Nguyễn Nghiễm và những trước tác chữ Hán tại miếu Quan Thánh ở phố cổ Hội An

Trà Sơn Phạm Quang Ái - Viết riêng cho Hà Tĩnh Online

I. TIỂU DẪN

Tháng 5 năm Giáp Ngọ (1774), thấy tình hình Đàng Trong của chúa Nguyễn đại loạn, trong triều thì Trương Phúc Loan chuyên quyền, ngoài quận thì bị anh em Tây Sơn đánh phá dữ dội, Chúa Trịnh bèn thừa cơ sai đại tướng Việp Quận Công Hoàng Ngũ Phúc đem quân thủy bộ hơn ba vạn đi trước đánh chiếm thành Phú Xuân (Thuận Hoá), thủ phủ chúa Nguyễn.

Miếu Quan Thánh ở phố cổ Hội An
Miếu Quan Thánh ở phố cổ Hội An

Tháng 11 cùng năm, Trịnh Sâm đích thân nam chinh, chia quân làm 4 đội. Xuân Quận Công Nguyễn Nghiễm trước đó, tháng 10 năm Tân Mão (1771), đã về hưu nhưng đến tháng Giêng năm Nhâm Thìn (1772) lại được triệu ra làm Tham tụng (tể tướng). Trong cuộc nam chinh này, ông phụng chỉ làm Tả tướng quân, chỉ huy một cánh quân, được mở quân doanh riêng.

Tháng 3 năm Ất Mùi (1775), Quận Xuân và Quận Việp hợp quân tiến đánh Quảng Nam, cùng với liên quân của chúa Nguyễn và Tây Sơn giao tranh dữ đội từ làng Cẩm Sa đến Hội An. Quân Tây Sơn thua to, đưa Đông Cung thế tử của chúa Nguyễn rút về Quy Nhơn.

Khi đưa quân vào chiếm đóng Hội An, Nguyễn Nghiễm đã đến thăm miếu Quan Phu tử (Quan Công) và cảm khái làm bài thơ “Sư để Hội An phố đề Quan Phu Tử miếu” và bài tán “Quan Phu tử miếu tán”. Hai vị tùy tướng là tiến sĩ Uông Sĩ Dư, tiến sĩ Nguyễn Lệnh Tân đã họa nguyên vận bài thơ “Sư để Hội An phố đề Quan Phu Tử miếu” và tự tay viết cả ba bài thơ và bài tán rồi sai thợ khắc chạm thành ba tấm hoành phi treo trên bái đường ngôi miếu.

Tương truyền, không chỉ có miếu Quân Công mà rất nhiều di tích khác của xứ Quảng nói chung, Hội An nói riêng đã được Nguyễn Nghiễm và cánh quân của ông bảo vệ chu đáo trong tình trạng hổn chiến ác liệt giữa các bên.

Sau đây, xin giới thiệu nguyên văn bài thơ có cả phần phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ của chúng tôi cùng với một số cảm nghĩ của bản thân về hiện tượng văn hóa này.

師抵會安铺[1] , 題關夫子廟

Sư để Hội An phố, đề Quan Phu Tử miếu

臲 卼[2] 炎圖慷慨身

Niết ngột viêm đồ khảng khái thân,

桃園兄弟即君臣

Đào viên huynh đệ tức quân thần

直相忠義師千古

Trực tương trung nghĩa sư thiên cổ,

無論英雄敵万人

Vô luận anh hùng địch vạn nhân.

心上高光還一统

Tâm thượng Cao, Quang1 hoàn nhất thống,

目中吳魏失三分

Mục trung Ngô, Ngụy2 thất tam phân.

至今萬國同瞻奉

Chí kim vạn quốc đồng chiêm phụng,

匪直巍然海上神

Phỉ trực nguy nhiên hải thượng thần.

