Ngân hàng lo vốn, người kinh doanh chớp thời cơ

(Baohatinh.vn) - Những tháng cuối năm là "thời điểm vàng" cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tài chính, tín dụng. Trước nhu cầu của thị trường, ngành ngân hàng Hà Tĩnh đang tập trung nguồn vốn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tích trữ "năng lượng", chớp lấy thời cơ.

Cuối năm là thời điểm thị trường đồ gỗ sôi động hơn bao giờ hết. Để có thể tung ra nguồn hàng dồi dào, phục vụ nhu cầu thẩm mỹ đa dạng của người dân trong và ngoài tỉnh, Doanh nghiệp tư nhân Đồ gỗ Thiên Soái (Cụm Công nghiệp làng nghề Thái Yên - Đức Thọ) đang tập trung tài chính, nhân lực đẩy nhanh tiến độ sản xuất.

Nhiều cơ sở sản xuất đồ gỗ trên địa bàn đang dồn vốn để làm hàng tết

Ông Nguyễn Viết Soái - Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Đồ gỗ Thiên Soái cho hay: “Chúng tôi đang vay ngân hàng ACB Hà Tĩnh 250 triệu đồng và Vietcombank Hà Tĩnh 1 tỷ đồng. Hiện tại, tôi còn làm các thủ tục cần thiết để tiếp cận thêm nguồn vốn mở rộng nhà xưởng, đầu tư máy móc và mua nguồn nguyên liệu, nâng quy mô sản xuất và thị trường tiêu thụ. Tôi rất mừng là thủ tục của các ngân hàng ngày càng đơn giản và linh hoạt”.

Bà Nguyễn Thị Thạch – Giám đốc HTX Tân Tiến Phát (Cụm Công nghiệp Bắc Cẩm Xuyên), chia sẻ: “HTX đã đầu tư trên 150 tỷ xây dựng nhà máy sản xuất bánh kẹo quy mô lớn trên địa bàn Hà Tĩnh. Để khởi động chiến dịch sản xuất hàng tết 2019, HTX đã và đang tiếp cận vốn vay từ ngân hàng MB bank và Agribank Hà Tĩnh. Tết này, chúng tôi sẽ tung ra thị trường lượng lớn bánh mang thương hiệu TL FOOD”.

HTX Tân Tiến Phát đang được ngân hàng "bơm" vốn đầu tư sản xuất kinh doanh

Không chỉ các doanh nghiệp, HTX mà thời điểm này, nhiều cá nhân cũng có nhu cầu tiếp cận vốn vay ngân hàng. Ông Nguyễn Đình Khánh – Phó Giám đốc Vietinbank Hà Tĩnh cho biết: “Các doanh nghiệp, cá nhân trên địa bàn có nhu cầu vay vốn lớn để đầu tư sản xuất kinh doanh, tích trữ hàng hóa phục vụ thị trường tết 2019. Khách hàng của chúng tôi chủ yếu đầu tư vào hàng hóa tiêu dùng, thủy hải sản đông lạnh… Theo đó, dư nợ từ đầu năm lại nay đạt 4.900 tỷ đồng, tăng trưởng 23% so với đầu năm 2018. Trong đó, riêng nửa tháng 11, dư nợ đã tăng trưởng 70 tỷ đồng so với tháng 10”.

Nhân viên Phòng Bán lẻ VietinBank Hà Tĩnh hướng dẫn khách hàng thủ tục vay vốn

Ngoài Vietinbank, hiện dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn đều có mức tăng trưởng khá ấn tượng. Ông Võ Minh Mạnh – Trưởng phòng Kế hoạch, kinh doanh Agribank chi nhánh Hà Tĩnh II, cho biết: “Mặc dù mới chia tách (ngày 1/11/2018) nhưng sau 18 ngày hoạt động, dư nợ của đơn vị đã tăng trên 42 tỷ đồng so với tháng 10. Từ đây, phản ánh nhu cầu đầu tư của khách hàng những tháng cuối năm rất lớn và dự kiến dư nợ còn tiếp tục tăng trưởng mạnh”.

Mặc dù mới chia tách (ngày 1/11/2018) nhưng sau 18 ngày hoạt động, dư nợ của Agribank chi nhánh Hà Tĩnh II đã tăng trên 42 tỷ đồng so với tháng 10

Theo ngân hàng Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh, dư nợ tính đến thời điểm 31/10/2018 đạt trên 42.732 tỷ đồng, tăng 12,81% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ tháng 10 tăng so với tháng 9/2018 là 672 tỷ đồng. Những con số ấn tượng đó cho thấy, dấu hiệu phục hồi tích cực của nền kinh tế và sự chủ động, linh hoạt của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh phục vụ thị trường tết 2019.

Các cơ sở sản xuất kinh doanh thủy hải sản ở Hà Tĩnh cũng đang tập trung vốn, dự trữ hàng tết

Để tiếp tục mở rộng khách hàng, gia tăng dư nợ, hệ thống ngân hàng Hà Tĩnh đã xây dựng kế hoạch, thiết kế và triển khai các gói vay hấp dẫn, linh hoạt với lãi suất ưu đãi. Ngoài ra, ngành ngân hàng còn thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm gỡ khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục vay vốn theo hướng đơn giản, nhanh gọn và linh hoạt trong thực hiện các điều kiện vay vốn. Từ đó, giúp nhiều khách hàng được vay vốn và sử dụng nguồn vốn hiệu quả.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói