Nhầm cúm với cảm lạnh có thể gây mất mạng

Cơn gió mùa đông bắc đầu tiên đã làm bệnh cúm đang làm nhiều người nhập viện càng có điều kiện thuận lợi phát triển. Đã có 4 người chết vì chủ quan với cảm cúm.

Mất mạng vì cơn cúm thường

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn T. Ư, trong tháng 10 có các hiện tượng thời tiết nguy hiểm xảy ra trên phạm vi hẹp như tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh trong cơn dông. Khu vực miền Bắc có thể bị 3-4 đợt không khí lạnh tác động. Miền Trung thời kỳ này mùa mưa đã bắt đầu ở nhưng không lớn và kéo dài.

Do thời tiết có thể mưa gió, nóng lạnh thất thường và cũng là lúc giao mùa thu sang đông - nên bệnh cúm gia tăng, lây lan nhanh khiến nhiều lớp học vắng vẻ, nhiều người phải nghỉ việc vì mắc cúm. Các bà bầu thì chỉ cần trong phòng có người mắc cúm là cũng xin nghỉ việc luôn để... phòng cúm. Ở phía Nam đã có 4 trường hợp tử vong vì mắc cúm thông thường.

Theo Vietnamnet, cúm H1N1 được coi là cúm mùa thông thường nhưng đã có ít nhất 4 bệnh nhân ở khu vực phía Nam tử vong: Hôm 8/6 nữ bệnh nhân 26 tuổi ở TP Hồ Chí Minh là ca đầu tiên tử vong do H1N1 năm nay. Từ 26/ 6 đến nay có thêm 1 trường hợp 46 tuổi ở TP Hồ Chí Minh, 1 ca 56 tuổi ở Vĩnh Long, 1 trường hợp 31 tuổi ở Bến Tre và 1 cụ ông 69 tuổi ở Cà Mau tử vong.

Ths. BS Trần Văn Thuấn (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội), bệnh cúm mùa có quanh năm, tăng mạnh khi giao mùa thu sang đông, khi trời lạnh. Thời điểm mắc cúm cao nhất là từ nay và kéo dài tới hết mùa xuân. Những ngày thời tiết mưa gió, ẩm ướt, lạnh lẽo thì tỷ lệ người mắc bệnh cúm càng tăng.

Bệnh cúm thường lành tính, dễ chữa khỏi, nhưng do chủ quan nên một số người khi hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi… đã nhầm là dấu hiệu bị cảm lạnh, tự điều trị sai, dẫn tới đưa bệnh nhân đi cấp cứu thì bệnh đã chuyển nặng, và từ tháng 6 tới nay đã có tới 4 trường hợp mắc cúm mùa, do chủ quan, tự điều trị sai, đã dẫn tới tử vong.

Lây nhanh vì dân không có ý thức phòng tránh cúm

Thời điểm này số người mắc cúm tới bệnh viện khám và điều trị đang gia tăng do bị lây lan nhanh.

Theo BS Trần Văn Thuấn, trẻ em mắc cúm mùa có thể sốt cao 39-40 độ, chảy nước mũi, ho, đau rát họng... vì bị viêm đường hô hấp trên. Ở trẻ em bệnh diễn tiến rất nhanh và nặng, bố mẹ thiếu kiến thức phòng tránh, chăm sóc nên hầu hết đến bệnh viện muộn, khi bệnh đã bị biến chứng viêm phổi, viêm phế quản.

Người lớn nếu bị cúm mà nhầm với cảm lạnh, hay chủ quan, sức khỏe yếu thì khi mắc cúm sẽ dễ bị bội nhiễm.

Những người mắc các bệnh lý mãn tính (tim mạch, suy giảm miễn dịch, hen phế quản, giãn phế quản...), phụ nữ có thai, trẻ nhỏ và người già cần thận trọng hơn khi mắc cúm vì tình trạng càng nặng hơn.

Người bình thường cúm mùa có thể khỏi sau 2-7 ngày.

