Nhân viên vệ sinh phun thuốc diệt muỗi tại Sri Lanka. Ảnh: THX
Điều này đã làm dấy lên nỗi lo ngại các quốc gia ở châu Á, nơi mà các bệnh do muỗi gây ra như sốt xuất huyết rất phổ biến, có thể phải đối mặt với “gánh nặng kép” vào thời điểm hệ thống y tế đang bị kéo căng bởi đại dịch COVID-19.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), các nhà khoa học Brazil đã phân tích mẫu máu của 1.285 người sinh sống tại thị trấn nhỏ Mâncio Lima ở vùng Amazon (Brazil) từ năm 2018 đến năm 2020. Kết quả được đăng trên tạp chí Clinical Infectious Diseases (Bệnh truyền nhiễm lâm sàng) của Đại học Oxford, cho thấy bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 trước đó đã từng mắc sốt xuất huyết có nguy cơ biểu hiện các triệu chứng COVID-19 cao gấp đôi. Bên cạnh đó, những bệnh nhân COVID-19 đã mắc sốt xuất huyết cũng có các biểu hiện triệu chứng nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Marcelo Urbano Ferreira khẳng định nhóm của ông vẫn chưa phát hiện có bất kỳ mối liên hệ nào giữa việc đã từng mắc sốt xuất huyết trước đây với nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 trong làn sóng dịch bệnh đầu tiên tại Brazil.
Nghiên cứu kết luận dịch sốt xuất huyết và COVID-19 có thể tạo thêm gánh nặng bệnh tật cho các cộng đồng dân cư sinh sống tại vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới toàn cầu.
Tiến sĩ Tikki Pangestu – chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Singapore (NUS) – cho biết mặc dù ông không thấy bằng chứng nào về mối liên hệ giữa bệnh sốt xuất huyết và các triệu chứng COVID-19 như những gì được kết luận trong nghiên cứu của Brazil, song các kết quả nghiên cứu này vẫn có giá trị nhất định nếu như được chứng minh thêm ở các quốc gia khác chứ không chỉ Brazil.
“Các quốc gia châu Á có thể thực hiện những nghiên cứu tương tự để xem mối liên hệ này có tồn tại ở châu Á hay không”, Tiến sĩ Pangestu nói.
Bệnh sốt xuất huyết là bệnh phổ biến tại các quốc gia nhiệt đới và lây lan do muỗi sinh sản ở các vũng nước đọng. Quá trình đô thị hóa nhanh chóng ở các khu vực châu Á và châu Mỹ Latinh, cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng xử lý chất thải và thoát nước kém, đã làm cho tốc độ lây lan của bệnh trở nên tồi tệ hơn. Ước tính có đến 390 triệu ca nhiễm virus sốt xuất huyết hàng năm.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 129 quốc gia phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm sốt xuất huyết, trong đó Đông Nam Á chiếm hơn một nửa số ca toàn cầu, đặc biệt là Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Dữ liệu thống kê của WHO cho thấy năm 2019, Đông Nam Á đã ghi nhận đợt bùng phát sốt xuất huyết tồi tệ nhất từ trước đến này với 658.301 trường hợp. Trong số này, Philippines ghi nhận 359.605 trường hợp, Malaysia ghi nhận 106.660 trường hợp và tại Việt Nam là 108.927 trường hợp.
Dữ liệu năm 2020 vẫn đang được tổng hợp. Tính đến tháng 10/2020, Philippines có 69.185 ca mắc sốt xuất huyết, Malaysia có 80.590 câ và Việt Nam có 70.585 ca.
Em bé chơi trong màn chụp ngăn muỗi đốt tại Manila. Ảnh: AFP
Scott O’Neill, người sáng lập kiêm giám đốc Chương trình Muỗi Thế giới - một sáng kiến phi lợi nhuận toàn cầu, cho biết kết quả nghiên cứu của Brazil là “đáng quan tâm nhưng hiện tại chưa đủ để ám chỉ bất kỳ mối quan hệ nhân quả nào giữa bệnh sốt xuất huyết và COVID-19”.
