Mùa xuân trong thơ Bác Hồ

Một năm có bốn mùa nối tiếp nhau, mùa nào cũng tươi đẹp và quyến rũ nhưng mùa xuân là tuyệt vời nhất... Đây là mùa của các lễ hội văn hóa và tâm linh… Đặc biệt, vào đầu xuân, chúng ta được đón chào năm mới và tết cổ truyền của dân tộc.

Ảnh minh họa: Internet

Chính vì thế, mùa xuân trở thành thời khắc giao hòa tinh tế của trời đất và lòng người... Cứ mỗi độ xuân về, lòng người lại xao xuyến rung động, cảm xúc này càng mãnh liệt hơn trong tâm hồn nhạy cảm của các nghệ sĩ, đặc biệt là các thi nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng vậy, mặc dù chưa bao giờ tự nhận mình là nhà thơ, Bác chỉ xem thơ là vũ khí chiến đấu, làm thơ để bày tỏ nỗi lòng, tâm sự của mình nhưng cảm xúc về mùa xuân luôn ùa về chan chứa và sống động trong thơ Bác.

NGUYÊN TIÊU

Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.

RẰM THÁNG GIÊNG

Rằm xuân lồng lộng trăng soi,
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân.
Giữa dòng bàn bạc việc quân,
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền
”.

(Bản dịch của Xuân Thủy)

Đây là một kiệt tác về mùa xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng và của nền thơ ca Việt Nam nói chung. Bằng thủ pháp chấm phá theo kiểu “vẽ mây nảy trăng, vẽ rồng điểm mắt”, Bác đã tạo ra trước mắt người đọc một bức tranh thủy mặc đẹp đến nao lòng. Bài thơ vừa rất thân quen vừa rất mới lạ. Vẫn dòng sông, đôi bờ và ánh trăng ấy nhưng khi mùa xuân tới, nó trở nên sống động, thanh khiết và tươi mới lạ thường! Mùa xuân thật diệu kỳ, có khả năng làm hồi sinh và truyền thêm sức sống cho muôn vật... Dưới ánh trăng huyền ảo, dòng sông, đôi bờ đẫm sương khuya, mây trời, con thuyền… như hòa quyện vào nhau, điểm tô cho nhau không ngừng lung linh huyền nhiệm. Giữa không gian xuân mênh mông vô tận, từ “rằm xuân”, qua “sông xuân” đến “trời xuân” vằng vặc dưới trăng nhắc cho thi nhân nhớ đến lời hẹn “Trăng vào cửa sổ đòi thơ/ Việc quân đang bận xin chờ hôm sau”. Và đây là cơ hội tốt nhất, thuận tiện nhất để thực hiện lời hẹn ước của mình giữa mênh mông xuân mới. “Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”(Tin thắng trận).

Đây là buổi đoàn viên tuyệt diệu giữa xuân, trăng và thi nhân. Việc quân đã xong, tất cả đã lặng vào giấc ngủ chỉ còn lại trăng - xuân - thi nhân. Trăng và người như hòa vào với nhau trên con thuyền bồng bềnh giữa dòng sông huyền ảo khói sóng... Đây là buổi tao ngộ viên mãn nhất. Một hình ảnh thơ vô cùng độc đáo trong bức tranh xuân quyến rũ này.

MẬU THÂN XUÂN TIẾT

Tứ nguyệt bách hoa khai mãn viên
Hồng hồng tử tử hỗ tranh nghiên.
Bạch điểu tróc ngư hồ lý khứ,
Hoàng oanh phi thượng thiên.
Thiên thượng nhàn vân lai hựu khứ,
Mang bả Nam phương tiệp báo truyền.

TIẾT XUÂN MẬU THÂN

Tháng tư hoa nở một vườn đầy,
Tía tía hồng hồng đua sắc tươi.
Chim trắng xuống hồ tìm bắt cá,
Hoàng oanh vút tận trời.
Trên trời mây đến rồi đi,
Miền Nam thắng trận báo về tin vui
”.

(Bản dịch của Phan Văn Các)

Lúc này đã sang tháng tư, mùa xuân và vạn vật đang ở độ viên mãn nhất. Mặc dù luôn bận rộn với biết bao công việc khẩn cấp của một vị lãnh tụ trong khi đất nước đang có chiến tranh ác liệt, Bác vẫn cảm nhận một mùa xuân trọn vẹn. Điều này chứng minh được hai vấn đề. Thứ nhất, mùa xuân của đất nước vô cùng tươi đẹp và hấp dẫn. Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là một chiến sĩ cách mạng có tinh thần ung dung tự tại, ý chí và nghị lực phi thường như sắt thép mà còn là người có tâm hồn thi nhân vô cùng nhạy cảm, lãng mạn, lạc quan và tràn ngập niềm tin yêu… Đất trời đầy hoa nở với muôn vàn hương sắc và thanh âm… Tác giả cảm nhận mùa xuân bằng sự tổng hòa mọi giác quan. Thị giác cảm nhận được màu sắc tươi đẹp “Tía tía hồng hồng đua sắc tươi”, khứu giác tiếp nhận được mùi hương quyến rũ, thính giác mở ra để cảm nhận mọi âm thanh sống động “Hoàng oanh vút tận trời”… Đặc biệt nhất là xúc cảm tuyệt vời khi “Miền Nam thắng trận báo về tin vui”. Có tin vui, làm cho mùa xuân trở nên hoàn hảo hơn bao giờ hết! Điều này khiến cho biên độ của mùa xuân trong thơ Bác được mở rộng về phía lịch sử và truyền thống văn hóa dân tộc.

TỰ MIỄN

Một hữu đông hàn tiều tụy cảnh

Tương vô xuân noãn đích huy hoàng

Tai ương bả ngã lai đoàn luyện

Sử ngã tinh thần cách kiện cường.

TỰ KHUYÊN MÌNH

Ví không có cảnh đông tàn,

Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân;

Nghĩ mình trong bước gian truân,

Tai ương rèn luyện tinh thần thêm hăng”.

(Bản dịch của Nam Trân)

Không miêu tả mùa xuân nhưng bài thơ lại có giá trị rất lớn trong quá trình đánh giá, nhìn nhận về mùa xuân mà nói rộng ra là tuổi xuân và sự thành công... Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo dùng thủ pháp so sánh nghệ thuật làm rõ sự đối lập giữa mùa xuân và mùa đông. Nếu không mạnh mẽ vượt qua mùa đông dài lạnh giá và tàn lụi thì không bao giờ được hưởng mùa xuân ấm áp, tràn đầy sức sống. “Nghĩ mình trong bước gian truân” nếu không quyết tâm, anh dũng, kiên cường vượt qua mọi gian nan, thử thách thì làm sao“rèn luyện” để “tinh thần thêm hăng” và đi tới thành công. Bằng bài thơ này, Bác đã đẩy tư duy của người đọc trượt xa về hai cực đối lập: xuân >< đông. Xuân là phía ấm áp, luôn hồi sinh và sinh sôi với sức sống mạnh mẽ và tinh thần phấn chấn. Đông là phía lạnh giá, hủy diệt. Đi về phía xuân thì hồi sinh mạnh mẽ... Đi xa về phía đông là đồng nghĩa với việc tìm đến cái chết.

Qua đây, ta thấy được giá trị vĩnh hằng của mùa xuân. Giá trị của nghị lực, lòng trung dũng, kiên cường trong cuộc sống. Nếu ta đánh mất mùa xuân, đánh mất tuổi xuân, bỏ phí sức xuân, nghị lực, niềm tin thì ta sẽ mất tất cả và cuối cùng là chìm trong mùa đông lạnh giá với cái chết đang chờ sẵn. Bài thơ vừa thể hiện được quan niệm về thời gian, vừa thể hiện một cách nhìn nhận đầy tin tưởng, lạc quan về quy luật lịch sử, xã hội, đời sống và số phận con người. Thời gian thì luôn tuần hoàn với bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, mùa này qua đi mùa khác sẽ tới. Đây là quan niệm về thời gian luân hồi vốn đã có nguồn gốc từ văn hóa phật giáo. Lịch sử, xã hội và vận mệnh con người cũng vậy “qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”. Để có được thành công, có được những gì mình mong muốn thì phải lao mình vào gian truân, vất vả... Để đón ánh sáng phải băng mình qua đêm tối… Bài thơ hết sức ngắn gọn và tương đối giản dị, gần gũi nhưng lại thể hiện được một cách sâu sắc và sống động quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thế giới quan, nhân sinh quan… Đặc biệt nhất là quan niệm về mùa xuân, tuổi xuân và sức xuân…

Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay

Vượn hót chim kêu suốt cả ngày

Khách đến thì mời ngô nếp nướng

Săn về thường chén thịt rừng quay

Non xanh nước biếc tha hồ dạo

Rượu ngọt, chè tươi mặc sức say

Kháng chiến thành công ta trở lại

Trăng xưa, hạc cũ với xuân này”.

(Cảnh rừng Việt Bắc)

Dưới con mắt và tâm hồn lạc quan của mình, Tây Bắc không còn là một nơi rừng sâu heo hút và thiếu thốn... Nó hiện lên đầy thi vị với “Vượn hót chim kêu suốt cả ngày” và “Non xanh nước biếc tha hồ”... Việt Bắc trở thành nơi trù phú, mang đến cho con người một cuộc sống phong lưu, vui vẻ, thảnh thơi “Khách đến thì mời ngô nếp nướng/ Săn về thường chén thịt rừng quay”. Xuân Việt Bắc là mùa xuân vô tận… Nó kéo dài từ những ngày kháng chiến ác liệt và khó khăn nhất cho đến tận “Kháng chiến thành công ta trở lại” thì vẫn còn nguyên “Trăng xưa, hạc cũ với xuân này”.