景興三十六年,乙未,端暘節,賜辛亥科進士,特進金紫荣禄大夫,奉差左将軍入侍参從,户部尚書知東閣兼知中書監,國史総裁,大司徒,致仕起復中捷軍营,春郡公阮儼,希思甫書(Cảnh Hưng tam thập lục niên, Ất Mùi, Đoan dương tiết, tứ Tân Hợi khoa Tiến sĩ, đặc tiến Kim Tử Vinh Lộc đại phu, phụng sai Tả Tướng quân nhập thị Tham tụng, Hộ bộ thượng thư Tri Đông các kiêm Tri Trung thư giám, Quốc Sử tổng tài, Đại Tư đồ, trí sĩ khởi phục Trung Tiệp quân doanh, Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, Hy Tư phủ thư)

Bài thơ "Sư để Hội An phố, đề Quan Phu Tử miếu" của Nguyễn Nghiễm trên hoành phi tại miếu Quan Thánh
Bài thơ "Sư để Hội An phố, đề Quan Phu Tử miếu" của Nguyễn Nghiễm trên hoành phi tại miếu Quan Thánh

*Chú thích:

1. Cao, Quang 高光:

- Cao trỏ Hán Cao Tổ tức là Lưu Bang, người khai lập nhà Tây Hán vào năm 206 trước CN –

9sau CN;

- Quang trỏ Hán Quang Vũ, tức Lưu Tú, một hoàng tộc nhà Hán đã nổi dậy chống Vương

Mãng (cướp ngôi nhà Hán vào năm thứ 9sau CN), khôi phục lại nhà Hán, lập ra nhà Đông Hán

(25-220).

2. Ngô, Ngụy 吳魏: Nhà Hán đến đời Hoàn Linh bắt dầu suy sụp, tạo ra một thời kỳ loạn lạc kéo dài từ năm 190 đến năm 280 sau CN, các thế lực phong kiến cát cứ xâu xé nhau tàn khốc khiến đất nước bị tàn phá, nhân dân điêu linh. Trong cuộc tranh giành đó nổi lên ba thế lực: Ngụy, do Tào Tháo (155 – 220) làm chủ; Thục do Lưu Bị (161 – 223) làm chủ; Ngô do Tôn Quyền (182 – 252) cầm đầu. Ngụy được thiên thời, Ngô được địa lợi và thục được nhân hòa.

Trong thế lực của nhà Thục có Quan Vũ (關羽, 162? - 220), cũng được gọi là Quan Công

(關公), tự là Vân Trường (雲 長), Trường Sinh (長生) là một vị tướng nổi tiếng trung dũng, mưu lược thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời Tam Quốc ở Trung Quốc, là anh em kết nghĩa với Lưu Bị và Trương Phi. Ông là người đã góp công lớn vào việc thành lập nhà Thục Hán, với vị hoàng đế đầu tiên là Lưu Bị. Ông cũng là người đứng đầu trong số ngũ hổ tướng của nhà Thục Hán, bao gồm: Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung và Mã Siêu. Sau khi mất, ông được nhân dân Trung Hoa lập đền thờ phụng ở nhiều nơi. Tại Việt Nam, Hoa kiều cũng lập đền thờ ông ở một số nơi.

b. Dịch nghĩa. (phần dịch nghĩa chúng tôi có tham khảo bài viết của TS Nguyễn Xuân Diên trên website http://vietsciences.free.fr/vietnam/vanhoa/cauchuyendanhnhan/NguyenNghiemDeTho.htm )

Hành quân đến phố Hội An đề miếu Quan phu tử

Cơ đồ nhà Hán lung lay, (ngài) đem thân hăng hái vì nghĩa,Anh em chốn vườn Đào, cũng là vua tôi (của nhau),Giương cao tấm gương trung nghĩa làm thầy của muôn đời.Không thể so (ngài) với loại anh hùng sức địch vạn người,Tấm lòng hướng lên Cao, Quang, mong giang sơn quy về một mốiTrong mắt không có cảnh nước Ngô, nước Ngụy chia làm ba thiên hạCho đến ngày nay, muôn nước cùng chiêm bái kính phụngVòi vọi nguy nga như vị thần trên biển.

Cảnh Hưng năm thứ 36, Ất Mùi, tết Đoan Ngọ (5.5 âm lịch), vua ban tiến sĩ khoa Tân Hợi (1731), đặc phong tước Kim Tử Vinh Lộc đại phu, phụng chỉ nhận chức Tả tướng quân, Tham tụng, thượng thư bộ Hộ, coi việc Đông Các, kiêm chức Tri trung thư giám, Quốc Sử tổng tài, Đại Tư đồ, về hưu được gọi ra coi việc quân doanh Trung Tiệp, tước Xuân Quận công, Nguyễn Nghiễm, tên chữ là Hy Tư, viết

c. Dịch thơ

Hành quân đến phố Hội An, đề thơ miếu Quan Phu Tử

Lo Hán suy tàn, chẳng tiếc thân

Vườn Đào huynh đệ, lễ quân thần

Nêu cao trung nghĩa thầy thiên cổ

Coi nhẹ anh hùng địch vạn nhân

Lòng hướng Cao, Quang bền một mối,

Mắt nhìn Ngô, Ngụy xóa tam phân

Đến nay muôn nước đều thờ cúng,

Vòi vọi trùng khơi uy đức thần.

II. MỘT VÀI CẢM NHẬN VỀ NGUYỄN NGHIỄM VÀ SỰ KIỆN LỊCH SỬ-VĂN HOÁ TẠI HỘI AN

Sinh ra trong một cự tộc có nhiều công trạng phò Lê nhất thống thiên hạ, tuy phải trực tiếp chịu sự điều hành của chúa Trịnh nhưng Nguyễn Nghiễm vẫn hết sức trung thành với vua Lê. Nhiều tư liệu trong sử sách và gia phả dòng họ cho biết, ông-với tài năng, uy vọng của mình-đã nhiều lần tìm cách làm thất bại âm mưu tiếm ngôi của chúa Trịnh. Tuy thế, nhưng chúa Trịnh lại hết sức trọng dụng ông. Bằng chứng là sau khi xin nghỉ hưu với sự thăng thưởng rất hậu của nhà chúa, nhưng chỉ nghỉ được khoảng 3 tháng, ông lại được triệu ra làm quan và thăng đến chức Tham tụng (tể tướng). Ông ra làm quan lần này không chỉ vì quyền cao chức trọng mà chủ yếu là do nắm được tình hình rối loạn, suy yếu của chúa Nguyễn Đàng Trong, ông muốn nhân cơ hội góp chút tài sức cuối đời để hoàn thành sự nghiệp nhất thống thiên hạ cho nhà Lê, đưa lại thái bình cho muôn dân, trăm họ sau nhiều năm loạn lạc khổ đau.

Hai bài họa của Uông Sĩ Dư và Nguyễn Lệnh Tân
Hai bài họa của Uông Sĩ Dư và Nguyễn Lệnh Tân

