Nhà khoa học nhận giải Nobel Vật lý 2023

Giải Nobel Vật lý 2023 được trao cho ba nhà khoa học Pierre Agostini, Ferenc Krausz và Anne L’Huillier với nghiên cứu liên quan đến hạt electron bên trong nguyên tử và phân tử.

Nhà khoa học nhận giải Nobel Vật lý 2023

Ba nhà khoa học Pierre Agostini, Ferenc Krausz, Anne L’Huillier nhận giải Nobel Vật lý 2023. Ảnh: Nobel Prize.

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển công bố các nhà khoa học Pierre Agostini (55 tuổi), Ferenc Krausz (61 tuổi) và Anne L’Huillier (65 tuổi) là chủ nhân của giải Nobel Vật lý năm 2023, nhờ các phương pháp thí nghiệm giúp tạo ra các xung ánh sáng atto giây để nghiên cứu động lực học electron trong vật chất, lúc 16h45 ngày 3/10 (giờ Hà Nội).

Pierre Agostini là giáo sư tại Đại học Bang Ohio, Columbus, Mỹ. Ferenc Krausz là giáo sư tại Đại học Ludwig Maximilian München, Đức. Anne L’Huillier là giáo sư tại Đại học Lund, Thụy Điển.

Nghiên cứu của ba nhà khoa học đã chứng minh cách để tạo ra những xung ánh sáng cực ngắn, có thể dùng để đo những quá trình rất nhanh, trong đó electron di chuyển hoặc thay đổi năng lượng. Đóng góp của các học giả giúp tìm hiểu các quá trình xảy ra nhanh đến mức không thể theo dõi trước đây.

Những sự kiện diễn biến nhanh hòa lẫn vào nhau khi nhận thức bởi con người, giống như một thước phim bao gồm những bức ảnh tĩnh. Nếu muốn tìm hiểu sự kiện thực sự chớp nhoáng, chúng ta cần công nghệ đặc biệt. Trong thế giới của electron, các thay đổi xảy ra trong chưa đầy một atto giây, đơn vị thời gian bằng một phần triệu của một giây. Thí nghiệm của các học giả tạo ra xung ánh sáng ngắn đến mức đo được bằng atto giây, qua đó chứng minh những xung này có thể dùng để cung cấp ảnh chụp quá trình bên trong nguyên tử và phân tử.

Năm 1987, Anne L’Huillier phát hiện nhiều tần số cộng hưởng khác nhau của ánh sáng khi bà truyền ánh sáng laser hồng ngoại qua khí trơ. Mỗi tần số cộng hưởng là một sóng ánh sáng với một số chu kỳ nhất định trong ánh sáng laser. Chúng được tạo ra bởi ánh sáng laser tương tác với nguyên tử trong khí gas, cung cấp thêm năng lượng cho một số electron. Năng lượng này sau đó phát ra dưới dạng ánh sáng. L’Huillier tiếp tục khám phá hiện tượng và đặt nền móng cho những đột phá sau này.

Năm 2001, Pierre Agostini thành công trong việc sản xuất và nghiên cứu một chuỗi xung ánh sáng liên tục, trong đó mỗi xung kéo dài chỉ 250 atto giây. Cũng trong thời gian này, Ferenc Krausz làm việc với một loại thí nghiệm khác, giúp hiện thực hóa việc cô lập một xung ánh sáng đơn lẻ kéo dài 650 atto giây.

Đóng góp của các nhà khoa học đoạt giải năm nay cho phép nghiên cứu những quá trình diễn ra nhanh đến mức trước đó không thể theo dõi.

"Giờ chúng ta có thể mở cánh cửa dẫn đến thế giới các electron. Vật lý atto giây mang lại cho chúng ta cơ hội hiểu những cơ chế mà electron chi phối. Bước tiếp theo sẽ là sử dụng chúng", Eva Olsson, Chủ tịch Hội đồng Nobel Vật lý, cho biết.

Nghiên cứu có những ứng dụng tiềm năng ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Một trong các ứng dụng tiềm năng của nghiên cứu hạt electron là trong sản xuất chất bán dẫn. Các xung atto giây cũng có thể được sử dụng để nhận diện những phân tử khác nhau, ví dụ như trong chẩn đoán y tế.

Giải Nobel Vật lý là giải thưởng thứ hai được công bố năm nay, sau giải Nobel Y sinh. Chiều 2/10, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đã xướng tên công trình nghiên cứu về vaccine mRNA ngừa Covid-19 của hai nhà khoa học Katalin Kariko và Drew Weissman cho giải thưởng này.

Chủ nhân giải Nobel năm nay sẽ được nhận khoản tiền thưởng 11 triệu krona Thụy Điển (986.000 USD), tăng một triệu krona Thụy Điển so với năm 2022.

Giải Nobel Vật lý năm 2022 thuộc về ba nhà khoa học Alain Aspect (Pháp), John F. Clauser (Mỹ) và Anton Zeilinger (Áo) nhờ thí nghiệm với các photon vướng víu, xác lập sự xâm phạm với bất đẳng thức Bell và tiên phong trong khoa học thông tin lượng tử.

Nobel là giải thưởng quốc tế do Quỹ Nobel tại Stockholm lập ra từ năm 1901 dựa trên tài sản của Alfred Nobel, nhà phát minh kiêm doanh nhân Thụy Điển.

Giải thưởng được trao thường niên cho những cá nhân và tổ chức có cống hiến nổi bật trong các lĩnh vực Y sinh, Hóa học, Vật lý, Văn học, Hòa bình. Năm 1968, Ngân hàng Trung ương Thụy Điển lập ra Giải thưởng của Ngân hàng Thụy Điển cho Khoa học kinh tế để tưởng nhớ Nobel, còn gọi là giải Nobel Kinh tế.

Mỗi giải thưởng gồm huy chương, bằng chứng nhận cá nhân và một khoản tiền thưởng. Từ năm 1901-2022, giải thưởng đã được trao 615 lần cho 989 cá nhân và tổ chức trên thế giới.

Theo Thu Thảo - An Khang/VNE (Nobel Prize)

Đọc thêm

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Những lĩnh vực nào sẽ được vinh danh tại Giải thưởng VinFuture 2024?

Trước những vấn đề cấp thiết đang hiện hữu, các nhà khoa học từng nhận giải VinFuture dự đoán những nghiên cứu đột phá trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường, an ninh năng lượng hay sức khỏe toàn cầu… sẽ là những ứng cử viên tiềm năng cho Giải thưởng VinFuture 2024 danh giá.
Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Nỗi lo robot AI 'nổi loạn'

Sau video robot nhỏ thuyết phục "đồng đội" bỏ việc, nhiều người lo ngại viễn cảnh robot tích hợp AI có thể nổi loạn và tự ra quyết định.
Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Giới khoa học Việt chờ đón Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024

Sau 3 mùa gây tiếng vang, các nhà khoa học trong nước kỳ vọng sự trở lại của Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024 với chuỗi hoạt động kết nối khoa học công nghệ, đặc biệt là “Chuỗi Đối thoại Khám phá tương lai VinFuture” hứa hẹn mang đến “cơ hội vàng” để tiếp cận tri thức toàn cầu và hợp tác phát triển.
Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất

Viên đá quý hiếm nhất trên Trái Đất được làm từ kyawthuite, loại khoáng chất màu đỏ cam trong suốt chỉ có một mẫu vật đặt ở Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Los Angeles.