Nhưng một số ca mắc cúm do có kèm bệnh mãn tính nên dễ bị bội nhiễm, viêm phổi nặng, suy hấp, suy đa tạng dẫn tới tử vong.

Cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, nước bọt, dịch tiết mũi họng của người cúm khi hắt hơi, ho khạc. Vi rút cúm sống lâu và lây mạnh hơn ở môi trường lanh (như thời tiết lạnh, phòng điều hòa kín…), qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc… Tuy bệnh cúm ảnh hưởng đến sinh hoạt, lây lan nhanh nhưng vì diễn tiến lành tính nên nhiều người chủ quan, dẫn tới một tỉ lệ nhỏ bệnh nhân bị diễn tiến nặng, gây biến chứng viêm phổi, viêm xoang, viêm tai, viêm phế quản... với mức tổn thương lan tỏa, nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong vì một cơn cúm xoàng.

Nhiều người dân không có ý thức phòng cúm, nên nhà có 1 bị cúm thì có người bị mắc theo, thậm chí cả nhà lần lượt bị cúm. Chỗ đông người một người mắc cúm là nhiều người khác bị lây do: Khi bị cúm vẫn đi học, đi làm, ngồi chung mâm cơm; Khi ho, hắt hơi làm lây lan cho người xung quanh; Khạc nhổ bừa bãi, vứt giấy lau bừa bãi; Lây lan ệnh cúm còn dễ dàng lây qua tiếp xúc trực tiếp hay các vật dụng dùng chung khi tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm vi rút (tay nắm cửa, nhà vệ sinh, điện thoại, ly cốc, bát đũa, thậm chí cả khăn giấy...) mà người bị cúm đã dùng.

Đặc biệt là nhiều người nhầm lẫn bệnh cúm với cảm lạnh, nên khi đến bệnh viện bệnh đã nặng. Và vì bệnh cúm có khả năng lây lan nhanh (1 ngày trước khi bệnh nhân cúm khỏi bệnh, và có thể lây lan sau 7 ngày người bệnh bị khởi bệnh), nên có nhiều người xung quanh đã lây nhiễm và mắc cúm.

Các bác sĩ khuyên, người dân - đặc biệt là trẻ em - khi có các dấu hiệu của bệnh cúm, nhất là khi có sốt cao thì không nên tự ý mua thuốc về uống, mà hãy nên đi khám để bác sĩ có hướng điều trị đúng, tránh để bệnh tăng nặng và biến chứng .

Cảm cúm khác cảm lạnh thế nào?

Triệu chứng bệnh cúm tương đối giống cảm lạnh. Có thể phân biệt như sau:

Cảm lạnh:

- Thường ảnh hưởng tới các cơ quan trên đầu, bắt đầu từ đau, viêm họng, sổ mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi trong, trong người khó chịu… nhưng vẫn chịu đựng được. Trẻ em có thể sốt nhẹ.

- Nếu không chữa trị vùng mũi sẽ biến chứng viêm nhiễm làm chuyển màu vàng hoặc xanh, nghẹt mũi và viêm tai giữa.

Cảm lạnh thường diễn tiến chậm, thời gian bị cảm lạnh kéo dài khoảng 1 tuần và dễ chữa khỏi bằng các chế độ chăm sóc đúng cách.

Bệnh cúm mùa:

- Bệnh cúm mùa triệu chứng đến rầm rộ hơn rất nhiều so với cảm lạnh, gây nhức mỏi toàn thân, sốt, đau nhức cơ bắp, ho, đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, buồn nôn, nhức đầu, ho... cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực.

- Bị cúm hay sốt cao từ 38-39 độ C.

- Bệnh cúm diễn tiến rầm rộ, lây lan mạnh, nếu không chữa trị trong thời gian mắc cúm sẽ rất khổ sở, khó chịu.

- Khi thấy cơ thể mệt mỏi hơn, sốt cao, khó thở… cần tới bệnh viện sớm để được bác sĩ điều trị đúng cách.

Theo GĐ&XH

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói