Trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP đang được người nông dân Kỳ Trung, huyện Kỳ Anh tích cực hưởng ứng nhờ năng suất, chất lượng cao.
Những nông dân thời đại mới
Với 1,6 ha chè công nghiệp được giao khoán, nhưng trong thời gian khá dài, chị Trần Thị Hương Giang ở thôn Đất Đỏ, xã Kỳ Trung (Kỳ Anh) vẫn loay hoay tiếp cận quy trình sản xuất mới cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm. “Nút thắt” được gỡ khi đến năm 2012, chị Giang được tiếp cận các chính sách hỗ trợ vốn, tư vấn về kỹ thuật để đầu tư sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP.
“Ngoài việc được tập huấn kỹ thuật sản xuất chè công nghiệp, tôi còn được hỗ trợ gần 50 triệu đồng để đầu tư hệ thống tưới tự động. Đặc biệt, thực hiện liên kết với doanh nghiệp, chúng tôi được đầu tư từ khâu giống, phân bón đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, doanh thu bình quân từ chè của gia đình tôi đạt 180-200 triệu đồng/năm” - chị Giang phấn khỏi cho biết.
Chị Giang là một trong hơn 300 hộ trồng chè ở Kỳ Trung được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ, tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật, cung cấp cây giống và bao tiêu sản phẩm chè. Đến nay, xã Kỳ Trung đã phát triển được hơn 200 ha chè nguyên liệu, với 70% hộ gia đình tham gia, sản lượng hàng năm ước đạt 1.200 tấn. Thu nhập từ cây chè đạt 150 triệu đồng/ha, chiếm trên 60% tổng giá trị sản xuất của toàn xã.
Chủ tịch UBND xã Kỳ Trung, Nguyễn Văn Dương khẳng định, cây chè thực sự là cây xóa đói giảm nghèo của địa phương. Sản phẩm chè Hà Tĩnh đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường, trở thành một trong 12 mặt hàng xuất khẩu của tỉnh với giá trị xuất khẩu đạt gần 3 triệu USD (năm 2017).
Trong sản xuất, người nông dân không còn đơn độc, khép kín “tự cung tự cấp” mà họ đã biết liên kết với doanh nghiệp từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi lợn liên kết qui mô 2.000 con/lứa của ông Nguyễn Tiến Sơn ở Cẩm Sơn, Cẩm Xuyên
Trên mảnh đất “chảo lửa, túi mưa, khô cằn sỏi đá”, những nông dân Hà Tĩnh đã chế ngự thiên nhiên, làm giàu chính đáng trên mảnh đất của mình. Trong sản xuất, người nông dân không còn đơn độc, họ đã liên kết với doanh nghiệp từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm. Mô hình liên kết theo chuỗi giá trị đã tạo sự ổn định đầu ra sản phẩm; hỗ trợ lẫn nhau về nguồn lực và chia sẻ rủi ro; tăng chất lượng và giá trị sản xuất...
Bà Nguyễn Thị Nhuần - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh khẳng định: Thực hiện Nghị quyết 26 của Trung ương và Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy về "tam nông", Hà Tĩnh đã định hướng tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, xây dựng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 vùng sinh thái (miền núi, đồng bằng, ven biển). Đặc biệt, việc ban hành đồng bộ các chính sách khuyến khích nông dân sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đã thúc đẩy sản xuất phát triển, nông thôn khởi sắc. Nông dân có cuộc sống tốt hơn cả về vật chất và tinh thần, vai trò chủ thể được khẳng định.
Khẳng định vai trò chủ thể của nông dân
Nông dân Hà Tĩnh chiếm khoảng 81,83% dân số và trên 54,39% lao động nông thôn. Những năm qua, nông dân Hà Tĩnh đã tích cực tham gia đóng góp sức người, sức của vào sự nghiệp đổi mới và hội nhập của tỉnh, tạo nên những thành tựu to lớn trên mặt trận sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Không chỉ là chủ thể trong sản xuất, nông dân Hà Tĩnh còn là chủ thể, đi đầu trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Trong ảnh: Nhân dân thôn Yên Ngọc (xã Xuân Yên - Nghi Xuân) thường xuyên luyện tập thể thao ở nhà văn hóa thôn
Đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân ngày càng được cải thiện, các chính sách an sinh xã hội ngày càng được đảm bảo. Bình quân hàng năm, có trên 80.000 hộ đạt hộ SX-KD giỏi, trong đó có 54.479 hộ có mức thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên (chiếm 36,61% số hộ SX-KD giỏi); tỷ lệ hộ nghèo giảm 5,73% so với đầu nhiệm kỳ (năm 2013: 14,1%, năm 2017: 8,57%), hộ giàu tăng; thu nhập bình quân đầu người đạt 44 triệu đồng/năm.
Không chỉ trong sản xuất, nông dân Hà Tĩnh còn là chủ thể, đi đầu trong xây dựng NTM, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Sau 7 năm thực hiện chương trình MTQG xây dựng NTM, Hà Tĩnh đã xây dựng 228 khu dân cư, 2.300 vườn mẫu đạt chuẩn. Nhiều khu dân cư kinh tế phát triển, môi trường tốt, cảnh quan đẹp, văn hóa được phát huy, đã trở thành vùng quê "trù phú - an lành", là "nơi đáng sống"...
Nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ, TDTT ở nông thôn được tổ chức, không chỉ nâng cao đời sống văn hóa tinh thần mà còn gắn kết cộng đồng, tình làng nghĩa xóm.
Cùng với việc quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, trình độ dân trí được nâng lên và ngày càng thích ứng với cơ chế thị trường; dân chủ được mở rộng, quyền làm chủ của người nông dân được phát huy. Nông dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tham gia giám sát, phản biện xã hội. Vai trò, vị thế chính trị của giai cấp nông dân ngày càng được khẳng định và nâng cao, thực sự xứng đáng là trung tâm, nòng cốt trong quá trình phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, đô thị văn minh.