Tự hào là quê hương của 2 Tổng Bí thư của Đảng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các địa phương không ngừng đoàn kết, nỗ lực vươn lên, viết tiếp những trang sử hào hùng của các bậc tiền nhân.
Quê hương cách mạng vươn mình
Tùng Ảnh là 1 trong 2 xã đầu tiên của tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM kiểu mẫu vào tháng 1/2021.
Nói đến Tùng Ảnh (Đức Thọ) là nói đến xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu điển hình, là cái nôi của cách mạng và truyền thống hiếu học khoa bảng; nơi sinh ra đồng chí Trần Phú, nhà cách mạng kiệt xuất - vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.
Những hàng rào xanh, cổng nhà bằng cây duối lâu năm đã trở thành nét đặc trưng riêng có ở Tùng Ảnh.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của đất nước, Tùng Ảnh có hơn 4.000 người lên đường nhập ngũ, trong đó có 293 người con đã nằm lại tại các chiến trường; có 426 thương binh, bệnh binh, 19 Mẹ Việt Nam anh hùng. Xã có 6 vị lão thành cách mạng, 18 cán bộ tiền khởi nghĩa. Tùng Ảnh cũng là quê hương của lãnh tụ phong trào yêu nước Phan Đình Phùng, học giả Bùi Dương Lịch, Lê Bôi.
Ở bất cứ thời kỳ nào, Tùng Ảnh cũng đều có người đỗ đạt cao, cống hiến sức lực và trí tuệ cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Tính từ thời Cần Vương (cuối thế kỷ XIX) đến nay, toàn xã Tùng Ảnh đã cống hiến cho đất nước trên 1.000 giáo sư, tiến sỹ.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh Phan Tiến Dũng.
Ông Phan Tiến Dũng - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Tùng Ảnh khẳng định: “Truyền thống khoa bảng, cách mạng đã hun đúc cho các thế hệ người dân Tùng Ảnh phẩm chất hiếu học, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, kiên cường, anh dũng trong chiến đấu và quyết tâm, đoàn kết, đồng thuận trong xây dựng cuộc sống mới”.
Nhà văn hóa thôn Châu Tùng, xã Tùng Ảnh.
Bởi vậy, từ một xã thuần nông, Tùng Ảnh đã có những bước tiến mạnh mẽ trong thực hiện mục tiêu phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với dịch vụ. Đến cuối năm 2020, tỷ trọng nông nghiệp của xã chỉ còn dưới 12%; thu hút 3 doanh nghiệp lớn vào địa bàn, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trong và ngoài xã; thu nhập bình quân đầu người đạt 54 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,95%; có 10/12 thôn đạt danh hiệu làng văn hóa; 12/12 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu… Tùng Ảnh trở thành 1 trong 2 xã đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn NTM kiểu mẫu vào tháng 1/2021.
Tự hào là người con của quê hương Tổng Bí thư Trần Phú, ông Mai Xuân Tam (thôn Châu Nội) và những người dân Tùng Ảnh càng trân trọng những giá trị mà cán bộ và Nhân dân đã đoàn kết xây đắp nên.
Ông Mai Xuân Tam (thôn Châu Nội) tự hào chia sẻ: “Hơn 70 năm sinh ra và lớn lên ở đây, tôi đã chứng kiến biết bao đổi thay của địa phương. Trong những năm xây dựng NTM, quê hương có sự phát triển vượt bậc, từ hạ tầng cơ sở đến cảnh quan môi trường, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ nét. Tự hào là người con của quê hương Tổng Bí thư Trần Phú, chúng tôi càng trân trọng những giá trị mà cán bộ và Nhân dân đã đoàn kết xây đắp nên”.
Nông thôn mới, sức sống mới
Làng Kim Nặc, nay là thôn Hưng Thắng, xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên) - nơi đồng chí Hà Huy Tập cất tiếng khóc chào đời là một vùng quê nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng.
Nông thôn mới đang mang đến một diện mạo mới, sức sống mới trên quê hương của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập.
Những năm qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, khu dân cư NTM kiểu mẫu, cán bộ và Nhân dân trong thôn đã đoàn kết một lòng, tranh thủ tiềm năng, phát huy nội lực, đổi mới tư duy để Hưng Thắng đổi thay về mọi mặt, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên.
Phát huy tiềm năng, lợi thế đất đai dồi dào, bên cạnh chỉ đạo phát triển vườn mẫu theo hướng chú trọng tiêu chí thu nhập từ cây trồng, vật nuôi, thôn Hưng Thắng đã tập trung phát động rộng rãi phong trào cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây hàng hóa cho thu nhập cao như: đào phai, các loại cây ăn quả có múi…
Mỗi năm, vào dịp lễ lớn của quê hương, đất nước, ông Hà Huy Sửu - hậu duệ của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập lại treo cờ Tổ quốc trong niềm tự hào về quê hương, dòng họ.
Niềm tự hào về quê hương của cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập càng được nhân lên khi khu dân cư NTM kiểu mẫu Hưng Thắng nói riêng và xã NTM Cẩm Hưng nói chung đang hừng hực khí thế thi đua để giữ vững và phát huy thành quả NTM mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân đã đổ mồ hôi chung tay xây dựng.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo để vừa đạt được kết quả cao trong xây dựng NTM, vừa đảm bảo yêu cầu công tác phòng, chống dịch bệnh.
Phát huy lợi thế vườn đồi, người dân thôn Hưng Thắng, xã Cẩm Hưng trồng các loại cây ăn quả có múi…
Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2021, người dân toàn xã đã hiến 658 m2 đất và 320m tường rào; làm mới 353m đường ngõ xóm; xây mới gần 1 km bồn trồng hàng rào xanh; thay mới 7 km đường điện; xóa bỏ 39 vườn tạp, chỉnh trang 563 vườn hộ...
NTM đang mang đến một diện mạo mới, sức sống mới trên quê hương của cố Tổng Bí thư. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của Cẩm Hưng đạt 38,5 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo còn 1,87%; tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 4%...
Đường về làng Kim Nặc (xưa), thôn Hưng Thắng nay.
Ông Nguyễn Đình Dũng - Bí thư Đảng ủy xã Cẩm Hưng phấn khởi chia sẻ: “Có được kết quả như ngày hôm nay, ngoài một số tiềm năng, lợi thế về tự nhiên, con người thì một trong những yếu tố quan trọng đó là niềm tự hào và trách nhiệm của các thế hệ người dân trên quê hương cố Tổng Bí thư đã hun đúc, cổ vũ, tạo động lực mạnh mẽ để khắc phục mọi khó khăn vươn lên... Trên nền tảng vững chắc, Đảng bộ và Nhân dân xã nhà đã đề ra mục tiêu và quyết tâm xây dựng thành công xã NTM nâng cao vào cuối năm 2023”.
Hôm nay đi trên vùng đất Cẩm Hưng, những con đường rộng mở, những đồng lúa trải dài tít tắp, những vườn đào, vườn rau xanh mướt đang minh chứng cho sự đoàn kết và nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân trên quê hương cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập.
Đồng chí Trần Phú sinh năm 1904 tại xã Tùng Ảnh (Đức Thọ); lớn lên trong một gia đình trí thức, sớm tham gia hoạt động cách mạng. Năm 1925, đồng chí cùng một số người Việt Nam yêu nước sáng lập Hội Phục Việt, sau đổi là Hội Hưng Nam rồi lại đổi thành Việt Nam Cách mạng Đảng. Tháng 10/1930, đồng chí chủ trì Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ nhất tại Hương Cảng (Trung Quốc) và đề ra Luận cương chính trị của Đảng. Tại hội nghị này, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Năm 1931, bị thực dân Pháp bắt và tra tấn dã man nhưng đồng chí Trần Phú vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản. Đồng chí đã hy sinh khi vừa tròn 27 tuổi với câu nói bất hủ “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Câu nói đó đã trở thành lời hiệu triệu bất hủ cho muôn đời sau. Đồng chí Hà Huy Tập sinh năm 1906, trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay thuộc xã Cẩm Hưng (Cẩm Xuyên). 35 tuổi đời, trải qua gần 16 năm hoạt động cách mạng, trong đó có gần 2 năm giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng (tháng 7/1936 - 3/1938) với nhiều bí danh và tên gọi khác nhau, đồng chí Hà Huy Tập đã có nhiều chủ trương, quyết sách cùng với tập thể BCH Trung ương lãnh đạo cách mạng nước ta vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Đồng chí bị thực dân Pháp xử bắn vào ngày 28/8/1941. Câu nói khảng khái của đồng chí trước tòa án kẻ thù “Tôi chẳng có gì phải hối tiếc, nếu còn sống tôi sẽ tiếp tục hoạt động”, lời hô vang “Cách mạng muôn năm” trước khi hy sinh, cùng với sự nghiệp cách mạng của đồng chí để lại cho Đảng và Nhân dân ta đã trở thành động lực to lớn, tiếp lửa cách mạng cho bao thế hệ cán bộ, đảng viên và người dân yêu nước qua các thời kỳ. |