Hơn 5 năm rưỡi sau vụ hỏa hoạn, nhà thờ Đức Bà Paris chính thức mở cửa trở lại vào tối 7-12.
Trên trang web của nhà thờ, Tổng giám mục Laurent Ulrich của Paris cho biết: "Chúng tôi rất mong muốn chào đón toàn thế giới dưới mái nhà thờ của chúng tôi, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn của Giáo hội đối với tất cả những người đã giúp cứu nhà thờ".
Cả thế giới hướng về nhà thờ Đức Bà Paris
Sự kiện có sự tham dự của hơn 40 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo các nước, cùng hàng trăm quan khách. Đồng thời hàng trăm triệu khán giả trên toàn thế giới theo dõi qua kênh truyền hình quốc gia Pháp.
Đáng chú ý có Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, Hoàng tử William của Hoàng gia Anh, tỉ phú Tesla Elon Musk, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni, các cựu tổng thống Pháp Francois Hollande và Nicolas Sarkozy...
Hơn 40 nguyên thủ và lãnh đạo các nước chứng kiến buổi lễ đặc biệt ở nhà thờ Đức Bà Paris
Ngoài ra, chính quyền địa phương sắp xếp khu vực trên bến tàu gần nhà thờ để đón tiếp tối đa 40.000 khách tham quan. Tuy nhiên thời tiết xấu với gió lạnh và mưa lớn khiến số lượng người tham dự thấp hơn kỳ vọng.
Ngay sau khi tiếng chuông lớn nhất của nhà thờ Đức Bà - chuông Emmanuel nặng 13 tấn - vang vọng trong đêm Paris, Tổng thống Pháp Macron mở đầu bài phát biểu bằng việc bày tỏ lòng biết ơn của người dân Pháp đối với tất cả những người cứu giúp và tái xây dựng nhà thờ.
Tiếp đó một đoạn video ghi lại hình ảnh đau lòng từ trận hỏa hoạn dữ dội tàn phá nhà thờ Đức Bà Paris vào ngày 15-4-2019 đã được phát lại.
Trái với vẻ tráng lệ của nhà thờ sau khi được phục hồi, các cảnh quay cho thấy rõ mức độ thiệt hại nặng nề. Để tái thiết, dự án sử dụng 2.000 cây sồi từ khắp các khu rừng trên toàn nước Pháp, chặt thành những thanh gỗ khổng lồ, sau đó ghép vào các dầm gỗ bằng tay, sử dụng những công cụ cổ xưa từ thời Trung Cổ.
Bên cạnh đó hơn 1.000 mét khối đá vôi đã được vận chuyển và chế tác thành những vòm cong, 4.000 mét vuông chì được cuộn, uốn cong và tạo hình để làm mái vòm trang trí.
Đông đảo người dân từ khắp nơi tề tựu bên ngoài nhà thờ chờ đợi giây phút khai lễ trong sự xúc động vỡ òa với một di tích "sống lại" tráng lệ hơn xưa.
Người dân là thuốc chữa lành cho nhà thờ
Buổi lễ bắt đầu khi Tổng giám mục Paris Laurent Ulrich, thực hiện nghi thức gõ cửa ba lần bằng gậy mục tử, biểu trưng cho sứ mệnh phục vụ của ông.
Bên trong, nhà thờ đáp lại bằng cách hát thánh ca "Thi Thiên 121" ba lần, sau đó các cánh cửa sẽ mở ra.
Buổi lễ tiếp tục với ba phần chính: đánh thức đại phong cầm, hát kinh phụng vụ và phép lành cuối cùng.
Đức Tổng giám mục khởi đầu nghi thức bằng việc làm dấu thánh giá, sau đó ban phép lành cho cây đại phong cầm. Trong phần này, ngài giao tiếp tám lần với đàn organ, mỗi lần cây đàn đáp lại bằng âm thanh vang vọng.
Nghi thức hát kinh phụng vụ bao gồm bài thánh ca, bài thánh vịnh, bài Magnificat, các lời cầu nguyện cho hòa bình thế giới và kinh Lạy Cha.
Trong nghi thức phép lành cuối cùng, Đức Tổng giám mục sẽ ban phép lành lần nữa, khép lại nghi thức bằng giai điệu trang nghiêm của bài ca Te Deum.
"Chưa bao giờ có một công trình như thế này. Tất cả các bạn đều có phần trong dự án với quy mô thế kỷ như vậy.
Việc nhà thờ Đức Bà bị cháy là một vết thương quốc gia và các bạn chính là phương thuốc chữa lành thông qua sự quyết tâm, làm việc chăm chỉ và tận tụy" - Tổng thống Macron phát biểu.
Do thời tiết xấu nên ông Macron phát biểu bên trong nhà thờ, trong khi theo kế hoạch là phát biểu bên ngoài nhà thờ để đảm bảo nguyên tắc độc lập giữa chính quyền và giáo hội.
Ngày 8-12, thánh lễ khai mạc với nghi thức cung hiến bàn thờ do tổng giám mục chủ trì, với sự có mặt của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Lễ cung hiến diễn ra qua 5 bước trang trọng, trong đó thánh tích của 5 vị thánh sẽ đặt và niêm phong trong bàn thờ.
Các thánh tích này thuộc về Thánh Marie Eugénie Milleret, Thánh Madeleine Sophie Barat, Thánh Catherine Labouré, Thánh Charles de Foucauld và Chân phước Vladimir Ghika.
Tiếp đó tổng giám mục đọc lời cầu nguyện cung hiến, tiếp đến là nghi thức xức dầu và dâng hương trước khi bàn thờ được thắp sáng.
Sau các nghi thức mở cửa, nhà thờ Đức Bà Paris sẽ tổ chức loạt chương trình đặc sắc kéo dài đến giữa tháng, bao gồm hai buổi hòa nhạc Magnificat của Jean-Sébastien Bach vào ngày 17 và 18-12.
Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ đón khách đến hết ngày 8-6-2025, trùng với dịp lễ Hiện Xuống (lễ Ngũ Tuần). Đây là dịp để du khách chiêm ngưỡng công trình biểu tượng này sau hơn 5 năm trùng tu kể từ vụ hỏa hoạn lịch sử.