Người dân xã vùng sâu Hà Tĩnh vật vã trong hạn hán lịch sử

(Baohatinh.vn) - Nắng hạn kéo dài đang đẩy người dân xã vùng sâu Hương Lâm (Hương Khê, Hà Tĩnh) vào tình thế khó khăn chưa từng thấy do thiếu nước sinh hoạt cũng như sản xuất trên diện rộng.

Hằng ngày, chị Võ Thị Minh Thương phải bỏ hết công việc khác để chắt từng giọt nước quý giá

Hơn một tháng nay, giếng nước của gia đình chị Võ Thị Minh Thương cũng như hầu hết các hộ dân ở thôn 7 bị cạn kiệt trơ đáy. Chạy ngược chạy xuôi xin nước mãi cũng không đành nên mặc dù rất khó khăn, chị cũng vay mượn để đóng góp trên 12 triệu đồng cùng một số hộ dân đầu tư đường ống dẫn nước từ khe núi về sử dụng.

Tuy nhiên, sau 2 đợt nắng nóng liên tiếp gần đây, nguồn nước này đã không còn. Gia đình chị lại phải sống trong cảnh chạy xin nước từng bữa tại các hộ sử dụng giếng khoan.

Người dân xã nghèo đã chung vốn đầu tư nhiều chục triệu đồng để lấy nước từ khe núi dài hàng nghìn mét về dùng nhưng mùa hè năm nay nắng hạn kéo dài nên nguồn nước không đủ sử dụng

“Thiếu thốn quá thì phải đánh liều đi xin nước thôi, chứ nguồn nước khoan cũng có hạn, chính người có giếng cũng phải tằn tiện lắm mới duy trì được các sinh hoạt tối thiểu… Bây giờ chỉ còn cách là sử dụng nước tiết kiệm tối đa và học cách thích nghi với việc thiếu nước thôi để chờ trời mưa” - chị Võ Thị Minh Thương bày tỏ.

Cũng chung tình trạng như nhà chị Thương, nhưng nhà hàng xóm - chị Đoàn Thị Thuận tiếp tục đầu tư một giếng khoan với kinh phí hơn chục triệu đồng. Tuy nhiên, trong đợt hạn dai dẳng này, nguồn nước chỉ còn đủ để ăn, uống, còn mọi sinh hoạt khác đều phải nhờ đến nguồn nước khe suối cách nhà khoảng 3km.

Chị Thuận cho biết, nước suối đã cạn nên không còn sạch, trẻ em và phụ nữ tắm rửa, giặt giũ bằng nguồn nước này nhiều hôm về hết sức ngứa ngáy nhưng cũng chẳng còn cách nào khác.

Giếng khoan của gia đình chị Đoàn Thị Thuận(bìa phải) cũng không còn nước

Đến thời điểm này, 100% số giếng đào trên địa bàn xã Hương Lâm đã bị khô cạn. Ngoài hàng trăm gia đình sử dụng ống dẫn từ khe núi, toàn xã có khoảng một chục giếng khoan với độ sâu hàng chục mét, hiện đang sử dụng hết công suất để phục vụ gia đình và chia sẻ nước sinh hoạt cho các hộ lân cận.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Lê Hữu Phúc, việc khoan giếng để lấy nước trong thời điểm hiện nay là rất cần thiết nhằm giảm bớt khó khăn do thiếu nước sinh hoạt. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất của giải pháp này là chi phí khoan giếng quá cao so với điều kiện kinh tế của bà con. Hơn nữa, với địa bàn vùng cao, tỷ lệ giếng có nước khá thấp và kể cả những giếng có nước cũng không sử dụng được lâu nếu trời tiếp tục nắng nóng kéo dài.

Trên vùng đồng 2 vụ lúa thôn 8 một số thửa ruộng đã được cày nhưng không có nước nên phải bỏ hoang

Không chỉ thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt, hầu hết các diện tích trồng lúa cũng như cây hoa màu của xã Hương Lâm đều lâm vào cảnh khô cháy hoặc không thể sản xuất do thiếu nước quá lâu.

Cánh đồng lúa 2 vụ của thôn 8 và thôn 6 có tổng diện tích trên 16 ha, vụ hè thu này chỉ có trên dưới 3 ha được xuống giống nhưng diện tích này cũng đang đứng trước nguy cơ bị cháy do nắng hạn. Sau một thời gian cố gắng chăm sóc, hiện tại nhiều diện tích người dân đã bỏ bê vì không còn hy vọng phục hồi.

Một số diện tích dù người dân cố xoay xở để gieo cấy thì lúa không thể phát triển được do thiếu nước

“Vụ hè thu này gia đình tôi phải “xoay” đủ thứ mới có nước để sản xuất 3 sào ruộng trên cánh đồng này, nhưng kể từ khi xuống giống đến nay, không hề có một giọt mưa, nguồn nước tưới thì khô cạn từ lâu nên diện tích này gần như mất trắng. Nếu biết thế này thì đừng làm để không mất tiền, mất công sức” - ông Đinh Văn Tình (thôn 8) buồn bã nói.

“Chưa có năm nào thấy hạn hạn kéo dài như năm nay. Trước đây, diện tích này cũng bị ảnh hưởng bởi hạn hán nhưng chỉ giảm năng suất thôi chứ năm nay gần như không có bất cứ một nguồn thu gì từ sản xuất nông nghiệp. Thời gian tới, người dân chúng tôi chưa biết nhìn vào đâu để ổn định cuộc sống” - Trưởng thôn 8 Dương Văn Nam lo lắng.

Kênh dẫn nước từ đập Moi Roi về cánh đồng của thôn 8 và thôn 6 từ lâu đã bị trơ đáy

Trên phạm vi toàn xã, ông Lê Hữu Thức - Phó Chủ tịch UBND xã Hương Lâm cho biết, Hương Lâm chỉ có trên 80 ha đất nông nghiệp thì đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng qua các đợt hạn hán vừa qua.

“Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày, tuy nhiên thiếu nước sinh hoạt có thể go ghép, khắc phục để vượt qua; còn thiếu nước cho sản xuất là cả một thách thức lớn đối với xã nghèo Hương Lâm khi nguồn lương thực sẽ bị thiếu hụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của bà con trong thời gian tới” - Phó Chủ tịch UBND xã Lê Hữu Thức trăn trở.

Chủ đề Hạn hán - Thiên tai

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói