Nghị quyết soi đường xây dựng NTM: Sắp xếp bộ máy, tinh gọn cán bộ

(Baohatinh.vn) - “Không tinh gọn đội ngũ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động bộ máy cơ sở thì rất khó thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) - nơi tập trung tất cả các nhiệm vụ chính trị ở địa phương” - đó là đúc kết đầy tâm huyết của nhiều xã ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Gọn bộ máy - “việc cần làm ngay”

Nghị quyết soi đường xây dựng NTM: Sắp xếp bộ máy, tinh gọn cán bộ

Nhân dân xã Nam Hương (Thạch Hà) ra quân làm giao thông nông thôn, xây dựng khu dân cư mẫu.

Xã Nam Hương những ngày dồn sức về đích NTM vào cuối năm 2018, bên cạnh những khó khăn, thuận lợi lớn nhất là bộ máy lãnh đạo địa phương vừa được củng cố và đội ngũ cán bộ, công chức từ xã tới thôn được sắp xếp, bố trí theo hướng kiêm nhiệm chức danh, giảm đầu mối, tăng thu nhập.

Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Viết Lĩnh cho biết: Xã đã tinh gọn đội ngũ cán bộ không chuyên trách từ 14 xuống còn 10 người; công chức giảm từ 21 còn 19 và cán bộ thôn giảm từ 60 xuống 42 người. Phần lớn công chức, cán bộ không chuyên trách đều kiêm nhiệm nhiều chức danh khác nhau, trong đó, mô hình mang lại hiệu quả rõ nét đó là cán bộ xã đảm nhận thêm công việc ở thôn.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Lê Thị Thu Hiền kiêm nhiệm chức danh Bí thư Chi bộ thôn Yên Thượng, chia sẻ: “Nắm vững các chủ trương, chính sách, mục tiêu, kế hoạch của xã, nhất là thường xuyên giao ban về tiến độ thực hiện chương trình xây dựng NTM, vì vậy, khi về làm Bí thư chi bộ thôn, tôi có thể vững vàng truyền đạt, triển khai tới các đảng viên”. Công việc hết sức bận rộn nhưng chị Hiền có thêm động lực khi mức phụ cấp của cả 2 chức danh cao gần gấp đôi so với trước, đạt khoảng 2,9 triệu đồng/tháng.

Trong guồng máy hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả, Nam Hương đã có những bước đi đột phá từ tư tưởng, ý chí của cán bộ cho đến ý thức và sự vào cuộc nhiệt tình của người dân. Từ đó, những việc khó được tháo gỡ, tiến độ thực hiện các tiêu chí được đẩy nhanh. Đến tháng 6/2018, xã chính thức đăng ký với huyện phấn đấu đạt chuẩn vào cuối năm, vượt thời gian 2 năm so với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra.

Nghị quyết soi đường xây dựng NTM: Sắp xếp bộ máy, tinh gọn cán bộ

Lãnh đạo xã Nam Hương trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, chỉ đạo xây dựng khu dân cư mẫu.

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy, vừa nâng cao hiệu quả hoạt động, vừa nâng cao thu nhập cho cán bộ, đó cũng là một trong những bài học thành công trong xây dựng NTM ở xã Thạch Thanh. Trong 2 năm dồn sức để đi tới mục tiêu đạt chuẩn NTM vào cuối năm 2017, Thạch Thanh đã giảm được 33 cán bộ từ cấp xã đến thôn. Những cán bộ cao tuổi, năng lực không đáp ứng yêu cầu nghỉ việc nhường chỗ cho 4 sinh viên đại học được tuyển dụng. Cán bộ trẻ với trình độ, nhiệt huyết đã phát huy thế mạnh; những cán bộ thôn “2 hoặc 3 chức danh trong 1” đã bắt nhịp guồng quay, đáp ứng yêu cầu cao của công việc.

Bí thư Đảng ủy xã chịu trách nhiệm về khoán chi phụ cấp thôn

Khoán quỹ lương cấp thôn ở xã Việt Xuyên là mô hình thí điểm mà huyện Thạch Hà cho phép triển khai dựa trên sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị địa phương, đặc biệt là sự tâm huyết, dám làm, dám chịu trách nhiệm của những người đứng đầu.

Mô hình khoán quỹ lương được đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Phan Nam Anh chỉ đạo xây dựng dựa trên các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về sắp xếp bộ máy, tinh gọn đội ngũ.

Thực tế cho thấy, xây dựng NTM chính là đỉnh cao của việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Bởi vậy, quá trình mổ xẻ thực trạng, tìm giải pháp để thực hiện các tiêu chí, thì những bất cập, hạn chế đều lộ rõ, đòi hỏi phải giải quyết để đi đến thành công. Một trong những “điểm nghẽn” lớn nhất đối với Việt Xuyên trong lộ trình đạt chuẩn đó là đội ngũ cán bộ, nhất là ở cấp thôn khá cồng kềnh, nhiều chức danh chồng chéo, trong khi đó, thu nhập rất thấp.