Vì vậy, xét trên nhiều phương diện, có thể nói rằng việc Nguyễn Nghiễm đưa quân Nam chinh đến Hội An và đề thơ tại miếu Quan Công là một sự kiện lịch sử-văn hoá. Nói về việc quân, tuy là một nho tướng mưu lược, nhưng chỉ huy đánh trận chiếm đất ông không thể bằng võ tướng Hoàng Ngũ Phúc. Thực tế cho thấy, đội quân của ông và chúa Trịnh xuất phát sau, có tính chất hậu bị, chủ yếu là làm nhiệm vụ tiếp quản những vùng đất mà tiền quân của Quận Việp đã đánh chiếm được. Nhưng với tài an bang định quốc của một tướng văn, ông rất được nhà chúa tin cậy khi giao cho một cánh quân để dọn dẹp chiến trường, vãn hồi trật tự xã hội, trấn an dân chúng vùng chiếm đóng.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Phước Tương thì “thực sự quân Trịnh đã gây cảnh đổ nát nặng nề cho cảng thị Hội An và chỉ chừa lại cách kiến trúc tín ngưỡng như miếu Quan Công, chùa Phật Quan Âm, cung Thiên Hậu, hội quán Dương Thương, đình Vạn Thọ ...” (tập san Văn hóa Hội An, tháng 9/1998- theo TL đã dẫn ở trên của TS Nguyễn Xuân Diện). Giả sử, nếu không có đội quân của ba vị tướng văn Nguyễn Nghiễm, Uông Sĩ Dư và Nguyễn Lệnh Tân thì các di sản văn hoá nói trên khó mà có thể bình yên được trước sự công phá hổn loạn của cánh quân Hoàng Ngũ Phúc. Mặt khác, nếu nhìn ở phương diện xã hội-lịch sử, việc Quận Xuân và hai vị phó tướng đề thơ tại miếu Quan Công còn có một ý nghĩa chính trị to lớn. Như chúng ta đã biết, lúc bấy giờ, Hội An là một phố cảng sầm uất của Đàng Trong. Nơi đây, chúa Nguyễn dành cho những người Hoa phản Thanh phục Minh bị nhà Thanh truy sát chạy sang lập làng (thường gọi là Minh hương, làng người nhà Minh) làm ăn buôn bán. Chính quyền Đàng Trong coi đây là một khu tự trị của người Hoa, với cơ cấu chính quyền giống như các đơn vị hành chính đương thời của người Việt. Người Hoa đã phát huy tài nghệ, sự năng động trong thương nghiệp của họ để làm giàu cho cả xứ Đàng Trong. Vì vậy, việc trấn an Hoa kiều là một nhiệm vụ quan trọng mà chỉ có những bậc nho tướng như Nguyễn Nghiễm mới có khả năng làm được. Không phải ngẫu nhiên mà trong tất cả các cơ sở tín ngưỡng, văn hoá của người Hoa ở Hội An, Quận Xuân đã chọn miếu Quan Công làm nơi dừng chân thăm viếng lâu nhất, hơn thế còn đề thơ, viết văn ca ngợi ông tướng này. Sở dĩ như vậy là vì, Quan Vân Trường không chỉ là một hổ tướng huyền thoại thời Tam Quốc mà đối với nhân dân Trung Hoa, cao hơn hết, ông là một bậc Phu tử (Quan Phu tử miếu), một bậc thầy về lòng trung nghĩa, hành vi trung nghĩa. Quan Công được huyền thoại hoá, trở thành vị thần danh tiếng chính là do tấm lòng trung nghĩa rất mực của ông ta. Người Hoa tôn ông là Phu tử tức là đã đề cao ông ngang với bậc thánh muôn đời của họ là Khổng tử. Vì vậy, người cầm đầu một đạo quân của giặc (người Hoa ở đây đã nhiều đời chịu ân sủng của chúa Nguyễn thì không thể không coi quân Trịnh là giặc) đến chiêm bái miếu thờ Quan Phu tử của họ, trân trọng đề thơ ca tụng ông vua tâm linh của họ thì làm gì mà họ không cảm động. Đấy là một hành vi chính trị có giá trị nhân văn rất cao, thể hiện một sự mẫn tiệp, nhạy cảm tuyệt vời, một nội lực văn hoá cực kỳ thâm hậu, có khả năng cảm hoá được những kẻ đối địch hung hãn nhất. Nên nhớ rằng, quân Trịnh đến Hội An không chỉ đối đầu với thường dân người Hoa mà còn phải đối địch với những đạo quân có sức kháng cự mạnh do các tướng người Hoa cầm đầu như Lý Tài, Tập Đình.

Tuy nhiên, việc chiêm bái và đề thơ của Nguyễn Nghiễm và hai viên tuỳ tướng không chỉ là một hành vi chính trị có tính an dân. Hơn thế, các ông đã đề vào ba bức hoành phi tất cả tấm lòng son sắt vì nước, vì dân của mình bằng những lời lẽ chân thành, cảm động nhất.

Điều đó, trước hết, được thể hiện khá rõ nét trong bài thơ và bài tán của chủ tướng Nguyễn Nghiễm về Quan Công. Ở bài thơ “Sư để Hội An phố, đề Quan Phu tử miếu”, Hy Tư tướng công đã tập trung lời lẽ, ý tứ để làm rõ cái chủ đề “Quan Công là bậc thầy trung nghĩa của muôn đời” (Quan Phu tử). Trong hai câu đề, tác giả đã đặt đối tượng trữ tình của mình trong hai mối quan hệ cơ bản: Quan Công với thời đại và Quan Công với các anh em kết nghĩa vườn Đào. Thời đại người anh hùng Quan Công xuất lộ là thời “Niết ngột Viêm đồ”, thời mà cơ đồ nhà Hán lung lay, suy tàn. Hai chữ “niết ngột” (vốn có nghĩa là nguy ngập) được dùng vừa để hình dung cái thế chông chênh, loạn lạc của xã hội lại vừa gợi lên cái cảm giác ghê sợ của con người trong cảnh chiến tranh, ly loạn đó. Có thể nói, nếu không từng trải sâu sắc thời kỳ loạn lạc kéo dài trong cuộc phân tranh Trịnh-Nguyễn, không thấu nhận được sự đau khổ điêu linh của trăm họ lúc bấy giờ thì tác giả không dùng được hai chữ này để hình dung tình thế xã hội Trung Hoa thời Tam Quốc.

