Hàng năm, đóng góp được bao nhiêu, người dân thống nhất làm các đoạn lầy lội để khắc phục khó khăn trước mắt
Anh Trần Văn Phố (thôn 10) thở dài: "Do giao thông quá khó khăn nên ở đây mỗi nhà đều sắm máy để tự phục vụ. Năm nào chúng tôi cũng góp công góp của để làm đường nhưng chưa đến đâu cả. Ở đây dân cư thưa thớt, người ít, đường dài nên chúng tôi chỉ làm chắp vá, nơi nào quá lầy lội thì ưu tiên làm trước. Nếu không có dự án hỗ trợ, không biết đến bao giờ mới có được những con đường thực sự là đường".
Do làm chắp vá nên có khi mới làm được đoạn mới thì đoạn cũ đã xuống cấp
Đoạn đường nào lầy lội được ưu tiên làm trước, làm từng khúc riêng lẻ là thực trạng chung hầu hết các thôn thuộc xã Hà Lĩnh. Thôn trưởng thôn 1 - Nguyễn Đình Đạo cho biết: Thôn có đến 3 tuyến đường dài. Mỗi năm, thôn huy động 150.000 đồng/khẩu làm đường giao thông nông thôn. Năm nay, nhân dân đã làm được 700m và đang triển khai làm thêm 50m. Do nguồn lực hạn chế trong khi các tuyến đường trong thôn rất dài nên thôn đã họp và thống nhất đoạn nào xấu thì làm trước chứ không làm liền kề. Do vậy, có khi làm được đoạn đường mới thì đoạn đường cũ lại xuống cấp.
"Cả thôn chỉ có 163 hộ, chủ yếu thu nhập từ nông nghiệp, đời sống còn nhiều khó khăn nên với mức huy động, mỗi năm chỉ làm được chừng 500 - 700m. Hiện còn 6 - 7km chưa được bê tông hóa", ông Đạo nói thêm.
Còn rất nhiều con đường dài trong thôn chưa được bằng phẳng chứ chưa bàn đến việc bê tông hóa
Hà Linh là xã miền núi được sáp nhập từ 3 xã hồi năm 1972 (Hương Thanh, Hương Thu và Hương Hà). Xã có diện tích rộng 7.663 ha với 1.679 hộ. Địa bàn rộng, miền núi nên nhiều thôn cách sông cách suối; có thôn cách trung tâm đến 15km. Để làm đường giao thông nông thôn, cùng với chính sách hỗ trợ xi măng của Nhà nước, nhiều năm nay, xã đã huy động bình quân 1 triệu đồng/hộ/năm. Đến thời điểm này, cùng với sự hỗ trợ của các dự án, xã đã bê tông hóa được 15/20 km đường liên xã và được 20/65 km đường liên thôn.
Với đặc thù địa hình như thế này, Hà Linh rất khó hoàn thành tiêu chí giao thông vào năm 2020
Bí thư Đảng ủy xã Hà Linh Lê Hồng Quân chia sẻ: "Về các tuyến đường liên xã, nhờ sự hỗ trợ của các dự án nên đến nay cơ bản đã được bê tông hóa. Nhưng với các tuyến đường liên thôn và nội thôn thì còn rất nhiều khó khăn, trong đó khó khăn nhất là thôn 9, thôn 11 và thôn 12. Mặc dù xã đã rất tích cực vận động và giao chỉ tiêu cho từng thôn nhưng không thể đạt được kế hoạch đề ra”.
Một khó khăn mang tính đặc thù ở Hà Linh là rất nhiều ngõ dài nhưng chỉ có từ 1 - 2 hộ dân sinh sống trong khi chính sách hỗ trợ xi măng của Nhà nước chỉ hỗ trợ cho ngõ có từ 5 hộ dân cùng sinh sống trong cùng một ngõ trở lên. Vì vậy, theo Bí thư Đảng ủy xã Hà Linh Lê Hồng Quân, mặc dù huyện đã giao nhiệm vụ cho xã là đến năm 2020 hoàn thành các tiêu chí NTM nhưng với đặc thù, tiêu chí giao thông rất khó đạt được nếu không có ngoại lực.