Ông Scott nói: “Nguyên nhân sinh học hoặc cơ học thì vẫn chưa có đủ bằng chứng. Tình trạng nghèo đói có thể làm tăng khả năng phơi nhiễm với cả bệnh sốt xuất huyết và COVID-19. Bên cạnh đó, nguy cơ lây nhiễm virus sốt xuất huyết thường xảy ra trong một khu vực nhỏ như nhà ở hay khu dân cư. Với các lệnh phong tỏa hiện giờ để ngăn virus SARS-CoV-2 lây lan, các ca bệnh sốt xuất huyết có thể xuất hiện nhiều hơn”, ông Scott chỉ ra.
Tiến sĩ Raman Velayudhan, nhà khoa học tại Cơ quan Kiểm soát Bệnh nhiệt đới của WHO, cho biết những người mắc sốt xuất huyết hoặc COVID-19 đều có các triệu chứng giống nhau, bao gồm sốt, đau đầu và đau cơ. Tình trạng này có thể làm phức tạp thêm quá trình chẩn đoán và xử lý ca bệnh.
Tiến sĩ Raman khuyến khích các nước ASEAN nỗ lực gấp đôi giảm số lượng muỗi sinh sản trước mùa mưa, thường bắt đầu vào tháng 6 và kết thúc vào khoảng tháng 10 hàng năm.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Pangestu ở NUS cũng cho rằng các quốc gia nên tập trung tiêm vaccine ngừa sốt xuất huyết để ngăn chặn “các cuộc khủng hoảng trong tương lai nếu như họ thực sự phải đối mặt với hai bệnh dịch cùng một lúc”.
Tuy nhiên, chương trình tiêm phòng sốt xuất huyết tại châu Á cho đến nay vẫn chưa phổ biến. Thậm chí, người dân Philippines còn lo sợ tiêm vaccine phòng sốt xuất huyết trong nhiều năm qua do sự việc liên quan đến vaccine Dengvaxia do Pháp sản xuất
Vào giữa năm 2016, Philippines đã triển khai chương trình tiêm phòng bệnh sốt xuất huyết tại các trường học công lập hướng tới đối tượng là khoảng 1 triệu trẻ em 9 tuổi.
Khoảng hai năm sau đó, nhà sản xuất Sanofi Pasteur của Dengvaxia tiết lộ vaccine này có thể khiến những người được tiêm chủng có nguy cơ mắc sốt xuất huyết nặng hơn và nhập viện cao hơn so với những người chưa được tiêm. Tại thời điểm này, đã có trên 800.000 trẻ em được tiêm vaccine Dengvaxia.
Vụ việc đã khiến công chúng hoảng loạn và dần đánh mất niềm tin vào việc tiêm phòng bệnh sốt xuất huyết. Cho đến nay, chưa đến 4% trong tổng số dân 108 triệu của Philippines nhận được mũi tiêm vaccine Dengvaxia.
Trong khi đó, tại Indonesia, Tiến sĩ Harapan Harapan - một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại khoa y Đại học Syiah Kuala - cho biết tính đến thời điểm hiện tại, quốc gia này chưa triển khai bất kỳ nỗ lực nào trên quy mô quốc gia về việc tiêm ngừa bệnh sốt xuất huyết.
Các lựa chọn vaccine hiện có bao gồm vaccine Takeda của Nhật Bản vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Chính phủ Indonesia sẽ cân nhắc loại vaccine này trước khi đưa chúng vào danh sách khuyến nghị thuốc quốc gia.
“Ở Indonesia, không bắt buộc phải tiêm vaccine phòng bệnh sốt xuất huyết, cũng như chính phủ có rất ít chương trình trợ cấp cho những loại vaccine này. Tiêm vaccine ngừa COVID-19 hiện cũng không phải là bắt buộc, song các cấp chính quyền vẫn khuyến khích công nhân viên chức đi tiêm”, Tiến sĩ Harapan chia sẻ.