"Trăn trở và liên hệ đến những văn bản về công tác cán bộ, tôi đưa mô hình khoán chi phụ cấp cán bộ thôn ra bàn bạc kỹ với các đồng chí trong Ban Thường vụ và từng bước đưa ra họp Ban Chấp hành cũng như trong từng chi bộ... Ở tất cả các diễn đàn, cùng với phân tích, thuyết phục về những lợi ích của việc thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh gọn cán bộ cấp thôn dựa trên khoán chi phụ cấp thôn, tôi đã cam kết lấy vai trò của người đứng đầu để chịu trách nhiệm về mô hình. Các bước sắp xếp, tinh gọn bộ máy tiếp đó được tiến hành bài bản nhưng cũng linh hoạt theo thực tiễn từng thôn để tạo sự đồng thuận và đạt hiệu quả hoạt động tốt nhất” - Bí thư Đảng ủy xã Phan Nam Anh, cho hay.

Nghị quyết soi đường xây dựng NTM: Sắp xếp bộ máy, tinh gọn cán bộ

Tinh gọn đội ngũ, cán bộ thôn Việt Yên đoàn kết, nỗ lực cùng người dân hoàn thành các tiêu chí khu dân cư kiểu mẫu

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy cán bộ thôn dựa trên việc khoán quỹ lương, xã Việt Xuyên đồng loạt giảm bộ máy hoạt động cấp thôn, mỗi thôn từ 11 còn 6 người. Tổng số tiền lương cấp thôn 8.896 ngàn đồng được phân chia cho các chức danh theo hệ số đã được mỗi thôn bàn bạc xây dựng. Trước đây, với 11 cán bộ thôn, có người chỉ được hưởng phụ cấp 300 - 400 ngàn đồng/người/tháng, thì nay, với 6 cán bộ mỗi thôn, thu nhập đã tăng lên 1,5 - 2 triệu đồng/người/ tháng tùy theo vị trí công việc và mức độ kiêm nhiệm.

Bí thư Chi bộ thôn Việt Yên Nguyễn Văn Hạnh, cho biết: “Thôn chỉ còn 6 cán bộ, tất cả đều kiêm nhiệm “2 trong 1”. Mỗi cán bộ trong bộ máy mới đều vất vả hơn nhưng sự tinh gọn khiến không ai được ỷ lại và mỗi người đều cố gắng sắp xếp khoa học nhất, xây dựng sự đoàn kết cao nhất để cùng hoàn thành nhiệm vụ. Việc tinh gọn đội ngũ, nâng cao thu nhập cán bộ thôn đang giúp chúng tôi tăng trách nhiệm, thêm động lực để cùng với nhân dân xây dựng thôn đạt khu dân cư kiểu mẫu vào cuối năm nay”.

Nghị quyết soi đường xây dựng NTM: Sắp xếp bộ máy, tinh gọn cán bộ

Bí thư Tỉnh ủy hà Tĩnh Lê Đình Sơn: Hà Tĩnh đi sớm trong sáp nhập thôn, tinh giản bộ máy cấp xã để đáp ứng nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Từ yêu cầu về hiệu lực, hiệu quả của bộ máy lãnh đạo cơ sở để đáp ứng nhiệm vụ xây dựng NTM, Hà Tĩnh đã đi đầu trong sáp nhập thôn, tinh giản bộ máy cấp xã. Toàn tỉnh đã giảm 722 thôn, tổ dân phố; hiện bình quân 1 xã có 8 thôn, tổ dân phố; giảm bình quân gần 3 thôn, tổ dân phố/xã. Toàn tỉnh hiện có 2.016/2.115 bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác mặt trận (chiếm 95,31%); bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố 60 người. Từ kết quả thực tiễn của mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư, trên cơ sở Nghị quyết Trung ương 6, tỉnh đang triển khai khoán kinh phí để thực hiện các nhóm nhiệm vụ đồng thời xây dựng quy định khung về số lượng cán bộ thôn, tổ dân phố (mỗi thôn chỉ còn tối đa 7 cán bộ).

Tiếp tục thực hiện các nghị quyết 18 và 19 của Trung ương 6, theo chỉ đạo của BTV Tỉnh ủy, các huyện, thành, thị ủy chỉ đạo việc sáp nhập đối với những xã không đảm bảo 50% cả 2 tiêu chí diện tích và dân số; hoàn thành trước năm 2020. Hiện tại, toàn tỉnh có 66 xã thuộc diện này, trong đó, 57 xã đã có phương án sáp nhập. Việc sáp nhập xã, thôn xóm sẽ tập trung được nguồn lực để thực hiện các tiêu chí NTM thuận lợi hơn.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Một số nội dung, yêu cầu cụ thể về công tác nhân sự?

Hướng dẫn số 03-HD/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã hướng dẫn chi tiết về tiêu chuẩn, điều kiện cấp ủy viên; độ tuổi cấp ủy viên; cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên BTV và phó bí thư cấp ủy cấp huyện và tương đương, cấp cơ sở...
 [Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

[Đảng Cộng sản Việt Nam qua các kỳ đại hội] Đại hội lần thứ V của Đảng

Đại hội Đại biểu lần thứ V của Đảng diễn ra từ ngày 27 đến 31/3/1982, tại thủ đô Hà Nội, đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư. Ngày 14/7/1986, Ban Chấp hành Trung ương họp phiên đặc biệt, đồng chí Trường Chinh được bầu giữ chức Tổng Bí thư thay đồng chí Lê Duẩn (từ trần ngày 10/7/1986).