Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiến hành nhuộm lam máu bằng dung dịch GIEMSA.
Theo báo cáo của Khoa Ký sinh trùng - côn trùng (CDC Hà Tĩnh), từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã lấy 16.439 lam máu xét nghiệm cho các trường hợp nghi sốt rét. Tất cả các trường hợp này đã được xét nghiệm chẩn đoán bằng kính hiển vi và test nhanh, trong đó đã phát hiện 1 trường hợp dương tính với ký sinh trùng sốt rét và 30 trường hợp được cấp thuốc tự điều trị khi đi vào vùng sốt rét lưu hành, nếu bị sốt rét.
Đầu năm 2021, anh P.Đ (xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn) trở về từ Angola được cách ly tập trung tại tỉnh Quảng Ninh. Sau thời gian thực hiện cách ly đầy đủ, anh Đ. trở về nhà tại xã Sơn Tiến. Về được một thời gian, anh Đ. cảm thấy người mệt mỏi, đau đầu và sốt. Nghĩ mình bị COVID-19 nên anh đã đi xét nghiệm và cho kết quả âm tính.
Kỹ thuật soi lam máu bằng kính hiển vi để phát hiện ký sinh trùng sốt rét
“Sau khi có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, tôi đã mua thuốc cảm về uống nhưng bệnh vẫn không đỡ. Vì mình từng có tiền sử bị sốt rét 1 lần nên tôi quyết định đi xét nghiệm sốt rét, kết quả cho dương tính với ký sinh trùng sốt rét” - anh P.Đ cho biết.
Đây là một trong rất nhiều bệnh nhân sốt rét thường nhầm tưởng đến các bệnh cảm cúm, viêm phế quản hoặc COVID-19. May mắn là bệnh nhân được phát hiện sớm nên được các bác sỹ hướng dẫn điều trị kịp thời, không lây lan cho những người xung quanh.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tiến hành bắt muỗi tại các khu vực trọng điểm về sốt rét để nghiên cứu về thành phần, mật độ của muỗi. Ảnh tư liệu
Bác sỹ Dương Việt Bằng - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Hương Sơn cho biết: “Ngay sau khi có thông báo bệnh nhân P.Đ nghi mắc sốt rét, trung tâm đã tiến hành lấy lam máu xét nghiệm tìm ký sinh trùng sốt rét, điều tra dịch tễ và giám sát bệnh nhân. Đồng thời, tiến hành phun hóa chất diệt véc-tơ truyền bệnh sốt rét xung quanh khu vực nhà bệnh nhân ở, cấp thuốc và hướng dẫn bệnh nhân tuân thủ uống thuốc điều trị sốt rét theo đúng phác đồ của Bộ Y tế”.
Sốt rét là bệnh truyền nhiễm, do ký sinh trùng Plasmodium gây nên, bệnh lây truyền chủ yếu do muỗi Anopheles. Thời gian ủ bệnh sốt rét trung bình từ 7 đến 21 ngày, sau thời gian ủ bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng điển hình như: rét run, sốt, vã mồ hôi. Xét về mặt lâm sàng thì một số triệu chứng của bệnh sốt rét gần giống với bệnh COVID-19 nên dễ nhầm tưởng giữa hai bệnh này.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật giám sát tẩm màn diệt muỗi tại phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh.
Đối với những bệnh nhân sốt rét nếu được phát hiện sớm và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ thì trong vòng 3 ngày điều trị, bệnh sốt rét sẽ thuyên giảm, trong vòng 1 tuần, các chỉ số sẽ trở lại bình thường, bệnh nhân sẽ khỏe lại. Với những người bệnh sốt rét, nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì bệnh sẽ trở nặng và ác tính, khó điều trị, có thể dẫn đến tử vong.
Hiện nay, vẫn chưa có vắc-xin phòng ngừa sốt rét. Phương pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất vẫn là ngăn sự tiếp xúc giữa người và muỗi truyền bệnh bằng việc phun hóa chất, tẩm màn diệt muỗi, mắc màn mỗi khi đi ngủ; mặc áo dài tay, quần dài khi đi làm rừng, làm nương; thường xuyên vệ sinh nhà cửa, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh quanh nhà.
Tất cả các trường hợp nghi ngờ mắc sốt rét hoặc từ đi vùng sốt rét lưu hành về địa phương, nếu có dấu hiệu sốt, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất và khai báo y tế để được khám, lấy lam máu xét nghiệm sốt rét, đồng thời test nhanh kháng nguyên sàng lọc virus SARS-CoV-2. Trường hợp bị dương tính với ký sinh trùng sốt rét thì được cấp thuốc điều trị kịp thời và bệnh nhân nên tuân thủ uống thuốc theo hướng dẫn của bác sỹ; trong trường hợp đồng nhiễm sốt rét và SARS-CoV-2 thì cần tuân thủ cách ly y tế và điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế; nếu bệnh nhân sốt rét xuất hiện một trong các biến chứng nặng, cần nhập viện để được theo dõi và điều trị đúng phác đồ.