Mỗi ngày đến trường, thầy Võ Huy Nga - giáo viên quản lý thiết bị Trường THCS Hương Lâm phải đi trên cung đường quanh co gần 30km.
Trở lại xã miền núi Hương Lâm (Hương Khê), chúng tôi vẫn gặp lại những gương mặt cũ. Họ là những cán bộ, công chức, nhân viên trạm y tế, giáo viên các trường học trên địa bàn xã. Rất nhiều trong số đó phải rong ruổi qua con đường đèo nhiều khúc cua quanh co, hiểm trở, cách hàng chục km để trở về nhà sau mỗi ngày làm việc.
Một số công chức làm việc ở xã Hương Lâm mượn một góc nhà xe cơ quan để làm nơi nấu bữa trưa.
Nhà ở xã Hương Long, thầy Võ Huy Nga (giáo viên quản lý thiết bị Trường THCS Hương Lâm) vẫn ngày ngày chạy xe 30 km để đến trường. Đi lại vất vả, đồng lương chẳng đáng là bao nhưng bao nhiêu năm nay thầy vẫn quyết tâm bám trụ nơi đây.
Thầy Nga chia sẻ: “Vợ không có việc làm, một mình tôi nuôi hai con nhỏ, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cũng phải cố gắng. Ngày nào cũng phải đi về quãng đường xa xôi nhiều khi cũng thấy ái ngại, giá có khu nhà công vụ thì tôi ở lại rồi cuối tuần mới về xuôi cho đỡ vất vả.”
Nơi ngủ trưa của cô giáo Trường Mầm non Hương Lâm là ... một góc lớp.
Nam giới như thầy Nga còn ái ngại quãng đường núi đèo huống hồ với chị em phụ nữ. Đã 3 năm nay, cô Hoàng Thị Loan (giáo viên Trường Mầm non Hương Lâm) vẫn đi về mỗi ngày hàng chục km. Đang mang bầu 8 tháng, cô Loan vẫn miệt mài trên con đường gập ghềnh tới trường. Trời nắng ráo còn đỡ, mùa mưa rét mà đi về trên những cung đường đèo quanh co, hiểm trở để về xuôi là cả một nỗi ám ảnh với cô và các đồng nghiệp.
Con đường hiểm trở, đầy khúc cua với nhiều nguy hiểm rình rập ngày ngày các cán bộ, công chức xã Hương Lâm vẫn đi qua.
“Nhiều hôm mưa rét hay công việc kết thúc muộn, muốn ở lại nhưng không có chỗ nghỉ ngơi nên chúng tôi đành phải về xuôi dù biết rất nguy hiểm” – cô Loan chia sẻ.
Bữa trưa của những cán bộ, công chức, giáo viên nơi đây là chiếc cặp lồng cơm, một ít thức ăn mang theo từ sáng sớm. Họ ăn vội và nghỉ trưa bên bàn làm việc hoặc kê phản, trải thảm ngay trong căn phòng chật hẹp chứa đầy sổ sách, giấy tờ và thậm chí là bếp ăn với đầy bát đũa, nồi niêu.
Những bữa trưa ăn vội...
Nguyện vọng của hầu hết nhưng con người làm việc nơi đây là có được một dãy nhà nội trú để có chỗ nghỉ ngơi, ăn uống. Nhưng, đã nhiều năm nay, mong ước đó vẫn chỉ là ước mong.
Phó Chủ tịch UBND xã Hương Lâm Nguyễn Thị Vinh cho biết: “Trước đây cũng có một khu nhà nội trú của trường THCS nhưng từ năm 2014, xã đã chuyển khu nhà nội trú cho Trường Mầm non làm phòng học. Hiện xã không thể bố trí được quỹ đất để xây khu nhà nội trú cho công chức, giáo viên. Hơn nữa, cũng không tìm đâu ra nguồn kinh phí để có thể thực hiện được ước mong chính đáng ấy".
... và giấc ngủ trưa ngay trong căn phòng bếp chật hẹp của các cô Trường Tiểu học Hương Lâm.
Cùng chung tình cảnh thiếu nhà công vụ như xã Hương Lâm, “người hàng xóm” Hương Liên có phần may mắn hơn khi được các cấp, ngành quan tâm khảo sát để đầu tư xây dựng.
Là người tâm huyết với dự án này nhiều năm nay, ông Đinh Công Tịu – Chủ tịch LĐLĐ huyện Hương Khê đã nhiều lần vào tận nơi khảo sát nhu cầu và đề xuất với lãnh đạo huyện trong các cuộc họp. “Sau nhiều lần đề xuất, huyện đã đồng ý chủ trương và Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện đã vào khảo sát mặt bằng. Tuy nhiên, mặt bằng đang vướng nên đến nay vẫn chưa thể triển khai dự án” – ông Tịu cho biết.
Theo khảo sát, hội quán cũ (ngôi nhà màu vàng trong ảnh) sẽ là vị trí xây dựng nhà công vụ. Thế nhưng, nếu muốn đủ diện tích để xây dựng thì phải điều chỉnh con đường sang hướng khác.
Cái vướng ở đây là dù xã đã bố trí mặt bằng để xây dựng khu nhà nội trú nhưng lại phát sinh vấn đề mới. Ông Đinh Văn Sánh - Chủ tịch UBND xã Hương Liên cho biết: "Sau khi sáp nhập một số thôn có thừa một hội quán và ý định bố trí xây nhà nội trú trên khu đất đó. Tuy nhiên, khu đất này hiện có một đường dân sinh chạy qua, nếu muốn đủ diện tích để xây dựng thì phải điều chỉnh con đường sang hướng khác”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu thực tế của chúng tôi, việc nắn lại đoạn đường đi qua khu đất không hề đơn giản. Con đường đã được làm bằng bê tông chắc chắn, việc thay đổi quy hoạch vừa mất mỹ quan, vừa tốn kém về kinh phí.
Hơn nữa, khu đất nằm sâu trong khu dân cư, cách trung tâm xã khoảng 2 km. Muốn đi đến đó phải qua một cây cầu tràn, mùa mưa lũ nước ngập cao, nên theo một số cán bộ, giáo viên thì không thuận tiện cho việc đi lại, sinh hoạt nếu họ ở lại buổi trưa.
Những người cán bộ, công chức ở xã Hương Lâm, Hương Liên vẫn miệt mài cống hiến, công tác dẫu không biết đến bao giờ nguyện vọng của họ được đáp ứng
Có thể thấy, dù thiếu quỹ đất, thiếu vốn hay bước đầu đã bố trí được nguồn lực thì việc xây dựng một khu nhà nội trú cho cán bộ, công chức ở các xã vùng biên giới của huyện Hương Khê cũng hết sức nan giải. Đến bao giờ, buổi trưa của họ không còn là những bữa cơm ăn vội, chỗ ngủ tạm bợ và con đường đi về bớt gập ghềnh những khúc cua?