Nguyễn Du với quê hương Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Một vùng văn hóa đặc sắc là nơi sinh ra những người con ưu tú trên các lĩnh vực của văn minh vật chất và văn minh tinh thần. Xứ Nghệ là một vùng như thế. Hà Tĩnh là một vùng như thế. Ở thời điểm năm 2015, vùng đất ấy, rộng là Xứ Nghệ và hẹp là Hà Tĩnh có hai đối tượng được nhân loại tôn vinh là Di sản và Danh nhân văn hóa thế giới. Di sản, đó là ví giặm. Danh nhân, đó là Nguyễn Du. Một, nằm trong tổng thể văn hóa dân gian rất giàu bản sắc Việt. Một là sự kết tinh ở đỉnh cao giá trị của chủ nghĩa nhân văn Việt, của văn chương Việt và của ngôn ngữ Việt.

Trên bến Tam Soa

Trong tương quan gắn bó, nói đất là nói người và nói người là nói sự hiện thân, sự tỏa sáng bền lâu của đất. Vậy, đất Hà Tĩnh là thế nào? Theo tôi, xét từ lịch sử, đó là đất học. Nhưng đó cũng còn là đất nghèo.

Đất học, đó là nơi sản sinh và gắn bó với các dòng họ trí thức lớn, nhiều đời khoa bảng, kết nối cho đến thời hiện đại; gắn với những tên đất, tên làng rạng danh trong cả vùng và cả nước, như Tiên Điền - Nghi Xuân; Trường Lưu - Can Lộc; Yên Hồ, Tùng Ảnh - Đức Thọ; Gôi Vỵ, Thịnh Xá, Xa Lang - Hương Sơn…

Đất nghèo, rất dễ hình dung qua Hàn nho phong vị phú của Nguyễn Công Trứ:

Ngày hai bữa vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no.

Đêm năm canh thức giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ.

Nghèo không phải lỗi ở đất mà là ở thể chế chính trị và phương thức sản xuất lạc hậu. Cần một hoặc nhiều cuộc cách mạng để thoát nghèo, trong đó, cuộc cách mạng vĩ đại nhất là Cách mạng tháng Tám - 1945 đem lại độc lập cho dân tộc và tự do cho con người. Cuộc cách mạng được lãnh đạo và dắt dẫn bởi một con người kiệt xuất là Hồ Chí Minh, cũng là người con Xứ Nghệ, cũng là Danh nhân văn hóa thế giới, năm 2015 này chẵn 125 năm sinh. Một trùng hợp ngẫu nhiên mà có ý nghĩa, khi đặt 125 năm sinh Hồ Chí Minh bên cạnh 250 năm sinh Nguyễn Du…

Tiếp đó, trong và sau 30 năm chiến tranh là những tìm tòi mới trong những cuộc cải cách và cách mạng lớn và nhỏ, có tiến và lùi, có thành công và thất bại, để mong thoát nghèo. Những cuộc cách mạng diễn ra gần như xen cài và liên tục, xuyên suốt nửa sau thế kỷ XX, với mục tiêu xa và bao trùm là xã hội chủ nghĩa, là quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội; và bây giờ là đổi mới và hội nhập. Dẫu có thay đổi tên gọi thì mục tiêu cuối cùng vẫn cứ là thoát nghèo.

Hà Tĩnh là đất học, nơi lừng lẫy những tên tuổi như Nguyễn Thiếp, Lê Hữu Trác, Nguyễn Du, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng…, thì thời cận đại, gối sang đầu hiện đại, vẫn có sự tiếp tục những tên tuổi đứng ở hàng đầu các lĩnh vực văn hóa, văn chương, học thuật, nghệ thuật dân tộc như: Ngô Đức Kế, Võ Liêm Sơn, Lê Thước, Hoàng Ngọc Phách, Phạm Khắc Hòe, Phan Anh, Nguyễn Tạo, Hà Huy Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Đổng Chi, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Phan Chánh, Điềm Phùng Thị… làm nên gương mặt văn hóa dân tộc nửa đầu thế kỷ XX.

Du khách ngắm bộ tranh phóng tác Truyện Kiều trong Khu lưu niệm cụ Nguyễn ở Tiên Điền - Nghi Xuân

Một câu hỏi còn đặt ra trong nửa sau thế kỷ là cái tên đất học có còn gắn với Hà Tĩnh nữa hay không? Trong công trình đồ sộ Những người con Hà Tĩnh trên mọi miền Tổ quốc do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật biên soạn và ấn hành cuối 2012 có tên 500 người thuộc các giới trí thức khoa học và văn chương, nghệ thuật có chức danh phó giáo sư trở lên, hoặc được tặng danh hiệu Nhà giáo, Thầy thuốc Nhân dân và Ưu tú…

Một vùng đất như thế, với những gương mặt người như thế phải là động lực cho sự phát triển lên một tầm mới hôm nay những giá trị nhân văn cao đẹp nhất - đó là hướng về Con người và tôn vinh Con người. Để cho “trăm năm trong cõi” không còn là mối xung đột siêu hình và hóa đá giữa Tài và Mệnh. Để cho “những điều trông thấy” không còn là những chuyện làm “đau đớn lòng”. Sẽ không còn lời than đứt ruột: “Đau đớn thay phận đàn bà” được Nguyễn Du nhắc đến 2 lần trong Truyện Kiều và Văn tế thập loại chúng sinh, nơi là quê hương của La Thị Tám, của 10 cô gái Đồng Lộc, của nhiều trăm Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Để cho cuộc sống chuyển hẳn sang những khúc vui - Khúc vui xin lại so dây cùng người (Tố Hữu).

“Những điều trông thấy” hôm nay, đó là những thay đổi chưa từng có trong lịch sử, nơi không chỉ có sông Rum - Ngàn Hống, Ngàn Phố - Ngàn Sâu, Giăng Màn - Thiên Nhẫn, chùa Hương - rừng quốc gia Vũ Quang, suối nước nóng Sơn Kim - bãi biển Thiên Cầm… vốn là những gì tự nhiên ban tặng. Bây giờ là những gì do con người tạo ra: đại thủy nông Kẻ Gỗ, Khu kinh tế Vũng Áng, mỏ sắt Thạch Khê, thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang, Khu cửa khẩu quốc tế Cầu Treo… Tất cả đều do con người và vì con người. Mong trong những nỗ lực sáng tạo ra cái mới hôm nay và mai sau có sự đóng góp của những giá trị tinh thần tuy vô hình nhưng vẫn rất gần gũi, cụ thể trong hiện hữu, mà lịch sử và các bậc tiền nhân đã tạo dựng, trong đó, có ngôi sao sáng nhất là Nguyễn Du - người con kiệt xuất của dân tộc Việt mà hôm nay không chỉ quê hương Hà Tĩnh mà cả nước và nhân loại ngưỡng vọng.

Cuối cùng, tôi cho rằng, việc khám phá các giá trị của Nguyễn Du và Truyện Kiều cần được soi sáng từ rất nhiều chiều và bất cứ lúc nào cũng là một công việc không có giới hạn. Nói cách khác, đó phải là một sự tiếp sức của rất nhiều thế hệ; mỗi thế hệ đón nhận và khai phá những khía cạnh mới do gợi mở của thời cuộc, và không bao giờ được gọi là kết thúc. Sau thời điểm 2015, chỉ còn 5 năm nữa, chúng ta sẽ đến với kỷ niệm 200 năm ngày mất Nguyễn Du. Cho đến thời điểm đó, tôi tin tưởng: một nhận xét như của Cao Bá Quát trước đây hơn 200 năm vẫn giữ nguyên sự sâu sắc, khi ông so sánh giá trị răn đời của Hoa tiên với giá trị hiểu đời của Truyện Kiều. Cũng vẫn rất sâu sắc ở nhận xét của một người đương thời với Nguyễn Du là Tiên phong Mộng Liên Đường chủ nhân, đúng vào năm 1820 - năm Nguyễn Du qua đời, khi ông viết về Truyện Kiều: “… Nếu không có con mắt trông suốt sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời, thì không tài nào có cái bút lực ấy”.

Tôi tin tưởng rằng: 5 năm nữa đến ngày giỗ 200 năm Nguyễn Du; hoặc 50 năm nữa đến cái giới hạn “ba trăm năm” gắn với một bâng khuâng của Nguyễn Du lúc sinh thời, rồi một nghìn năm sau trong tiên đoán của nhà thơ hiện đại Tố Hữu, Nguyễn Du và Truyện Kiều vẫn cứ mới mẻ, cứ tinh khôi trong cảm xúc và nhận thức của tất cả mọi công dân Việt nói chung và đời đời con cháu ở quê hương Hà Tĩnh nói riêng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói