Ở tuổi 63, ông Nguyễn Thanh Bình vẫn luôn trăn trở với việc bảo tồn, gìn giữ phong tục hát sắc bùa, một nét văn hóa truyền thống của người dân thôn Phú Yên, xã Hương Xuân, Hương Khê (Hà Tĩnh) trong mỗi dịp tết đến xuân về.
Ông Nguyễn Thanh Bình đang sửa soạn trang phục cho phường sắc bùa chuẩn bị tập luyện dịp tết Nguyên đán Kỷ Hợi
Thôn Phú Yên, xã Hương Xuân là một trong số ít địa phương ở Hà Tĩnh vẫn còn giữ được nét phong tục độc đáo: Chúc tết bằng những câu hát sắc bùa. Ngày đầu năm mới, tiếng hát của phường sắc bùa lại vang lên trong thôn, cầu mong cho một năm mới gặp nhiều may mắn. Người có công giữ gìn nét phong tục của quê hương là cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình.
Năm 1975, ông Bình lên đường nhập ngũ. Suốt những năm tháng xa quê, ông vẫn thắc thỏm với âm thanh của tiếng trống sắc bùa trong những cái tết của tuổi thơ. Cuối năm 2009, đến tuổi nghỉ hưu, ông trở về sinh hoạt tại địa phương và bắt đầu dành mọi tâm huyết cho việc khôi phục lại phường hát sắc bùa thôn Phú Yên.
Bắt tay vào việc khôi phục phường sắc bùa, khó khăn nhất của ông Bình là làm nhạc cụ. Ông đã dày công đi khắp nhiều địa phương trong tỉnh để có thể tìm được các chất liệu làm bộ trống của phường sắc bùa (mỗi phường sắc bùa cần 1 trống cái, 2 trống cơm và 2 bộ sinh- loại nhạc cụ dùng để gõ phách, nhịp). Hễ nghe tin nơi nào có bán các chất liệu làm trống, ông đều tìm đến và hỏi mua, dù giá cả không hề rẻ. “Một mặt trống cơm phải được làm bằng da kỳ đà, mặt còn lại là da trăn, còn bộ sinh phải làm bằng gỗ trắc thì âm thanh mới vang, mới chuẩn” - ông Bình chia sẻ.
Cụ Nguyễn Văn Phái (phải) là người đã tặng cho ông Bình bộ khung trống còn giữ lại được của phường sắc bùa ngày trước
Nhiệt huyết của ông đã thu hút được sự góp sức của nhiều người, có gia đình ông cụ trong thôn tặng một bộ khung trống của phường hát sắc bùa ngày trước, có người ở xã khác tặng ông vài cân gỗ trắc để làm nhạc cụ. Ông Bình đã được tiếp thêm động lực để tiếp tục công việc đầy tâm huyết của mình.
Lo xong nhạc cụ, ông Bình lại lặn lội tìm thầy giỏi để dẫn dắt phường sắc bùa. Những người ở trong xã có kinh nghiệm, am hiểu về loại hình nghệ thuật này đều được ông mời về. Ngoài ra, ông cũng nghiên cứu trang phục truyền thống của phường hát sắc bùa để trang bị cho phù hợp. Theo ông Bình, trang phục truyền thống gần giống với áo bà ba ngày xưa, màu đỏ, màu vàng hoặc màu gụ, trên đầu chít khăn. “Tôi thấy một số nơi người ta mặc áo dài đi hát sắc bùa là không đúng so với trang phục ngày trước” - ông Bình chia sẻ thêm.
Sắc bùa đang dần trở thành một “món ăn tinh thần” không thể thiếu của người dân thôn Phú Yên
Những nỗ lực của ông cuối cùng cũng gặt hái được thành quả. Năm 2010, phường sắc bùa thôn Phú Yên có buổi khai trống đầu tiên tại nhà văn hóa xã Hương Xuân vào ngày mồng 6 tết (âm lịch). Buổi khai trống thu hút đông đảo người dân đủ mọi tầng lớp, từ già đến trẻ tham gia. Họ vui mừng vì nét văn hóa xưa bị lãng quên suốt nhiều năm đang dần được khôi phục. Từ đó, phường sắc bùa Phú Yên thường tham gia chúc tết các gia đình trong thôn hay các hoạt động văn nghệ trong và ngoài xã.
Ông Dương Bá Mận - Trưởng phường sắc bùa thôn Phú Yên cho biết: “Tục hát sắc bùa bị lãng quên trong suốt hơn 40 năm. Từ khi phường sắc bùa được tổ chức lại, phong trào văn hóa văn nghệ trong thôn ngày càng được nâng cao, không khí đón tết ngày xuân cũng vui vẻ hơn so với trước. Điều đáng mừng là lớp thanh niên trong làng ngày tết cũng đi xem sắc bùa, từ đó giảm được các vấn nạn như rượu chè, bài bạc”.
Phường sắc bùa thôn Phú Yên tham gia Liên hoan Nghệ thuật quần chúng 2018 tại Hương Khê.
Trong suốt chặng đường khôi phục lại nét phong tục xưa, điều khiến ông Bình vui nhất là người dân trong xã vẫn dành tình yêu cho loại hình văn hóa này. “Khi nghe thấy tiếng trống, các cụ trong làng đều đến rất đông. Có cụ ông trong thôn năm nay đã hơn 80 tuổi, nhưng vẫn nhớ được, hát theo được làn điệu sắc bùa. Có người ở cách đây 5km, đường đi lại khó khăn, nhưng đêm nào cũng sang đây hát sắc bùa”.
Chúc tết bằng những câu hát sắc bùa vốn là nét văn hóa truyền thống đã có từ lâu của Hà Tĩnh nói chung và của xã Hương Xuân, huyện Hương Khê nói riêng. Để bảo tồn được giá trị của nó, rất cần những người có tâm huyết như ông Nguyễn Thanh Bình.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hương Xuân Trịnh Xuân Thắng: Địa phương mong muốn và sẵn sàng hỗ trợ để khôi phục, bảo tồn phong tục hát sắc bùa. Tuy nhiên, ngân sách của xã vẫn còn hạn hẹp nên việc đầu tư, phát triển các phường sắc bùa gặp nhiều khó khăn. |