Bài "Quan Phu tử miếu tán" của Nguyễn Nghiễm
Bài "Quan Phu tử miếu tán" của Nguyễn Nghiễm

Trước tình trạng xã hội náo loạn, người bình thường có thể bị cuốn trong vòng điêu linh, nhưng Vân Trường đã đem “thân khảng khái” ra cứu khổn phò nguy. Hay cho ba chữ “khảng khái thân” của tác giả. Khảng khái là một từ để chỉ một trạng thái tinh thần, tả cái ý tráng sĩ bất đắc chí mà tức tối dội ngược (Hán Việt từ điển-Thiều Chữu). Tuy nhiên, đối với đấng trượng phu như Quan Vũ thì cái trạng thái đó không còn là những cơn cuồng nộ của kẻ tráng sĩ nữa mà nó đã ngấm vào từng đường gân thớ thịt toàn thân. Cái tinh thần hăng hái, xốc vác vì việc nghĩa đó thường trực trong thể xác của người anh hùng, khiến cho mày tằm dựng ngược, mắt phượng tròn xoa.

Trong cảnh “Niết ngột Viêm đồ” đó, nổi lên sự kiện ba vị hào kiệt Lưu, Quan, Trương tình cờ gặp nhau, cảm nhận được nghĩa khí nhau rồi tổ chức ăn thề kết nghĩa anh em tại vườn đào đang lúc mùa xuân khoe sắc thắm đã tạo nên một hình tượng cao đẹp về tình nghĩa của người anh hùng. Giữa cái xã hội đen tối, ly loạn đầy phản trắc, vì lợi sát phạt nhau không nương tay đó, câu chuyện kết nghĩa vườn đào không chỉ ca tụng tình nghĩa anh em mà còn là tấm gương đạo nghĩa cho đời. Kết nghĩa vườn đào không phải là để chia sẽ ưu hỷ với nhau. Lưu Quan Trương kết nghĩa huynh đệ là để làm đại sự; để phò Hán hưng Lưu, cứu muôn dân ra khỏi cảnh nước lửa hung tàn. Vì thế, anh em mà là vua tôi. Tương ứng với cái khẩn trương của thời buổi “niết ngột”, cái hăng hái, xốc vác của người tráng sĩ “khảng khái thân” thì cuộc kết thân cảm động đó ngay lập tức (tức 卽) trở thành mối quan hệ vua tôi (quân thần). Chữ nghĩa của Hy Tư dùng đúng là chữ nghĩa của bậc Hoàng giáp: chặt chẽ, hô ứng, mời gọi nhau, xoắn xuýt nhau. Để nói về sự chuyển hoá mối quan hệ anh em thành mối quan hệ vua tôi, trong câu thừa của bài thơ, ông có thế dùng chữ tất 必(ắt hẳn, ắt phải như thế) hoặc dùng chữ thị 諟(là, đúng là, phải là),..Quả thật, việc dùng chữ tất, chữ thị có thể làm rõ được cái ý: tất yếu, tất nhiên phải như thế song không hề gợi được cái không khí khẩn trương, cái tình thần khẩn cấp cứu dân, cứu nước sục sôi trong con người tam kiệt như chữ tức mà tác giả đã dùng. Vả lại, chữ tức còn gợi được cái ý: nếu không do tình thế bắt buộc thì sẽ không xảy ra mối quan hệ anh em cũng như mối quan hệ vua tôi. Suốt đời, Vân Trường chỉ là anh nông phu, Dực Đức chỉ là anh đồ tể, Huyền Đức cũng chỉ là anh bện chổi, đan dép đưa sức lực trời cho ra nuôi thân và gia đình; nếu gặp nhau, mến nhau họ cũng chỉ là bạn rượu, bạn trà.

Đến hai câu thực, hình tượng “Quan Phu tử” được khắc hoạ với hai nét thật là điển hình:

Trực tương trung nghĩa sư thiên cổ

Vô luận anh hùng địch vạn nhân

[Giương cao tâm gương trung nghĩa ông xứng đáng là bậc thầy của ngàn đời (về lòng trung nghĩa) chứ không nên so ông với đám anh hùng địch vạn người xưa nay]. Có lẽ trong Tam Quốc diễn nghĩa cũng như trong sử sách Trung Hoa, chưa ai ca tụng Vân Trường đến thế. Sức mạnh của Quan Vũ chính là ở lòng trung nghĩa, nó bắt nguồn từ nghĩa khí của các bậc tráng sĩ đời Xuân Thu Chiến Quốc như Quản Trọng, Bão Thúc Nha, Khuất Nguyên, Ngũ Viên, Thân Bao Tư, Tôn Võ, Kinh Kha, Điền Quang,..Câu chuyện của họ được lưu truyền trong những trang sử sách mà hằng ngày Quan Công chưa hề rời tay. Cái ý cô đọng trong bài thơ này sẽ được Hy Tư nói rõ hơn trong bài tán:

Phỉ trực dã dũng

Phỉ trực dã trí

Trung nghĩa lưu quang

(Chẳng phải lòng ngay thẳng, chính trực là dũng, là trí đó sao? Đó cũng chính là chổ làm cho tinh thần trung nghĩa sáng mãi)

Hai câu thực tuy có nêu sự việc nhưng chủ yếu là luận, là đánh giá phẩm chất, vị thế nhân vật. Ngược lại, hai câu luận nhưng lại rất thực:

Tâm thượng Cao Quang hoàn nhất thống,

Mục trung Ngô, Nguỵ thất tam phân.

Thực ở chổ tác giả tả rõ cái ý chí thống nhất giang sơn, vãn hồi trật tự, thái bình cho đất nước; tả rõ cái tinh thần ngạo nghễ “mục trung...thất tam phân” của Quan Công. Tuy thế, nhưng ẩn ý của tác giả là thực để mà luận. Ông không đánh giá, nhưng đề cập đến ý chí, khí thế của Vân Trường là để chỉ ra nguyên nhân sâu xa của hành vi xả thân trung dũng của nhân vật này. Đó chính là một cách bàn luạn rất hàm súc, tinh vi. Để chua rõ ý thơ này, Hồng Ngư cư sĩ đã cụ thể hoá nó trong bài tán:

Xích tinh nhất tuyến,

Xung mạc khả hồi,

Cao, Quang cựu vật,

Thoá thủ trùng khôi.

[Một lòng son sắt xông pha chốn cát bụi để thu về cơ đồ cũ của Cao Quang, việc khôi phục ấy dễ như nhổ nước bọt xoa tay]

Hai câu kết đưa người đọc trở lại với cảnh tượng trước mắt.

Chí kim vạn quốc đồng chiêm phụng,

Phỉ trực nguy nhiên hải thượng thần

[Đến nay, (ngài) được rất nhiều nơi (vạn quốc) chiêm ngưỡng, thờ phụng. Và ở nước Việt này, chẳng phải (ngài) đang uy nghi, vòi vọi như một vị thần trên biển đó sao?]

Vế trên nói đến cái không gian rộng lớn, thời gian lâu dài mà anh linh Quan Công được hiển thánh; vế dưới nói cái cảm nhận trực tiếp của tác giả về hình tượng huyền ảo của nhân vật trong chiều cao của không gian trời biển Hội An. Đằng sau đó, ta có cảm giác như tác giả đang cảm ứng với anh linh người anh hùng cổ đại. Hơn nữa, trong sự chiêm phụng tinh thành đó của Hồng Ngư cư sĩ, ta thấy được vọng tưởng lớn lao của ông. Ông như muốn linh khí của Quan Công nhập vào mình để thực hiện được sự nghiệp nhất thống sơn hà Nam Việt, một sự nghiệp mà gần hai ngàn năm trước Quan Công còn dở dang. Có thể ta sẽ cảm nhận điều đó rõ hơn khi đọc mấy câu kết của bài tán:

Bí cung hữu tuất,

Di tượng hữu nghiêm,

Mặc phù ngã Việt,

Hách hách, viêm viêm,

[Trong cung thờ kín đáo, thanh tịnh, hình tượng uy nghiêm (của ngài) như đang lặng lẽ, ngầm phù hộ cho nước Việt ta. Thật là hiển hách, rực rỡ]. Trong khung cảnh cung thờ Quan Phu tử trầm mặc, uy nghi, bổng đỏ rực lên, bốc cháy lên như từ đôi mắt phượng, từ khuôn mặt trùng táo màu đỏ. Có lẽ trong cảm giác của tác giả, Quang Công đang thực sự hiển thánh.

Như trên đã nói, đọc bài thơ xướng cũng như bài tán của Hồng Ngư cư sĩ về Quan Công, chúng ta không chỉ thấy được tấm lòng cảm phục của ông đối với “bậc thầy trung nghĩa” mà còn thấy được tâm sự của một bậc trượng phu canh cánh nổi niềm vì dân vì nước trong cảnh li loạn. Bài thơ của ông cùng hai bài hoạ của hai vị tiến sĩ phó tướng cho ta cái cảm giác họ cũng như tam kiệt Lưu Quang Trương với tình nghĩa vườn đào thắm thiết, với lòng trung nghĩa chan chứa khi đại nghiệp nhất thống đất nước chưa thành. Và cao hơn hết, chúng ta thấy được sự ứng xử rất văn hoá, rất trân trọng đối với di sản văn hoá của người Trung Hoa trên đất Việt. Bài thơ xướng của Hy Tư như một liên văn bản gọi về bao nhiêu ký ức, thông điệp văn hoá-lịch sử của muôn đời. Chiến thắng của quân Lê Trịnh chỉ tạm thời, sau chiến thắng đó Hy Tư tướng công cũng về cùng các anh linh thiên cổ, nhưng bài thơ xướng và bài tán của ông cùng hai bài hoạ của hai vị phó tướng đã làm nên nốt nhạc hoà hiếu trong bài ca hy vọng hoà bình, no ấm, hạnh phúc của dân tộc.

Đọc thêm

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Lệch chuẩn ngôn ngữ

Kho từ vựng của gen Z đang mang đến làn sóng sáng tạo mới trong ngôn ngữ, tạo dấu ấn, phong cách của người trẻ trong giao tiếp nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ lệch chuẩn nếu lạm dụng.
Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục: Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương

Tiết mục Đêh Kô – Nhắn gửi yêu thương (dân ca K’Ho Lạch) do Đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Những chiếc bánh độc lạ tại Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam

Ngày 11/12 tại TP Hồ Chí Minh, Liên chi hội Bánh Việt Nam (Hiệp hội Du lịch Việt Nam) và Hội Đầu bếp chuyên nghiệp Sài Gòn (Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh) đã tổ chức Cuộc thi đầu bếp bánh tài năng quốc tế tại Việt Nam - The Vietnam Bakery Cup 2024 (VNBC), thu hút gần 500 đầu bếp trong và ngoài nước tham gia.
Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá

Đồng dao, múa phụ họa: Pàm - đi bắt tôm xúc cá của tác giả Y Soái (phát triển dân ca K’Ho Lạch), do đoàn nghệ thuật Nam Tây Nguyên - tỉnh Lâm Đồng biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Podcast truyện ngắn: Nẻo chênh vênh

Đèo Gió có bao nhiêu là gió, sao không thể cuốn hết chuyện cũ đi để mỗi lần nhìn vào mắt chồng, Hạnh lại thấy mình rơi tõm vào cái hố buồn sâu hun hút...
Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất

Diễn xướng dân ca ví, giặm: Gửi tình ta vào đất. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Podcast tản văn: Ký ức gió mùa

Gió mùa về phố rồi tan vào mặt hồ, vào những con đường xa tít tắp để cả mùa đông ta cứ bâng khuâng tha thiết nhớ, một ký ức mang tên gió mùa…
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay gừng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cay nồng trầu Nghệ do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP.HCM chiều nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Cá gỗ trẩy kinh. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh
Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm

Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm

Tổ khúc dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh: Đôi bờ ví giặm. Soạn lời: Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn An Ninh. Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa tỉnh Nghệ An biểu diễn tại Liên hoan di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.