So với ngày của Mẹ ra đời từ khá sớm, ngày của Cha xuất hiện muộn hơn và ban đầu ít người chú ý. Ngày nay, ngày của Cha được kỷ niệm và tổ chức rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam.
Năm 2022, ngày của Cha sẽ rơi vào Chủ nhật ngày 19.6.
Ngày của Cha được biết đến sớm nhất diễn ra ở Fairmont, bang West Virginia, Mỹ, vào ngày 5.7.1908. Sự kiện được khởi xướng bởi người phụ nữ có tên Grace Golden Clayton. Bà mong muốn vinh danh cuộc đời của người cha đã qua đời trong thảm họa khai thác mỏ Monongah vào ngày 6.12.1907.
Tới năm 1966, Tổng thống Mỹ khi đó là Lyndon Johnson quyết định chọn ngày Chủ nhật thứ 3 trong tháng 6 hàng năm là ngày của Cha trên toàn nước Mỹ. Ngày của Cha được công nhận là một ngày lễ chính thống của Mỹ kể từ năm 1972 do Tổng thống Richard Nixon ký vào điều luật.
Ngày của Cha là dịp để tri ân những người đàn ông trụ cột trong gia đình. Ảnh: iStock.
Trên thực tế, con cái thường dễ bày tỏ tình cảm với người mẹ. Trong gia đình, người cha thường là tấm gương cho con, có cách dạy con nghiêm khắc, nề nếp.
Vì vậy, nhiều người lớn lên từ các gia đình Châu Á thường khó gần gũi, thân thiết với người bố. Vì vậy, ngày của Cha sẽ là dịp để con cái bày tỏ tình cảm, gắn kết với cha.
Ngày của Cha được tổ chức rộn ràng nhất tại Mỹ. Người dân thường tổ chức nhiều lễ hội, diễu hành, kèn trống để ăn mừng.
Ở một số quốc gia khác, ngày của Cha không rầm rộ như ở Mỹ nhưng quà tặng cha được bày bán khắp nơi. Những người cha trong gia đình cũng có một ngày lễ riêng để được tôn vinh, yêu thương.
Ngày lễ tri ân người thân trong gia đình như ngày của Cha là một món quà ý nghĩa, chứa đựng tấm lòng của con cái đối với cha mình. Đây vừa là nét đẹp trong cách đối nhân xử thế, vừa là dịp để gia đình quây quần, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống.