Trang trí đường phố chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện Nghi Xuân |
Năm 2015, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt trên 28 triệu đồng, tăng gần 2,2 lần so với đầu nhiệm kỳ (2010). Tổng thu ngân sách huyện năm 2015 ước đạt 120 tỷ đồng, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2010. Đặc biệt là tổng mức đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2010-2015 ước đạt 6.100 tỷ đồng, tăng 2.100 tỷ đồng (52,5%) so với giai đoạn 2005-2010. Những chỉ số tăng trong bối cảnh kinh tế nước nhà nói chung, Hà Tĩnh nói riêng gặp nhiều khó khăn là nỗ lực lớn của huyện nghèo Nghi Xuân.
Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách toàn diện thì Nghi Xuân còn rất nhiều tiềm năng, lợi thế để đẩy nhanh tốc độ phát triển KT-XH. Thế nên, mức tăng trưởng này chưa thực sự tương xứng, cho dù đây là giai đoạn bước đệm thực hiện chiến lược phát triển KT-XH có tầm nhìn đến năm 2020. Mục tiêu xuyên suốt của huyện trong nhiệm kỳ qua là hoàn thiện đề án, quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết và triển khai những công việc cụ thể tại các khu vực giàu tiềm năng. Với những ngành mũi nhọn như: phát triển kinh tế biển, nuôi tôm công nghệ cao, mở rộng chăn nuôi khu vực ven chân núi Hồng, ở lĩnh vực này, Nghi Xuân đã làm khá tốt.
Cụ thể, đề án phát triển kinh tế biển được triển khai và kéo dài từ năm 2013-2020. Theo đó, phấn đấu giảm tàu công suất nhỏ dưới 20 CV từ 617 chiếc (2013) xuống còn 420 chiếc vào năm 2020, tăng lượng tàu công suất lớn đến 60 chiếc vào năm 2020. Hiện tại, Nghi Xuân là địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh đóng mới 3 tàu vỏ thép công suất 500 CV, 800 CV và 1.000 CV nhằm hướng tới nền kinh tế biển theo hướng hiện đại.
Dự án nuôi cá mú, cá bơn của Công ty CP sản xuất và Nuôi trồng thủy sản Hoàng Dương triển khai tại xã Xuân Liên mở ra hướng phát triển mới trong nghề NTTS ở Nghi Xuân |
Trong phát triển nuôi trồng thủy sản, huyện phấn đấu giảm diện tích nuôi tôm theo hình thức quảng canh từ 395 ha (2013) xuống còn 350 ha (2020), tăng diện tích nuôi thâm canh từ 15 ha lên 100 ha vào năm 2020. Đồng thời, triển khai mô hình nuôi tôm, cá mú, cá bơn công nghệ cao nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Dự án nuôi cá mú, cá bơn của Công ty CP sản xuất và Nuôi trồng thủy sản Hoàng Dương triển khai tại xã Xuân Liên hiện đang hoạt động khá ổn định. Trong tương lai gần, nếu thành công, mô hình này sẽ được nhân rộng trên địa bàn toàn huyện.
Về phát triển sản xuất chăn nuôi, Nghi Xuân cũng đã hoàn thiện vùng trang trại, gia trại tập trung tại 6 xã ven núi Hồng. Toàn huyện hiện có 346 mô hình trang trại cho doanh thu trên 100 triệu đồng mỗi năm.
Nhiệm kỳ 2015-2020, huyện Nghi Xuân phấn đấu chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, trong đó, thương mại - dịch vụ đạt 44%, công nghiệp - xây dựng 34%, nông - lâm - thủy sản 22%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 650 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 85 triệu đồng/năm; giá trị sản xuất bình quân trên đơn vị diện tích canh tác đạt hơn 150 triệu đồng/ha/năm; phấn đấu trên 77% (13 xã) đạt chuẩn nông thôn mới; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,3%.
Hát ca trù - loại hình nghệ thuật truyền thống được Nghi Xuân tập trung gìn giữ, phát huy |
Với mục tiêu phấn đấu trở thành trung tâm KT-XH phía Bắc Hà Tĩnh, Đảng bộ, chính quyền huyện đã lên kế hoạch thực hiện một cách cụ thể từng tiêu chí trong nhiệm kỳ 2015-2020. Theo đó, huyện đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, mở rộng diện tích và đưa các loại lạc giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; chỉ đạo các xã đưa cây chè hòe vào trồng tại vườn nhà nhằm đạt mục tiêu “kép”: cải tạo đất vườn tạp nhưng lại cho thu nhập từ 500-700 triệu đồng/ha, cao hơn nhiều lần so với các loại cây trồng khác. Năm nay, Nghi Xuân dự kiến sẽ triển khai trồng khoảng 500 ha chè hòe.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư, thực hiện biên bản ghi nhớ với Tập đoàn IDI Hàn Quốc nhằm tìm kiếm nguồn vốn thực hiện xây dựng “thành phố nước” tại “ốc đảo” Hồng Lam (Xuân Giang)…; tập trung triển khai thực hiện các dự án: khu đô thị Nam bờ sông Lam, khu đô thị mới 119 ha tại thị trấn Xuân An. Phát huy tiềm năng, lợi thế, tăng cường phát triển CN - TTCN, thương mại - dịch vụ; phát triển các thành phần kinh tế và loại hình sản xuất, kinh doanh.
Song song với phát triển kinh tế mũi nhọn, huyện cũng tập trung đẩy mạnh phát triển ngành “công nghiệp không khói” để tăng nguồn thu. Các Khu di tích Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ trong những năm qua đã được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Đặc biệt, ca trù đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp nên rất thuận lợi cho ngành du lịch phát triển.
Huyện cũng tiếp tục kêu gọi xã hội hóa đầu tư mở rộng, xây dựng các hạng mục dịch vụ Khu di tích đền Chợ Củi theo quy hoạch đã được phê duyệt; tạo mọi điều kiện thuận lợi để triển khai xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Hồng Lĩnh. Đối với lĩnh vực văn hóa - xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, nhất là dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, trò Kiều, ca trù; nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân...
Để thực hiện có hiệu quả những giải pháp trong nhiệm kỳ 2015-2020, bên cạnh đẩy mạnh cải cách hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao chất lượng và tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu, huyện Nghi Xuân tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đối với những cá nhân vi phạm… Thực hiện tốt các giải pháp này, tin chắc, Nghi Xuân sẽ sớm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH trong nhiệm kỳ tới.
Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân