Nhà thơ Giang Nam: “Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ”…

(Baohatinh.vn) - Sáng mùng 2 tết Quý Mão 2023, nhà thơ Giang Nam rời “cõi tạm” nhẹ nhàng, thanh thoát, nhưng khi nghe tin ông qua đời, tôi vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động và tiếc nuối.

Nhà thơ Giang Nam: “Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ”…

Nhà thơ Giang Nam (ảnh: Internet).

Nhà thơ Giang Nam (tên thật là Nguyễn Sung) sinh năm 1929, quê thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ông xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo, sau khi đỗ bằng Thành chung trường Quy Nhơn, ông cùng với hai người anh ruột của mình đi theo tiếng gọi của cách mạng.

Nhà thơ Giang Nam tham gia Việt Minh từ tháng 8/1945, lúc 16 tuổi, làm cán bộ thông tin tuyên truyền ở xã. Sau đó, ông được điều chuyển lên tỉnh và được đề bạt làm Phó phòng Văn hóa thông tin, Ty Văn hóa tỉnh Khánh Hòa. Sau năm 1954, nhà thơ Giang Nam vào hoạt động ở chiến khu Nam Bộ, lần lượt được đề bạt Phó Tổng thư ký Hội Văn nghệ giải phóng miền Nam, ủy viên Tiểu ban Văn nghệ Trung ương cục và nhiều chức danh khác. Ông là đại biểu Quốc hội khóa VI, Ủy viên BCH Hội Nhà văn khóa II, khóa III, Tổng Biên tập Báo Văn nghệ, Chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa.

Nhà thơ Giang Nam là cán bộ được cách mạng nuôi dưỡng, giáo dục và rèn luyện trưởng thành. Thời đại đã sinh ra nhà thơ Giang Nam, mỗi bài thơ, mỗi trang văn, mỗi bài báo của ông đều là vũ khí sắc bén cổ vũ, khích lệ lòng yêu nước của Nhân dân, làm nên thắng lợi trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Ông đã để lại cho đời khối lượng tác phẩm khá đồ sộ, với 11 tập thơ: từ tập thơ “Tháng tám ngày mai” đến “Người đi mở đất”. Trong đó có tới 3 trường ca (2 trường ca đã in và 1 trường ca chưa xuất bản).

Về văn xuôi, nhà thơ Giang Nam đã xuất bản tới 5 tác phẩm truyện ký, 1 tác phẩm hồi ký. Chưa bàn tới nội dung và nghệ thuật tác phẩm, nhưng nhìn vào số lượng tác phẩm thơ và văn ông viết, đủ cho người đời khâm phục niềm đam mê, sự lao động bền bỉ và nghiêm túc đến trọn đời của nhà thơ.

Trong cuộc đời người cầm bút, để lại cho đời một áng văn hay một bài thơ hay, đó là niềm hạnh phúc nhất của họ. Nhà thơ Giang Nam đã để lại trong lòng công chúng nhiều bài thơ hay, mà đỉnh cao nhất là bài thơ “Quê hương”.

Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường

Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ

“Ai bảo chăn trâu là khổ?”

Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao

Hình bóng quê hương được tác giả gợi mở ra bằng những kỷ niệm sâu sắc nhất, gần gũi nhất từ nhà tới lớp đến buổi chăn trâu, cắt cỏ và cả Những ngày trốn học/ Đuổi bướm cầu ao/ Mẹ bắt được.../ Chưa đánh roi nào đã khóc!/ Có cô bé nhà bên/ Nhìn tôi cười khúc khích/... Mắt đen tròn (thương thương quá đi thôi!). Với giọng tâm tình thủ thỉ ấy, bài thơ tiếp tục dẫn dắt mọi người đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác.

Khi cách mạng bùng lên, Nhân dân đứng lên cứu nước để giành lấy tự do và độc lập, nhà thơ Giang Nam đã từ biệt mẹ ra đi và nhập vào dòng thác cách mạng. Lúc này, tác giả đã không còn là cậu bé ngây thơ như tuổi học trò nữa. Tác giả đã ý thức được lòng yêu quê hương, đất nước từ trái tim mình nhưng lại không ngờ, cô bé nhà bên với tiếng cười khúc khích, đôi mắt đen tròn ngày ấy cũng ý thức được lòng yêu nước và đã trở thành du kích.

Tình yêu của họ thật đẹp khi hai người cùng chung lý tưởng và chiến đấu cho cách mạng. Càng xa nhau càng khao khát, tình yêu càng rờ rỡ như ánh trăng rằm, với bao nhiêu ước nguyện riêng chung chưa thành. Nhưng điều bất ngờ đã xảy ra đối với đôi trai gái này: “Hôm nay nhận được tin em/ Không tin được dù đó là sự thật/ Giặc bắn em rồi quăng mất xác/ Chỉ vì em là du kích, em ơi. Bài thơ thấm đẫm bi thương, khiến độc giả rơi nước mắt khóc cùng tác giả “đau xé lòng anh, chết nửa con người!”.

Những giọt nước mắt không mềm yếu mà nuôi dưỡng thêm sức mạnh, thêm niềm tin để đứng lên chiến đấu và chiến thắng quân thù: Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm/ Có những ngày trốn học bị đòn roi.../ Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/ Có một phần xương thịt của em tôi.

Nhà thơ Giang Nam: “Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ”…

“Ai bảo chăn trâu là khổ?” (ảnh: Internet).

Đọc thơ Giang Nam, người ta dễ nhận thấy đằng sau chất trữ tình sâu lắng ấy là sự truyền dẫn tư tưởng thời đại, nhịp sống thời đại, tầm vóc thời đại. Nếu thơ là lăng kính hiện thực soi thời đại, thơ Giang Nam là lăng kính sáng trong nhất, hiện thực nhất, bởi ông là người vừa có cảm xúc nội tâm mãnh liệt, vốn sống phong phú, vừa tư duy sâu sắc.

Những năm tháng hoạt động gian khổ trong vùng chiến khu, trái tim nhà thơ Giang Nam luôn hướng về miền Bắc. Ông lắng nghe ngày đêm từng nhịp thơ của đồng bào miền Bắc qua Đài tiếng nói Việt Nam. Ông đã gửi niềm tin mãnh liệt của mình rằng: cuộc chiến tranh chống Mỹ, chiến thắng nhất định sẽ về ta, vì có miền Bắc là hậu phương kề vai sát cánh, có bạn bè quốc tế luôn ủng hộ Việt Nam.

Bài thơ “Tiếng nói Việt Nam” đã bộc lộ rất rõ cảm xúc chân thành của ông: “Đây tiếng nói Việt Nam! Đây Hà Nội”/ Xa muôn trùng vẫn thầm thĩ bên tai/ Rút lại cách ngăn, đẩy lùi bóng tối/ Thắp niềm tin cháy sáng giữa tim người.

Niềm tin ấy chính là niềm khao khát và ước vọng hằng ngày, giúp tác giả thêm sức bền chiến đấu. Từ trong căn hầm sâu bí mật, được đồng nghiệp mình chia sẻ niềm vui khi nhận bức thư của người em gửi về, báo tin mừng cho người anh đã thành sinh viên trên trường đại học ở miền Bắc, nhà thơ Giang Nam đã trải cảm xúc của mình qua bài thơ “Nghe em vào đại học”. Bài thơ này, sau khi được đăng trên Báo Văn nghệ giải phóng đã nhanh chóng được lan truyền trong công chúng. Bài thơ như một lời dặn của người anh cho đứa em trai mình: “Chế độ cho em đôi cánh chim bằng/ Và vinh dự được làm người đi trước” để rồi ngày mai khi nước nhà thống nhất “Em lại về dạy chữ cho anh”.

Niềm ao ước của nhà thơ và niềm ao ước của hàng triệu người dân Việt Nam đã thành hiện thực. Trong ngày vui thống nhất non sông, bài thơ “Mùa xuân ơi, rất tuyệt vời” nhà thơ Giang Nam đã thốt lên khi được làm một công dân tự do trong màu xanh rười rượi hòa bình của quê hương, đất nước: Tự do nên má em hồng/ Trời xanh nên mắt em trong lạ thường/ Người thủy chung, đất thủy chung/ Tình yêu bỗng đẹp vô cùng em ơi!

Mùa xuân năm 2023 này, nhà thơ Giang Nam đã ngừng bút viết khi khép lại cuộc đời nhưng những cống hiến cho cách mạng và sự nghiệp văn thơ của ông vẫn rực rỡ một màu trời hồng cách mạng, tỏa nắng đẹp trong lòng nhiều thế hệ.

Đọc thêm

'Săn' mai anh đào nở sớm

'Săn' mai anh đào nở sớm

Thời điểm này, trên khắp các diễn đàn mạng xã hội, người dân và du khách đã bày tỏ sự vui mừng khi hoa mai anh đào đã bắt đầu nở rộ tại khắp các vùng ngoại ô TP Đà Lạt.
Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Kịch bản 'Táo quân 2025' bị lộ?

Theo bảng phân vai "Táo quân 2025" được NSƯT Chí Trung đăng tải, buổi chầu năm nay của các Táo sẽ thay bằng hình thức cuộc thi.
Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Podcast truyện ngắn: Hơi ấm đêm xuân

Tim tôi như đứng lặng trong lồng ngực. Cớ gì mọi thứ lại trùng hợp đến vậy. Tôi khẽ nhìn khuôn mặt anh Ba qua kính chiếu hậu, thấy anh hiền, chân chất, lương thiện, nhân hậu như má, như ba...
VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

VTV tung những hình ảnh đầu tiên về 'Táo quân 2025'

Mới đây, chương trình "VTV Kết nối" đã thực hiện phóng sự đột nhập phòng tập "Táo quân" lúc nửa đêm. Các nghệ sĩ Chí Trung, Quang Thắng, Vân Dung... cũng có những chia sẻ đầu tiên về chương trình.
Podcast tản văn: Mùi của tết

Podcast tản văn: Mùi của tết

Những ngày cuối đông, tiết trời hao hao rét. Giữa khung cảnh ngược xuôi tấp nập của phố phường, ta thoảng nghe trong gió lạnh một mùi vị rất quen thuộc...
Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Dân ca Quan họ Bắc Ninh lời cổ: Vui bốn mùa

Tiết mục Vui bốn mùa (dân ca quan họ Bắc Ninh lời cổ), phối khí: NSƯT Quang Hưng, biên đạo: NSƯT Khánh Toàn, do Đoàn nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Podcast truyện ngắn: Hoa muộn

Bên trong vẫn ồn ào náo nhiệt, ngoài này tĩnh lặng bất thường. Chú nắm tay Thụy, ấm áp và yêu thương. Đêm bỗng nở hoa. Muộn mằn nhưng nồng nàn...
Podcast: Bức họa tháng Chạp

Podcast: Bức họa tháng Chạp

Thế là tháng Chạp đã trở về trong sự dùng dằng của đất trời buổi cuối đông. Lòng người vào Chạp cũng trở nên khác lạ với những hối hả để gói ghém lại một năm dài, với những chậm rãi, níu kéo trong sự ươm ủ đón chờ năm mới…
Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Podcast truyện ngắn: Chiếc khăn xanh

Tôi không biết điều kỳ diệu nào đã giữ bà tôi gắng gượng ở lại đón cái Tết cuối cùng với gia đình năm đó. Nhưng mãi về sau này, trên những hành trình xuôi ngược, tôi luôn giữ bên mình chiếc khăn len màu xanh bà trao cho tôi ngày ấy...
Podcast tản văn: Có hẹn với mùa xuân

Podcast tản văn: Có hẹn với mùa xuân

Nỗi nhớ bỗng thắt chặt ngực tôi lúc này khi chợt nhận ra, đã bao nhiêu năm mình lỗi hẹn, đã bao nhiêu cái Tết cứ vội vã trở về để rồi lại vội vã đi...