“Dọn rác như dọn sạch tâm hồn mình”
Khó tìm thấy một mẩu rác trên những phố đi bộ và mua sắm ở Nhật Bản
Suốt một tuần di chuyển từ thành thị đến nông thôn, qua nhiều tỉnh và nhiều thành phố lớn của Nhật Bản như Tokyo, Jamanasi, Kyoto, Osaka, Nagoya, Chiba… chúng tôi đều khó nhìn thấy một cọng rác và những đám bụi bẩn bám trên đường phố.
“Nếu Việt Nam mình đưa rác ra đường thì người Nhật Bản đưa rác vào nhà, bởi, với họ, rác là tài nguyên”, Nguyễn Hữu Quân - hướng dẫn viên của Vietravel, người hiểu biết sâu sắc về đất nước mặt trời mọc, lý giải.
Quả đúng như lời Quân, dọc các tuyến đường lớn đã đành, trong các con phố nhỏ cũng ít thấy thùng rác công cộng. Người Nhật thấy rác là nhặt bỏ vào túi nilon hoặc cầm trên tay đưa vào nhà, phân thành 4 loại: hữu cơ, vô cơ, chất thải rắn, rác tái chế… và theo giờ hẹn họ đưa rác cho các xe chuyên dụng chở đi.
Người lớn nhặt, thanh niên nhặt, trẻ em nhặt, lâu ngày thành thói quen.
Đêm khuya, các loại xe làm sạch đường phố bắt đầu với việc hút bụi, rửa đường. Những ai trở về từ nước Nhật sau một tuần đều nhìn xuống đế giày của mình, trầm trồ: không vết bụi bẩn! Đường phố của họ còn sạch hơn nhà mình! Tất cả đều sạch nên nguồn nước uống cũng sạch.
Trong khách sạn, theo lời hướng dẫn viên, chúng tôi đã uống nước tại bồn rửa mặt, và tất nhiên, không hề hấn gì.
Bỏ rác vào thùng ở một cửa hàng thuộc thị trấn Gotemba tỉnh Kawashimata
Dọc hành trình, chúng tôi dừng chân nghỉ ngơi ở thị trấn Kotemba của tỉnh Jamanasi. Một cửa hàng nhỏ thôi nhưng nhà vệ sinh vô cùng sạch sẽ và hệ thống thùng rác phân thành 4 loại.
Là điểm dừng của nhiều xe cộ nên nhiều người mang rác từ trên xe xuống bỏ vào thùng rác, khách mua hàng đương nhiên không ai vứt rác xuống sân hay vỉa hè.
Còn tại các điểm đông người tham quan du lịch như công viên Hoàng cung ở Tokyo, chùa Vàng, chùa Thanh Thủy ở cố đô Kyoto, thành cổ Osaka cũng tịnh không thấy một mẩu rác. Nếu khách du lịch có lỡ tay làm rơi rác xuống mặt đường thì nhân viên khu di tích hoặc người Nhật ngay lập tức nhặt lên, giữ trong tay mình, chờ đến điểm bỏ rác thả vào.
Hầu hết người dân đều nhét rác vào hành lý của mình chờ đưa về nhà bỏ nên ngay tại những khu di tích đông đúc người, ngoài ít lá vàng rụng dưới gốc cây, còn lại không hề thấy rác.
Hàng quán ở Hoàng cung tuyệt nhiên không có, thành cổ Osaka cũng không, chỉ có bên ngoài Chùa Vàng và chùa Thanh Thủy là được phép bán các loại bánh kẹo, đồ ăn nhưng cũng chẳng thấy ai vứt rác xuống đường.
Học sinh tan học, cũng ăn quà nhưng không xả rác, đi đúng phần đường của mình
“Với người Nhật, họ quan niệm dọn rác sạch sẽ thì tâm hồn mình cũng sạch. Tín ngưỡng đầu tiên của người Nhật là Thần đạo và ảnh hưởng phái Thiền của Trung Quốc từ thế kỷ 12 nên họ luôn làm sạch tâm hồn từ những điều giản dị” - Quân giải thích thêm với tôi.
Tuy tin lời Quân, song tôi vẫn có một suy nghĩ khác: Đó là kết quả của tư tưởng “làm sạch tâm hồn” với nếp sống văn minh học được từ châu Âu.
Từ thế kỷ 18, người Nhật đã có tư tưởng tiệm cận với nền văn minh phương Tây mà ở đó, môi trường sống luôn được quản lý chặt chẽ. Sự “cưỡng chế” của Nhà nước đối với văn minh đô thị cùng ý thức cao của người dân đã khiến Nhật Bản trở thành nước đứng đầu thế giới về độ sạch của môi trường.
Cảng Kobe sôi động mà vẫn sạch sẽ, bình yên
Người Việt hãy hành động để thay đổi!
Câu chuyện ứng xử với môi trường của người Việt hiện nay tuy có nhiều biến chuyển, nhất là trong trường học, cơ quan, công sở, sân bay, một số làng quê nông thôn mới..., nhưng điều buồn là trên các vỉa hè, đường phố, nơi công cộng, nhất là nơi đông người như: Lễ hội, bãi biển, quán ăn, đám cưới…, người dân vẫn xả rác “vô tội vạ”.
Không ít người quen với việc vào quán ăn, dự các tiệc cưới xong vứt rác xuống nền nhà vì đơn giản “đó không phải là nhà mình”.
Nhiều người dân chúng ta cũng không thấy khó chịu khi gặp những đống đất đá lổn nhổn, lá, giấy… tấp bên vỉa hè vì vốn đã “quen mắt”.
Kinh tế khá lên, nhiều người giàu có đi xe tiền tỷ nhưng việc hạ kính xe để vứt rác là không hiếm gặp.
Người lớn làm trước mặt trẻ em, trẻ em làm theo người lớn. Nguy hại hơn là việc vứt xác súc vật chết ra đường, ra ao hồ, kênh rạch, đầu nguồn nước làm lan truyền bệnh dịch, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.
Ở Hà Tĩnh vẫn còn hiện tượng rác được chất thành đống ngoài vỉa hè
Khẩu hiệu của Đoàn thanh niên, các tổ chức hội, các nhóm trẻ có rất nhiều như: “Làm cho thế giới sạch hơn!”, “Bảo vệ môi trường là bảo vệ cuộc sống của chúng ta!”…, nhưng tất cả vẫn chỉ có tác dụng nhất thời vì ý thức làm đẹp, làm sạch nơi công cộng chưa ăn sâu vào tâm tưởng mỗi người.
“Hành động để thay đổi” tốt nhất hiện nay là cơ chế xử phạt nghiêm minh với hành vi xả rác nơi công cộng. Còn tại các quán ăn, nhà hàng, tiệc cưới…, gia chủ nên đặt giỏ rác kèm theo lời nhắc nhở bằng giấy hoặc bằng miệng. Nước láng giềng với ta là Trung Quốc đã làm và đạt kết quả.
Bên cạnh việc tiếp tục truyền thông mạnh mẽ, Việt Nam cần nhanh chóng, triệt để đưa công tác xử lý vi phạm môi trường đi vào nề nếp, nhằm tạo ra sự thay đổi trong thời gian ngắn.