Càng về sau, cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc càng ác liệt, công việc của Bác càng nhiều và cấp bách hơn. Xuân trong thơ Bác luôn gắn liền với nhiệm vụ chiến đấu, bảo vệ tổ quốc. Đối với Bác, không có gì cần thiết, quan trọng và quý giá hơn sự thành công của sự nghiệp cách mạng. Chỉ khi nào đất nước được độc lập, nhân dân được sống tự do, ấm no hạnh phúc thì đó mới chính là mùa xuân đích thực, mùa xuân vĩnh hằng. Cứ mỗi độ xuân về tết đến, Bác lại tranh thủ dành cho xuân và cho toàn thể đồng chí, đồng bào những bài thơ xuân (Thơ chúc tết) ấm áp tình cảm, chan chứa niềm tin!

Xuân này kháng chiến đã năm xuân,

Nhiều xuân kháng chiến càng gần thành công.

Toàn dân ta quyết một lòng,

Thi đua chuẩn bị tổng phản công kịp thời”.

(Thơ chúc tết 1951)

Mùa xuân và những lời động viên của Bác luôn lay động lòng người sâu sắc. Xuân trong thơ có sức mạnh và khả năng kỳ diệu, kéo chiến thắng về gần hơn với toàn dân tộc. Mùa xuân và chiến thắng tỉ lệ thuận với nhau “Nhiều xuân kháng chiến càng gần thành công”. Với sức mạnh và sự diệu kỳ của mùa xuân, “Toàn dân ta quyết một lòng/ Thi đua chuẩn bị tổng phản công kịp thời”.

Xuân về xin có một bài ca,

Gửi chúc đồng bào cả nước ta:

Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi,

Tin mừng thắng trận nở như hoa”!

(Thơ chúc tết 1967)

Từ mùa xuân năm 1951 đến nay (1967), đất nước ta đã có thêm được 16 xuân. Thế là “Xuân này kháng chiến đã” hai mươi hai “xuân”. Hai mươi hai mùa xuân ấy truyền thêm sức mạnh để “Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi” làm cho Bác và cả dân tộc ta vô cùng vui mừng trước “Tin mừng thắng trận nở như hoa”. Thành tích ấy thật xứng đáng được nhận món quà của Bác “Xuân về xin có một bài ca/ Gửi chúc đồng bào cả nước ta”. Đó là nguồn cổ vũ, động viên vô cùng lớn để quân và dân ta có thêm sức mạnh, vượt qua tất cả và làm nên nhiều thành tích ở các mùa xuân sau... Quả đúng như vậy:

Năm qua thắng lợi vẻ vang,

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to.

Vì độc lập, vì tự do,

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào.

Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào,

Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn”!

(Thơ chúc tết 1969)

Ngay từ câu mở đầu, Bác đã hân hoan khẳng định và biểu dương thành tích đánh giặc “Năm qua thắng lợi vẻ vang” và đưa ra nhận định chắc chắn “Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to”. Chúng ta có ngờ đâu, đây lại là bài thơ chúc tết cuối cùng Bác dành cho dân tộc. Lời thơ hào hùng, hơi thơ đầy lạc quan, tin tưởng vào chiến thắng không còn xa... Ngày mùng 3 tháng 9 năm 1969 (Thực tế thì Bác mất ngày 2 tháng 9), cả nước quặn lòng, đứt từng khúc ruột khi nghe Đài tiếng nói Việt Nam thông báo rằng: Bác Hồ kính yêu đã vĩnh viễn ra đi. Đất trời và con người đau đớn khóc thương... Nhưng ngay sau đó, để biến đau thương thành lòng quyết tâm nhân dân ta nhất định phải “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” theo lời kêu gọi của Bác “Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào” để giành lấy mùa xuân đất nước “Bắc Nam sum họp, xuân nào vui hơn”.

Thơ xuân của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là những bản hùng ca chiến đấu, vừa là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ, vừa là vũ khí trong công cuộc chống kẻ thù xâm lược, là biểu hiện của một tâm hồn đầy nhân văn và lãng mạn... Thơ xuân của Bác thường gần gũi, thân thương nhưng cũng vô cùng tinh tế, sâu sắc và hàm chứa nhiều triết lý... Với những giá trị đó, thơ xuân của Bác Hồ đã, đang và sẽ mãi mãi có giá trị đặc biệt trong lòng người Việt, trong nền văn học Việt Nam như giá trị của mùa xuân đất nước.

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói