Manh nha những mô hình…
Chiều muộn nhưng khoảng đất khu vực thôn Thúy Hội (Thạch Hưng) vẫn rộn ràng nhịp điệu sản xuất. Người làm đất, tưới nước; người căng bạt che những mầm rau mới nhú; người thu hoạch những luống rau mầm tươi xanh để kịp giao hàng… Bức tranh sản xuất khá chuyên nghiệp này được hình thành cách đây không lâu khi địa phương quy hoạch 5ha cho vùng chuyên canh rau sạch.
Vùng rau chuyên canh thôn Thúy Hội, xã Thạch Hưng
Chị Nguyễn Thị Hồng (thôn Thúy Hội – Thạch Hưng) cho biết: “Mùa này chủ yếu bà con trồng rau cải mầm, còn để đa dạng, chính vụ nhất là về mùa mưa. Phụ nữ ở đây chủ yếu làm nông nghiệp, quen với ruộng vườn nên việc phát triển kinh tế từ nông nghiệp cũng không quá khó khăn.
Chị làm 3 sào rau mầm, mỗi ngày thu hoạch 10 - 15kg rau cũng được gần 200 nghìn đồng. Dù thu nhập không lớn nhưng tận dụng đất đai, tranh thủ được thời gian nên chị vẫn gắn bó với mảnh ruộng này từ mấy năm nay”.
Rau mầm là loại rau đặc trưng, được trồng thường xuyên tại vùng rau chuyên canh Thúy Hội.
Đưa công nghệ, khoa học kỹ thuật vào trồng trọt đang được nông dân TP Hà Tĩnh quan tâm và triển khai áp dụng vào thực tiễn. Các mô hình trồng rau quả trong nhà kính, sử dụng chế phẩm sinh học an toàn, bao trái cho cây ăn quả, dùng chất dẫn dụ để bẫy côn trùng… đang xuất hiện ngày càng nhiều trên những cánh đồng, vườn hộ trên địa bàn thành phố.
Anh Dương Đình Anh (phường Hà Huy Tập) là kỹ sư nông nghiệp hiện đang triển khai thành công hai mô hình nhà kính trồng dưa lưới, rau các loại.
Anh cho hay: “Hiện tôi đang triển khai 2 nhà kính với tổng diện tích hơn 350 m2. Trung bình hơn 2 tháng cho một lứa thu hoạch dưa lưới với thu nhập từ 18 - 20 triệu/vụ. Đặc biệt, việc trồng trong nhà kính hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm đầu ra đảm bảo an toàn”.
Mô hình dưa lưới của anh Dương Đình Anh (phường Hà Huy Tập) hiện cho thu hoạch 2 vụ/năm.
Tuy quy mô chăn nuôi của thành phố nhỏ, số trang trại, gia trại ít nhưng địa phương đặc biệt quan tâm đến việc liên kết chăn nuôi tạo ra sản phẩm sạch. Theo đó, các mô hình chăn nuôi gà, lợn trên địa bàn đều liên kết với các công ty giống góp phần chăn nuôi đúng quy trình. Việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm đã bắt đầu đặt nền móng xây dựng được chuỗi liên kết, sản xuất hàng hóa.
Trong những năm gần đây, lĩnh vực nuôi thủy sản ở TP Hà Tĩnh phát triển mạnh với sản lượng tăng, diện tích chuyển đổi hình thức nuôi từ quảng canh cải tiến lên bán thâm canh, thâm canh có xu hướng tăng và xuất hiện một số hình thức nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo đánh giá, nuôi trồng thủy sản đã từng bước chuyển dịch nuôi theo hướng nông nghiệp chất lượng cao đảm bảo an toàn thực phẩm và có sự liên kết.
Mở lối sản xuất nông nghiệp an toàn
Tuy sản xuất nông nghiệp sạch là điều TP Hà Tĩnh đang tích cực triển khai, tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, bức tranh sản xuất nông nghiệp của địa phương vẫn chưa như mong muốn.
Sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ manh mún, không có cánh đồng mẫu lớn, công tác chế biến và bảo quản sau thu hoạch còn yếu kém, liên kết chưa bền vững, giá cả không ổn định, người sản xuất lúng túng, bị động, tình trạng được mùa rớt giá vẫn diễn ra... là những “điểm trừ” đang tồn tại lâu nay của nông nghiệp TP Hà Tĩnh.
Trang trại chăn nuôi gà của HTX Vạn An (TP Hà Tĩnh) đang thành công theo mô hình liên kết.
“Để đáp ứng yêu cầu hiện nay, TP Hà Tĩnh đã xác định rõ các việc cần thực hiện như triển khai chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản sạch và ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi. Khuyến khích phát triển hình thức ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ với người nuôi hoặc với đại diện của nhóm hộ người nuôi, với các tổ chức kinh tế hợp tác của nông, ngư dân…” – Trưởng phòng Kinh tế TP Hà Tĩnh Trần Hậu Tuấn cho hay.