Điểm cầu Hà Nội hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết "tam nông". Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Điểm cầu Hà Tĩnh do Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn chủ trì. Cùng tham gia có Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Đặng Quốc Vinh, Dương Tất Thắng và lãnh đạo các sở, ngành.
Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh và Phó Chủ tịch UBND Đặng Ngọc Sơn chủ trì điểm cầu Hà Tĩnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, sau khi Nghị quyết được ban hành, Chính phủ đã có chương trình hành động gồm 3 chương trình mục tiêu quốc gia, 9 đề án quy hoạch và 36 đề án chuyên ngành.
Nghị quyết đã được các cấp ủy và cả hệ thống chính trị nỗ lực triển khai thực hiện nghiêm túc đạt nhiều kết quả mang tính đột phá, cải thiện rõ rệt đời sống của đa số nông dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện Nghị quyết 26 về tam nông vẫn còn những tồn tại, yếu kém. Đến năm 2020, một số mục tiêu do Nghị quyết đề ra có khả năng không đạt nếu không có những giải pháp đột phá và sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời...
Tham luận tại hội nghị, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn khẳng định: Thực hiện Nghị quyết 26 Hội nghị lần thứ 7 của BCH Trung ương Đảng khóa X, Hà Tĩnh xem đây là cuộc cách mạng ở nông thôn, là cơ hội vàng cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh nhà.
Nông nghiệp Hà Tĩnh từ chỗ khó khăn (tăng trưởng 2,08% giai đoạn 2008 - 2012) đã liên tục tăng trưởng với tốc độ cao đạt 4,87% (giai đoạn 2013 - 2017). Từ một tỉnh có điểm xuất phát thấp, năm 2010, bình quân mới đạt 3,5 tiêu chí/xã, đến nay, bình quân đạt 16,5 tiêu chí/xã (tăng 12,9 tiêu chí); đến cuối năm 2018 có 143 xã đạt chuẩn (chiếm 62,4% tổng số xã toàn tỉnh), không còn xã dưới 11 tiêu chí, có 1 huyện đạt chuẩn NTM.
“Để nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục phát huy hiệu quả, Hà Tĩnh cho rằng cần đổi mới mạnh hơn nữa cơ chế, chính sách để tích tụ, tập trung ruộng đất gắn với với từng bước hoàn thiện quan hệ sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn nhằm thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiệu quả cao. Xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị là bước tiến tất yếu, lâu dài của cuộc cách mạng này” – Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nghị quyết Trung ương 7 đã thực sự đi vào cuộc sống, đưa nền nông nghiệp cả nước chuyển mình tạo ra của cải vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Đặc biệt, chương trình xây dựng NTM trở thành phong trào lớn mạnh, đưa bộ mặt nông thôn khởi sắc trên nhiều lĩnh vực...
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương rút ra những bài học kinh nghiệm để khắc phục tồn tại để nông nghiệp nông dân và nông thôn tiếp tục phát triển lên tầm cao mới. Trước hết là khơi dậy tinh thần yêu nước của người nông dân để từ đó đổi mới tư duy năng động sáng tạo tự lực, tự cường trong sản xuất nông nghiệp.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khắc phục nền kinh tế nhỏ lẻ, manh mún, tạo điều kiệt tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; Tiếp tục ứng dựng KH&CN vào sản xuất để tạo ra sản phẩm hàng hóa, có giá trị kinh tế; xây dựng dựng cơ chế chính sách để thúc đẩy phong trào xây dựng NTM gắn với xây dựng độ thị để phát triển lâu dài và bền vững.
10 năm thực hiện nghị quyết, nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế, một số nông sản đã khẳng định vị thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới, xuất khẩu nông lâm thủy sản 2017 đạt 37,5 tỷ USD, tăng 2,2 lần so với năm 2008. Đặc biệt, xây dựng nông thôn đổi mới trở thành phong trào sâu rộng, cả nước có 3.069 xã được công nhân đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người từ 9,15 triệu đồng năm 2008 lên 32 triệu năm 2017. Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng phát triển sản xuất hàng hóa, hình thành nhiều trang trại với quy mô lớn, hiệu quả cao. Cả nước hiện có 34.048 trang trại, gần 12.000 HTX ,quỹ tín dụng và 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. |