Il-22PP Porubschik
Truyền thông quốc tế đang loan tin về việc Nga đang chế tạo loại máy bay tác chiến điện tử có khả năng chế áp bất kỳ mục tiêu nào, thậm chí có thể loại khỏi vòng chiến đấu cả các vệ tinh đảm bảo liên lạc và dẫn đường quân sự.
Tuy nhiên, theo hãng tin TASS của Nga, từ năm 2016, lực lượng không quân vũ trụ Nga (VKS) đã tiếp nhận những chiếc máy bay tác chiến điện tử và trinh sát được hiện đại hóa Il-22PP Porubschik với các hệ thống tác chiến điện tử và trinh sát mới.
Il-22PP giúp Nga tác chiến hiệu quả trước các máy bay phát hiện và cảnh báo từ xa, các hệ thống phòng không cùng các loại máy bay có người lái và không người lái khác. Một trong những đặc điểm nổi bật của Il-22PP là khả năng lựa chọn tần số, qua đó gây nhiễu đối phương nhưng vẫn bảo đảm khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các hệ thống điện tử của "quân mình".
Máy bay tác chiến điện tử Il-22PP của Nga |
Il-22P được cải tiến từ Il-18, loại máy bay hành khách tầm trung được sản xuất từ thời Liên Xô. Đây cũng là loại máy bay hành khách đầu tiên do Liên Xô sản xuất sử dụng động cơ tuốc bin cánh quạt.
Tổng cộng đã có hơn 700 chiếc Il-18 các phiên bản khác nhau được sản xuất. Tuy nhiên, từ năm 1974, Liên Xô đã dần loại bỏ mẫu máy bay này để thay thế bằng các loại máy bay phản lực.
Il-18 là nền tảng của rất nhiều phiên bản khác nhau. Vào cuối những năm 1960, trên cơ sở Il-18, Liên Xô đã chế tạo Il-20 và sau đó là mẫu chuyên dụng Il-22, (trong số đó có những chiếc được sử dụng để đo thông số các cuộc thử nghiệm tên lửa), máy bay trinh sát Il-24 và các máy bay chỉ huy trên không.
Việc lựa chọn Il-18 để phát triển các phiên bản quân sự khác nhau không phải do ngẫu nhiên mà căn cứ vào các đặc điểm nổi bật của loại máy bay này. Theo giới chuyên gia Nga, Il-18 đặc biệt phù hợp cho nhiệm vụ tác chiến điện tử và trinh sát nhờ khả năng bay liên tục kéo dài. Với 4 động cơ, mỗi động cơ 4.252 mã lực, Il-18 có thể đạt tốc độ 685 km/h, tầm bay 6.500 km và ở độ cao 8.800 m.
Il-22PP được phát triển trên cơ sở Il-18 với hệ thống tác chiến điện tử và trinh sát mới mang tên Porubschik chính là "nỗi kinh hoàng" đối với các loại tên lửa của Mỹ như Tomahawk, JASSM, JASSM-ER... Lý do là loại máy bay này có khả năng gây nhiễu tín hiệu vệ tinh vốn được sử dụng để dẫn đường cho các tên lửa Mỹ. Trong khi vẫn đảm bảo hoạt động bình thường cho các hệ thống điện tử "quân mình", Il-22PP vẫn có thể khiến các loại tên lửa tầm xa của Mỹ bị "mù" hoàn toàn.
Tên lửa Tomahawk của Mỹ được phóng từ tàu chiến trong cuộc tấn công Syria hồi tháng 4 |
Trong cuộc tấn công vào Syria hồi tháng 4 vừa qua, Mỹ đã "mất" hầu hết số tên lửa Tomahawk của mình. Hệ thống phòng không của Nga đã hoàn toàn án binh bất động và nhiệm vụ tiêu diệt tên lửa Mỹ chỉ do phía Syria đảm trách.
Tuy nhiên, giới phân tích quân sự cho rằng Nga đã "đứng sau hậu trường" hỗ trợ bằng cách quan sát, cảnh báo các loạt phóng tên lửa, chế áp điện tử và chỉ thị mục tiêu cho các hệ thống phòng không Syria. Điều này là hoàn toàn có thể bởi các hệ thống phòng không của Syria do Liên Xô trước đây và Nga cung cấp nên hoàn toàn có khả năng kết nối với các hệ thống tác chiến điện tử của Nga.
"Ông già" bền bỉ
Theo giới phân tích quân sự Nga, quân đội của các quốc gia công nghệ tiên tiến ngày nay không thể làm gì nếu không có sự giúp đỡ của các vệ tinh quay quanh quỹ đạo. Những vệ tinh này tạo ra các kết nối, cho phép quan sát thời gian thực “bức tranh” từ chiến trường, định vị cho các máy bay chiến đấu, dẫn đường cho tên lửa hành trình đến mục tiêu.
Vũ khí hiệu quả để tiêu diệt vệ tinh hiện vẫn chưa xuất hiện, song làm gián đoạn các kênh thông tin giữa “mặt đất- không gian- mặt đất” là hoàn toàn có thể. Để làm điều này, cần một chiếc máy bay đặc biệt.
Đặc điểm chính của tổ hợp hàng không như vậy là khả năng ảnh hưởng có chọn lọc các tín hiệu trong một tần số nhất định mà không ảnh hưởng đến các tín hiệu khác. Nói cách khác, đó là ngăn chặn tín hiệu “ngoài hành tinh” mà không làm gián đoạn liên lạc của "quân ta”.