Chiều 26/12, Sở KH&CN tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động KH&CN năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.
Năm 2024, hoạt động nghiên cứu ứng dụng được nâng cao chất lượng từ tất cả các khâu: tuyển chọn, thẩm định kinh phí, quản lý chặt chẽ quá trình triển khai thực hiện theo đúng quy định. Ngành KH&CN Hà Tĩnh tiếp tục quản lý 2 nhiệm vụ thuộc Chương trình Quỹ gen quốc gia; 3 dự án thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số; 1 dự án cấp Bộ phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm nhung hươu Hương Sơn; 1 dự án hợp tác quốc tế với nước bạn Lào; 38 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh chuyển tiếp và triển khai mới; nhiều quy trình, công nghệ mới, tiên tiến được nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị đạt 23,63%, vượt 3% kế hoạch.
Cùng đó, nhiều mô hình ứng dụng thành công các tiến bộ KH&CN, nâng cao hiệu quả sản xuất như: Ứng dụng KH&CN xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây sâm bố chính; mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN sản xuất hoa lan hồ điệp; ứng dụng khoa học kỹ thuật phát triển vùng nuôi rươi kết hợp trồng lúa hữu cơ tăng hiệu quả kinh tế lên 158%; phát triển cây mai vàng tại thị xã Kỳ Anh theo hướng sản xuất hàng hóa,...
Về công tác sở hữu trí tuệ, đã và đang hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ cho 8 sản phẩm địa phương thông qua các dự án; hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh phê duyệt 2 nhiệm vụ tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận. Qua phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản địa phương cho thấy giá trị sản phẩm được nâng lên, thị trường tiêu thụ được mở rộng, danh tiếng và uy tín sản phẩm từng bước được khẳng định, qua đó xây dựng được ý thức xây dựng và phát triển sản phẩm dựa trên công cụ sở hữu trí tuệ trong cộng đồng.
Ngành KH&CN cũng hướng dẫn 206 tổ chức, cá nhân về trình tự, thủ tục xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp; thực hiện quy trình hỗ trợ thiết kế và xác lập quyền sở hữu trí tuệ trong nước cho 57 nhãn hiệu và 1 kiểu dáng công nghiệp của các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Công tác quản lý nhà nước về an toàn và kiểm soát bức xạ, hạt nhân từng bước được chuẩn hóa, chuyên nghiệp, quản lý chặt chẽ việc cấp giấp phép và hoạt động các cơ sở y tế có sử dụng thiết bị X-quang.
Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sáng kiến được quan tâm, tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và tạo sự lan tỏa đến đông đảo người dân, doanh nghiệp.
Chủ trì, phối hợp triển khai 16 cuộc thanh tra, kiểm tra và tổ chức 1 cuộc khảo sát tại 200 tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh. Qua thanh tra, kiểm tra đã phát hiện 38 tổ chức, cá nhân vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính và thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền hơn 270 triệu đồng.
Sở KH&CN cũng đã hoàn thành dự án hợp tác quốc tế theo Nghị định thư "Hợp tác nghiên cứu ứng dụng KH&CN sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu và nuôi hươu tại tỉnh Bolikhămxay, nước CHDCND Lào.
Ngoài ra, 3 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự trang trải 100% kinh phí chi thường xuyên. Thông qua quá trình tự chủ đã tạo bước chuyển biến mạnh mẽ trong công tác tổ chức, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập, tạo động lực phát huy tính năng động sáng tạo của cán bộ và người lao động, gắn quyền lợi với trách nhiệm, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động cung cấp dịch vụ KH&CN phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.
Năm 2025, ngành KH&CN xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo; tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng, phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; thúc đẩy chuyển đổi số, bảo vệ môi trường sinh thái, thích nghi và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển bền vững. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực KH&CN đủ khả năng tiếp thu, ứng dụng, làm chủ và phát triển công nghệ hiện đại.
Cụ thể, phấn đấu nâng cao đóng góp của KH&CN và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng kinh tế (đạt 40%), năng lực cạnh tranh thông qua các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Có 3 tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN được cấp giấy chứng nhận hoạt động; 55 cơ sở sản xuất, kinh doanh được hỗ trợ giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm;
Cải thiện chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) tỉnh Hà Tĩnh; chỉ số thành phần và cải thiện thuộc các trụ cột, phấn đấu năm 2025 các chỉ số thành phần còn thấp (ngoài tốp 30 các tỉnh/thành phố) tăng tối thiểu 3-4 bậc so với năm 2024; 100% cơ quan hành chính áp dụng, duy trì hệ thống quản lý chất lượng đáp ứng theo yêu cầu TCVN ISO 9001:2015; phấn đấu 100% doanh nghiệp có nhu cầu được tiếp cận chính sách KH&CN.
Hoàn thành 100% nhiệm vụ theo chương trình khung của UBND tỉnh và của Sở; 100% hồ sơ tiếp nhận, giải quyết đúng hạn.
Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở KH&CN Bùi Quang Hoàn đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đã được xây dựng và các ý kiến tham luận, thảo luận tại hội nghị.
Đặc biệt, cần tập trung vào các nhiệm vụ nâng cao tốc độ đổi mới công nghệ; nâng cao năng suất nhân tố tổng hợp (TFP). Tiếp tục tập trung thực hiện công tác sở hữu trí tuệ, bảo hộ sản phẩm địa phương cả trong nước và nước ngoài.
Cùng đó, nghiên cứu, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.