Nga tăng cường sản xuất gấp 10 lần một số loại vũ khí

Nga đã tăng cường sản xuất gấp hơn 10 lần một số loại vũ khí để cung cấp cho quân đội sử dụng ở Ukraine, trong đó có tên lửa, máy bay không người lái, phương tiện chiến đấu và pháo.

Nga tăng cường sản xuất gấp 10 lần một số loại vũ khí

Ảnh minh họa: TTXVN

Theo hãng tin Reuters, thông tin trên do Rostec, nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Nga, đưa ra ngày 19/9.

Ông Bekhan Ozdoev, Giám đốc công nghiệp của tổ hợp vũ khí thuộc Rostec, cho biết khối lượng sản xuất các loại vũ khí đã tăng từ 2 đến 10 lần. Đối với một số loại vũ khí, sản lượng đã được tăng lên hàng chục lần. Ông Ozdoev nói: “Chúng tôi đang tiến nhanh với tốc độ chóng mặt”.

Theo ông Ozdoev, số lượng xe tăng, xe bọc thép, bệ phóng tên lửa, pháo, tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander, hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung Pantsir và tên lửa siêu vượt âm Kinzhal đã tăng đáng kể. Ông không nêu chi tiết tổng số lượng vũ khí được sản xuất.

Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh tăng cường sản xuất để đảm bảo Nga đạt được mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, bất chấp phương Tây cung cấp cho Ukraine số vũ khí trị giá hàng tỷ USD và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga chưa từng có.

Rostec là tập đoàn nhà nước Nga kiểm soát phần lớn ngành vũ khí và đang bị phương Tây trừng phạt. Tập đoàn này kiểm soát 800 thực thể dân sự và quốc phòng của Nga.

Bộ Tài chính Mỹ gọi Rostec là nền tảng của các lĩnh vực quốc phòng, công nghiệp, công nghệ và sản xuất của Nga.

Trước đó, theo tờ New York Times, Nga đã vượt qua được các lệnh trừng phạt và biện pháp kiểm soát xuất khẩu do phương Tây áp đặt để mở rộng sản xuất tên lửa vượt mức trước cuộc xung đột.

Cụ thể, Nga đã phá vỡ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ bằng cách sử dụng các cơ quan tình báo và Bộ Quốc phòng để điều hành mạng lưới nhằm đưa các linh kiện quan trọng đến Nga. Trong vòng chưa đầy một năm kể từ khi xung đột nổ ra, Nga đã xây dựng lại hoạt động thương mại các linh kiện quan trọng bằng cách chuyển chúng qua các quốc gia như Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ. Các cơ quan quản lý của Mỹ và châu Âu đang tìm cách hợp tác để hạn chế xuất khẩu chip sang Nga, nhưng lại gặp khó khăn trong ngăn chặn hoạt động này ở các quốc gia có quan hệ với Nga.

Vào tháng 10/2022, Mỹ đã phối hợp cùng các nước để nỗ lực tăng cường các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga. Vào thời điểm đó, các quan chức Mỹ cho rằng các biện pháp trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu có hiệu quả, một phần vì có thể ngăn cản các nước gửi vi mạch, bảng mạch, bộ xử lý máy tính và các bộ phận khác cần thiết cho vũ khí dẫn đường chính xác cũng như các bộ phận cần thiết cho động cơ diesel, máy bay trực thăng, xe tăng.

Nhưng Nga đã nhanh chóng thích nghi, tự nỗ lực nhằm đảm bảo nguồn cung cấp các bộ phận cần thiết. Ngày nay, các quan chức Nga đã tái cơ cấu nền kinh tế để tập trung vào sản xuất quốc phòng. Nhờ doanh thu từ giá năng lượng cao, các cơ quan an ninh và Bộ Quốc phòng Nga đã có thể có các thiết bị vi điện tử và các vật liệu phương Tây khác cần thiết cho tên lửa hành trình, các loại vũ khí dẫn đường chính xác khác. Kết quả là sản xuất quân sự không những phục hồi mà còn tăng vọt.

Trước cuộc xung đột ở Ukraine, một quan chức quốc phòng cấp cao của phương Tây cho biết Nga có thể sản xuất 100 xe tăng mỗi năm. Còn bây giờ, Nga đang sản xuất 200 chiếc.

Các quan chức phương Tây cũng cho rằng Nga đang trên đà sản xuất 2 triệu quả đạn pháo mỗi năm, gấp đôi số lượng mà cơ quan tình báo phương Tây ban đầu ước tính Nga có thể sản xuất trước cuộc xung đột. Nhờ đó, Nga đang sản xuất nhiều đạn dược hơn cả Mỹ và châu Âu.

Ông Kusti Salm, một quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Estonia, ước tính sản lượng đạn dược hiện tại của Nga lớn gấp 7 lần so với phương Tây.

Ông Salm cho biết chi phí sản xuất của Nga cũng thấp hơn nhiều so với phương Tây. Ví dụ, một quốc gia phương Tây phải tốn từ 5.000 đến 6.000 USD để chế tạo một quả đạn pháo 155 mm, trong khi Nga chỉ tốn khoảng 600 USD để sản xuất một quả đạn pháo 152 mm tương đương.

Theo Báo Tin tức

Đọc thêm

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Sáng 20/12, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm trọng thể 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989-22/12/2024). Tổng Bí thư Tô Lâm, Bí thư Quân ủy Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự lễ kỷ niệm.
Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh Hai Mạnh

Nhớ anh “Hai Mạnh” – Đại tướng Chu Huy Mân là nhớ về những kỷ niệm mãi ấm lòng trong những năm tháng được sống gần ông.
Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Trận tấn công táo bạo, dũng mãnh vào sân bay Pha Hom

Ngày 22/12/1972, Đại đội 1, Tiểu đoàn 48 bộ đội địa phương Hà Tĩnh đã táo bạo tấn công vào sân bay Pha Hom (sân bay dã chiến) thuộc vùng núi phía bắc huyện Mường Mày, tỉnh Bolikhămxay (Lào) và giành thắng lợi vang dội. Là Chính trị viên phó đại đội trực tiếp tham gia chiến đấu, tôi ghi lại chiến công này nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

Ngắm UAV cảm tử do Việt Nam sản xuất

UAV BXL.01 là loại cánh quạt chiến đấu cảm tử có khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang khối lượng đầu nổ 1,2kg, trần bay 1.000m, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly 10km do Việt Nam sản xuất.
Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Bồi đắp tình yêu đất nước qua “Tiết học biên cương”

Chương trình “Tiết học biên cương” do Đồn Biên phòng Lạch Kèn phối hợp với trường học ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) góp phần bồi đắp cho các em học sinh tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia.