Hà Tĩnh ghi nhận 19 ca sốt xuất huyết

(Baohatinh.vn) - Trong 2 tuần trở lại đây, Hà Tĩnh đã ghi nhận 19 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại TX Kỳ Anh và Cẩm Xuyên.

Ngày 24/6, tại TDP Lê Lợi, phường Kỳ Liên, TX Kỳ Anh ghi nhận ca bệnh sốt xuất huyết (SXH) đầu tiên. Từ đó đến nay, tại địa phương này đã ghi nhận 18 trường hợp mắc SXH.

Bác sỹ Lê Văn Luyện - Trưởng Trạm Y tế phường Kỳ Liên cho biết: “Sau khi xác định các trường hợp mắc SXH, Trung tâm Y tế thị xã cùng với trạm đã nhanh chóng xuống tại gia đình điều tra dịch tễ và hướng dẫn bà con làm vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ phế thải để tránh muỗi đẻ trứng, sinh sôi. Trung tâm Y tế thị xã cũng đã tiến hành khoanh vùng, phun hóa chất diệt muỗi xung quanh các gia đình với bán kính 200m".

Hà Tĩnh ghi nhận 19 ca sốt xuất huyết

Tại TDP Lê Lợi, phường Kỳ Liên đã ghi nhận 18 trường hợp mắc sốt xuất huyết.

“Thời điểm này, cả hệ thống chính trị và người dân đang tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, song lại xuất hiện thêm dịch bệnh SXH trên địa bàn nên công tác giám sát, phát hiện và khống chế dịch gặp khó khăn”- bác sỹ Luyện cho biết thêm.

Trước những nguy cơ và tính chất phức tạp của ổ dịch tại xã Kỳ Liên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tiến hành điều tra nguyên nhân, giám sát chặt chẽ các ca bệnh và khảo sát môi trường xung quanh. Qua giám sát cho thấy, nhiều hộ dân vẫn để các vật dụng chứa nước trong nhà, phế thải sinh hoạt còn nhiều, không có biện pháp che đậy để phòng muỗi đẻ trứng. Đặc biệt, khu vực gần nhà các bệnh nhân có gần 100 chiếc lốp xe ô tô đã qua sử dụng, trở thành nơi trú ngụ, đẻ trứng của muỗi truyền bệnh.

Hà Tĩnh ghi nhận 19 ca sốt xuất huyết

Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nguyễn Hữu Thanh kiểm tra xung quanh khu vực sinh sống của các ca bệnh, phát hiện gần 100 lốp ô tô đã qua sử dụng, đây là nơi trú ngụ, đẻ trứng của muỗi truyền bệnh.

Ngoài phường Kỳ Liên, hiện nay, trên địa bàn thị trấn Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) cũng đã ghi nhận 1 trường hợp mắc SXH.

Ngành chức năng đang tích cực vào cuộc để giám sát, xác định nguyên nhân của ca bệnh.

Theo nhận định từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, dịch SXH xảy ra sớm hơn các năm trước, ở một số địa phương trong tỉnh sẽ có diễn biến phức tạp, khó lường. Thời tiết năm nay nắng nóng song có mưa nhiều đã tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển, nguy cơ lây lan mầm bệnh.

Mặt khác, lo lắng trước sự lây nhiễm của Covid-19, một số người có triệu chứng của SXH như: sốt, đau mỏi người đã ngần ngại tới cơ sở y tế để thăm khám và điều trị hoặc chỉ đi khám sàng lọc Covid-19. Đây là một trong những sai lầm thường gặp của người dân hiện nay, khiến cho dịch SXH có khả năng lây lan nhanh chóng, nguy cơ “dịch chồng dịch”.

Hà Tĩnh ghi nhận 19 ca sốt xuất huyết

Đoàn công tác của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh kiểm tra tại nơi ở của một số ca bệnh tại TDP Lê Lợi, phường Kỳ Liên.

Bác sỹ Nguyễn Chí Trung - Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh) cho biết: “SXH và Covid-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tốc độ lây lan nhanh nếu không được kiểm soát. Đặc biệt, một số biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: sốt, đau đầu, đau mỏi người. Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền hoàn toàn khác nhau. Dịch bệnh Covid-19 lây qua đường hô hấp, do tiếp xúc giọt bắn, còn SXH lây qua đường máu, do muỗi truyền”.

Hà Tĩnh ghi nhận 19 ca sốt xuất huyết

Mùa dịch SXH đến trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên cán bộ y tế khi thăm khám các bệnh nhân có sốt, ho, đau mỏi cơ.. cần phân biệt một số triệu chứng của sốt xuất huyết và Covid-19; điều tra rõ, khai thác đầy đủ các yếu tố dịch tễ liên quan nhằm chẩn đoán chính xác bệnh, có biện pháp phòng, chống, điều trị phù hợp. Song, không loại trừ tình huống một bệnh nhân có thể mắc hai bệnh, cả sốt xuất huyết và Covid-19, lúc đó làm cho bệnh càng nặng nề hơn.

Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Nguyễn Chí Trung

Để phòng, chống dịch SXH có hiệu quả, cấp ủy, chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt. Trong đó, công tác tuyên truyền phải được quan tâm hàng đầu nhằm giúp người dân biết và thực hiện các biện pháp để xua muỗi và tiêu diệt bọ gậy như: thau rửa các vật dụng đựng nước sinh hoạt và phải có nắp nậy kín để không cho muỗi vào đẻ trứng; vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, ao, hồ...

Khi có biểu hiện sốt, ho, đau đầu, đau mỏi người, cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, không tự ý dùng thuốc, vì nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Bình Định ghi nhận 4 ca tử vong do cúm A(H1N1)pdm

Theo Cục Y tế dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa vào sự kiện, tại tỉnh Bình Định (huyện Phù Mỹ và huyện Vĩnh Thạnh) đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do nhiễm cúm A(H1N1)pdm.