Bây giờ, mỗi lần về ngang qua dãy núi Mồng Gà, nơi có một rặng hoa chạc quạch đỏ rực bên sườn đông mái núi, tôi vẫn chưa thôi tự hỏi mình về tên gọi của hoa. Tôi nhớ, bạn bè tôi hồi ấy còn gọi chạc quạch là hoa phượng núi bởi ngoài thân và lá không giống cây phượng, còn lại cánh hoa và nhị hoa đều mang hình hài của hoa phượng. Thuở xưa, mỗi mùa hoa nở, lũ học trò chúng tôi lại cùng nhau lên núi hái hoa mang về ép trong vở và bắt đầu đợi mong kỳ nghỉ hè thơ ấu. Với chúng tôi, đó cũng là loài hoa học trò đặc biệt riêng có.

Rực rỡ những mùa hoa chạc quạch xứ núi Hà Tĩnh

Hoa chạc quạch khi rụng xuống vương trên rặng cây tựa như những cánh bướm mùa xuân dập dờn (Ảnh: Khánh Thành)

Chạc quạch là loài thân dây, sống bán tầm gửi trên những rặng cây cổ thụ hoặc chen lẫn trong bụi dẻ, chạc chìu, cánh bướm… Không e ấp giấu mình vào thân lá như hoa dẻ, không tinh khôi, dịu dàng như chạc chìu, hoa chạc quạch là hình ảnh của một sơn nữ bạo liệt. Màu đỏ rực như lửa của hoa luôn gợi lên cho người ra nghĩ tới một sơn nữ dám nghĩ, dám tỏ bày và dám cháy cho điều mình theo đuổi.

Rực rỡ những mùa hoa chạc quạch xứ núi Hà Tĩnh

Những rặng hoa chạc quạch đỏ rực tựa như những chấm đỏ định vị dẫn lối quay về (Ảnh: Khánh Thành)

Hoa chạc quạch có một sự gắn bó đặc biệt đối với những người được sinh ra ở núi, lớn lên ở núi, sống bằng những công việc gắn liền với núi. Những bông hoa đỏ rực như lửa ấy, trong quan niệm của người dân quê tôi là sự khởi đầu tốt đẹp nhất cho năm mới. Bởi thế, nếu trong nương rẫy, trong vườn của gia đình, có một rặng chạc quạch là điều may mắn. Người dân dẫu có lấy thân cây chạc quạch làm nông cụ cũng chỉ chọn những thân xấu nhất chứ không bao giờ phá bỏ rặng cây. Chính vì vậy, những rặng hoa chạc quạch hầu như chưa bao giờ thay đổi vị trí.

Và, mỗi mùa xuân đến, hoa lại cùng nhau thắp lửa. Với những đứa con xa quê, những đám hoa đỏ rực ấy chính là chấm đỏ định vị dẫn lối trở về…

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Phố trong làng Thành Phú

Phố trong làng Thành Phú

Hành trình gần 10 năm xây dựng nông thôn mới đã đưa thôn Thành Phú (xã Xuân Thành, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) “thay da, đổi thịt”, vươn mình trở thành miền quê đáng sống.
"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

"Tỏa sáng nghị lực Việt" của một bí thư chi đoàn

Bị teo tứ chi, nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, anh Lê Xuân Thắng (xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh) đã vượt lên số phận nghiệt ngã, lan tỏa năng lượng sống tích cực trong cộng đồng, nhất là với các đoàn viên thanh niên.
Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Ấn tượng qua các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh

Các kỳ Liên hoan Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được các tỉnh tổ chức đã góp phần lan tỏa các giá trị văn hóa của hình thức diễn xướng dân gian này. Và các nghệ nhân, nghệ sỹ cũng học hỏi được rất nhiều từ những lần hội ngộ đó.
Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống