Người anh hùng hai lần làm "lễ truy điệu sống" ở Ngã ba Đồng Lộc

(Baohatinh.vn) - Đại tá Nguyễn Tiến Tuẩn (quê ở xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang vào năm 1970 vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và bảo vệ huyết mạch giao thông ở Ngã ba Đồng Lộc.

Đại tá Nguyễn Tiến Tuẩn. Ảnh tư liệu

Vào năm 1968, sau sự kiện Tết Mậu Thân, địch tăng cường đánh phá miền Bắc, tìm mọi cách ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Vào thời điểm này, Ngã ba Đồng Lộc là một trọng điểm ác liệt. Địch quyết ngăn chặn, còn ta bằng mọi cách để đảm bảo thông xe. Các lực lượng bảo vệ và giữ vững chốt giao thông ở đây liên tục ngày đêm chiến đấu với kẻ thù dưới “mưa bom bão đạn”.

Trận đánh ác liệt vào đêm 13/6/1968 là một kỷ niệm khi mà Nguyễn Tiến Tuẩn đứng trước sự sống chết chỉ tấc gang. Đêm đó, đã 3 giờ sáng, địch vẫn đánh rất ác liệt. Đoàn xe gồm hàng trăm chiếc bị tắc nghẽn không qua được; thứ thì bom dội trên đầu, thứ thì bom từ trường thả xuống cắm dày trên mặt đường. Chỉ có cách là đào ủi hết bom để cho xe qua. Trước tình cảnh đó, Uông Xuân Lý - Tổ trưởng Lái máy ủi và Nguyễn Tiến Tuẩn - Tổ trưởng Tổ Cảnh sát giao thông quyết định cho xe ủi gạt bom ra khỏi mặt đường - dẫu biết rằng trong quá trình ủi có thể bom nổ bị hy sinh.

Biết là như vậy nhưng hai anh vẫn quyết tâm thực hiện. Trước khi ra trận, cả hai làm “lễ truy điệu sống”. Đêm đó, xe vừa ủi hất bom ra khỏi mặt đường, vừa tránh bom đảm bảo cho đoàn xe quân sự qua Đồng Lộc an toàn trước khi trời sáng. (*)

Sau Tết Mậu Thân 1968, Ngã ba Đồng Lộc là trọng điểm đánh phá ác liệt của địch. Ảnh tư liệu

Còn trận đánh đêm 15/7/1968 là cuộc “liều mình” chạy băng qua bãi bom từ trường bất kể bom đạn dội lên đầu để đến được chiếc xe “Zin ba cầu” nằm ở bên kia Ngã ba đem về kéo xe đang bị sa lầy làm tắc cả đoàn xe. Đêm đó, Tuẩn cởi trần xung ra trận trước, anh em đồng đội sắp hàng làm “lễ truy điệu” tiễn đưa…

Trước đồng đội, anh dõng dạc nói: “Các đồng chí không được mủi lòng, hãy vui lên để tiễn tôi lên đường làm nhiệm vụ”. Rồi anh băng băng dưới làn pháo sáng, dưới bom đạn, giữa bãi bom từ trường chạy dài hàng cây số để đến được chiếc xe Zin, rồi tự mình lái xe đến kéo chiếc xe bị lầy để cho cả đoàn xe được kịp thông vào sáng.

Cũng để cứu một đoàn xe bị tắc, nhưng trong một hoàn cảnh khác, đó là vào đêm 28/9/1968, Nguyễn Tiến Tuẩn đang điều hành đoàn xe qua “cửa tử” Ngã ba Đồng Lộc thì bỗng nhiên thấy chiếc xe đi đầu chất đầy thùng phi xăng bị chững lại. Anh thấy nguy khi pháo sáng địch thả sáng rực trời, bom đạn dội xuống xối xả; không thể để xe chở xăng trúng bom đạn bùng cháy làm tắc đường. Không chần chừ, anh nhảy lên xe, thấy lái xe luống cuống rung tay không lái được, anh gạt lái xe ra, cầm lấy vô lăng cho xe băng băng vượt qua bom đạn để cả đoàn xe cùng vượt theo.

Đồng Lộc những năm chiến tranh chống Mỹ. Ảnh tư liệu

Những chiến công của Nguyễn Tiến Tuẩn ở Ngã ba Đồng Lộc còn vang mãi cho đến ngày nay. Chất anh hùng của anh còn được thể hiện ở những chiến công sau này trên mặt trận chiến đấu mới, khi anh làm Chỉ huy trưởng Công an thị xã Hà Tĩnh, huyện Hương Sơn, cũng như sau này anh lên công tác ở Công an tỉnh.

Tên tuổi của anh gắn liền với việc xử lý các “điểm nóng”. Vào những năm 1987 - 1989, những “điểm nóng” do mâu thuẫn diễn ra từ chính trong nội bộ rồi “nổi dậy” gây rối như vụ ở hai xã Tào Sơn, Ngọc Sơn (huyện Anh Sơn) hay vụ “tranh chấp đá đỏ” ở vùng Nghĩa Đàn, Qùy Hợp… Nguyễn Tiến Tuẩn lúc đó là Phó Giám đốc Công an tỉnh Nghệ - Tĩnh đã trực tiếp khảo sát nắm tình hình và chỉ huy xử lý đem lại sự bình yên.

Sau này, khi tách tỉnh về Hà Tĩnh, là Giám đốc Công an tỉnh, Nguyễn Tiến Tuẩn một mặt lo tổ chức lực lượng, lo nơi ăn, chỗ ở, chỗ làm việc cho anh em; mặt khác lại phải đương đầu với những vụ việc gây bất ổn. Đó là vụ “đồng đen” ở xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), vụ “rào làng” ở xã Trung Lương (thị xã Hồng Lĩnh) và nhiều vụ việc khác nổi lên do mất đoàn kết trong nội bộ, do tranh chấp đất đai, địa giới… dẫn đến mâu thuẫn gay gắt.

Anh hùng Nguyễn Tiến Tuẩn (thứ 2 hàng đầu từ trái sang) cùng Tiểu đội CSGT Ngã ba Đồng Lộc thăm lại chiến trường xưa. Ảnh tư liệu

Vào thời điểm những năm 1991 - 1993, toàn tỉnh có đến 28 xã nội bộ có vấn đề. Nguyễn Tiến Tuẩn với trách nhiệm là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh được phân công nắm tình hình và đề xuất xử lý. Anh đã có những đóng góp rất quan trọng trong việc tham mưu chính xác cho cấp ủy, chính quyền có chủ trương, giải pháp đúng đắn kịp thời và đã trực tiếp chỉ huy xử lý các “điểm nóng” có hiệu quả, góp phần lấy lại sự ổn định tạo điều kiện cho tỉnh nhà phát triển.

Có thể nói, trước những gian nan thử thách trong chiến đấu cũng như trong công việc, Nguyễn Tiến Tuẩn luôn thể hiện được phẩm chất của một chiến sĩ, một sĩ quan công an, một đảng viên, một cán bộ lãnh đạo luôn bình tĩnh vượt qua, có những sáng tạo và quyết tâm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Anh sống chân tình, cởi mở với mọi người, thương yêu chia sẻ với đồng đội, bạn bè, đồng chí. Anh luôn nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, phân biệt đúng sai, vững vàng vượt qua mọi khó khăn, hay vấp váp với “chất anh hùng” vốn có của anh.

Kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Đồng Lộc, với chiến công bất hủ của các lực lượng chiến đấu đảm bảo cho mạch máu giao thông qua Đồng Lộc được thông suốt và an toàn trong thời điểm ác liệt nhất; lịch sử mãi mãi ghi công ơn của quân và dân, của lực lượng vũ trang, của ngành giao thông, của lực lượng thanh niên xung phong…, trong đó có gương hy sinh của 10 cô gái, của các anh hùng, liệt sĩ. Trong những chiến công vang dội ở Đồng Lộc có tấm gương của Nguyễn Tiến Tuẩn, sáng mãi với thời gian, với Đồng Lộc.

(*) Theo “Ngã ba Đồng Lộc”- Hội LHVHNT, UBND huyện Can Lộc - Xuất bản 1988, trang 71

Chủ đề 55 năm chiến thắng Đồng Lộc

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói