Người khuyết tật Hà Tĩnh mong có thêm đường tiếp cận để dễ đi lại

(Baohatinh.vn) - Đường di chuyển dành cho người khuyết tật hệ vận động giúp họ chủ động hơn trong việc đi lại và dễ dàng tiếp cận các dịch vụ công cộng. Tuy nhiên, hiện nay hạng mục này chưa được chú trọng khi xây dựng các công trình trên địa bàn Hà Tĩnh.

Lối tiếp cận dành cho người khuyết tật tại các công trình giúp họ chủ động hơn trong sử dụng dịch vụ

Bị khuyết tật vận động, bao năm nay, ông Trần Đình Đông (thôn Phú Xuân – xã Thạch Bằng - Lộc Hà) gắn bó với chiếc xe lăn. Nếu như trước đây, ông chỉ quanh quẩn ở gần nhà, không bao giờ nghĩ đến việc lên ủy ban, văn phòng hội người khuyết tật để giải quyết các thủ tục hành chính thì nay, mỗi khi có việc ông đã lên làm việc tực tiếp.

Ông Đông cho biết: “Từ ngày xã xây dựng hạng mục đường tiếp cận cho người khuyết tật, tôi chủ động hơn nhiều. Trước đây, có việc gì ở ủy ban xã đều phải nhờ người nhà đi hộ, giờ thì tôi có thể trực tiếp làm việc với cán bộ các bộ phận. Vừa được ra ngoài tiếp cận với các dịch vụ công cộng, vừa đỡ phụ thuộc vào người khác, tôi cũng thấy cuộc sống vui và ý nghĩa hơn nhiều.”

Đường tiếp cận cho người khuyết tật không chỉ phát huy tác dụng tại các công trình công cộng như ủy ban, trường học, bệnh viện… mà còn rất cần thiết tại mỗi gia đình có người dùng xe lăn, xe lắc.

Từ ngày có đường tiếp cận, mẹ em Hoàng Đình Dũng không còn phải bế con mỗi lần lên xuống thềm nhà

Bị bại liệt sau một cơn sốt lúc tròn 8 tháng tuổi, đã 15 năm nay, mọi sinh hoạt cá nhân của em Hoàng Đình Dũng ở thôn Đồng Bàu, xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của người thân trong gia đình.

Bà Trần Thị Hồng - mẹ em Dũng cho biết: “Mặc dù có xe lăn nhưng mỗi khi Dũng muốn lên xuống thềm nhà là phải có người bế. Hồi bé thì còn đỡ, nhưng giờ Dũng đã lớn, bế không cẩn thận thì nhiều khi cả mẹ cả con cùng bị ngã. Năm 2012, Hội Bảo trợ người khuyết tật của xã đã xây cho em một đường tiếp cận, việc di chuyển của em dễ dàng, bố mẹ cũng không phải vất vả bế em lên xuống như trước nữa.”

Được biết, vật liệu, nhân công để hoàn thành đường tiếp cận cho người khuyết tật tại gia đình đều được hỗ trợ bằng nguồn kinh phí của Hội Bảo trợ người khuyết tật và huy động từ sự đóng góp, ủng hộ của các nhà hảo tâm với số tiền từ 1,5 – 3 triệu đồng/đường.

Tuy rất cần thiết cho người khuyết tật trong cuộc sống hằng ngày, nhưng hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh chưa có nhiều địa phương chú trọng đầu tư hạng mục này.

Khó khăn về tiếp cận giao thông hạn chế rất nhiều khả năng hòa nhập cộng đồng của người khuyết tật

Theo số liệu từ Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh, hiện toàn tỉnh có 28.000 người khuyết tật, trong đó, 4.500 trường hợp đã được cấp xe lăn, xe lắc. Tuy nhiên, do hạn chế về điều kiện giao thông tiếp cận nên đa số không sử dụng hết công năng của xe. Họ chỉ sử dụng xe quanh quẩn trong nhà, ít khi đi đến những nơi công cộng vì mỗi lần muốn ra ngoài họ phải nhờ sự giúp đỡ của người khác.

Ông Dương Hữu Giáo - Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh trăn trở: “Người khuyết tật rất thiệt thòi trong cuộc sống, mọi giao tiếp với xã hội đều bị hạn chế. Đường tiếp cận là giải pháp khá hiệu quả giúp họ hòa nhập cộng đồng, nhưng hiện nay toàn tỉnh mới chỉ có 102 đường tiếp cận được xây dưng tại một số xã của huyện Cẩm Xuyên và Lộc Hà bằng nguồn kinh phí do cán bộ hội cấp xã huy động, đóng góp.

Nguồn kinh phí hạn hẹp, các cơ quan đoàn thể chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của giao thông tiếp cận đối với người khuyết tật nên hạng mục này gần như không được tính đến, không đầu tư mỗi khi xây dựng các công trình công cộng. Mong chính quyền các cấp, nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí để xây dựng đường giao thông tiếp cận tại các địa phương, giúp người khuyết tật nâng cao khả năng hòa nhập cộng đồng”.

Chủ đề Nhịp cầu nhân ái

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói