Nguyễn Thái Hòa - con trai nhạc sĩ - cho biết ông qua đời lúc 20h23 phút ngày 8/3 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Hơn một năm trở lại đây, nghệ sĩ hay đau ốm mỗi khi thay đổi thời tiết do tuổi già. Cuối tháng 2, sức khỏe ông giảm sút, được gia đình đưa vào bệnh viện điều trị. Con trai nhạc sĩ nói: “Ông ra đi thanh thản. Điều ông hạnh phúc nhất là tuổi già được gần vợ, con và các cháu”.
Nhạc sĩ Lân Cường - Phó Chủ tịch thường trực Hội Âm nhạc Hà Nội - nói: “Nhạc sĩ Văn Dung là người tài năng và đức độ. Các sáng tác của ông luôn mang màu sắc mới, ca từ đẹp như lời thơ, kết cấu tốt. Ngoài đời, ông luôn vui vẻ, tươi cười với mọi người. Sự ra đi của ông là mất mát lớn của nền nghệ thuật nước nhà”.
Nhạc sĩ Văn Dung. Ảnh: Hội Âm nhạc Việt Nam cung cấp
Nhạc sĩ Văn Dung sinh năm 1936 tại Hà Nội. Ông từng là Trưởng phòng Ca nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội.
Sau khi tốt nghiệp Trường báo chí Trung ương (Phân hiệu II của Trường Nguyễn Ái Quốc), ông về công tác tại Ban Công nghiệp Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau đó, nhạc sĩ Cầm Phong đề nghị ông làm biên tập âm nhạc. Ông bắt đầu tìm hiểu kiến thức âm nhạc để phục vụ công việc.
Từ năm 1965-1971, ông Văn Dung đi thực tế sáng tác tại nhiều nơi như Khe Sanh, Trường Sơn, Đường 9 Nam Lào và cho ra đời loạt tác phẩm Giải phóng quân ta ra đi (1965), Tiến về Khe Sanh (1968), Đường Trường Sơn xe anh qua, Bài ca Đường 9 chiến thắng (1971)...
Trong suốt sự nghiệp, ông sáng tác 54 ca khúc với đa dạng đề tài, thể loại như: Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Những bông hoa trong vườn Bác, Chim chích bông, Hành khúc Hội khỏe Phù Đổng ... Ông còn viết nhạc phim Mê thảo - thời vang bóng. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001.
Nghệ sĩ Văn Dung kết hôn với đồng nghiệp tại Đài Tiếng nói Việt Nam và có hai con, một trai, một gái.