Đại diện Sở KH&CN Hà Tĩnh trao văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận Cam Khe Mây cho huyện Hương Khê.
Hương Khê hiện có khoảng 1.857 ha cam, tập trung nhiều ở các xã Hương Đô, Lộc Yên, Hương Trà, Hương Thủy… Đặc biệt, Hương Đô được ví như “thủ phủ cam” bởi đặc sản cam Khe Mây thơm ngon nức tiếng. Cam khe Mây đã tồn tại khá lâu, song chưa có thương hiệu riêng nên còn nhiều khó khăn trong tiêu thụ.
Dù chưa chính thức ghi danh, nhưng trên thị trường, cam Khe Mây đã khẳng định được thương hiệu bởi vị ngọt thanh, hương thơm đặc trưng, tép mọng nước. Cam đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực mang lại thu nhập chính cho người dân Hương Khê.
Logo chính thức dùng cho nhãn hiệu Cam Khe Mây.
Tuy nhiên, trên thị trường, cam Khe Mây bị giả mạo rất nhiều. Do chất lượng quả không đảm bảo nên vô tình để lại ấn tượng không tốt với loài đặc sản này.
Do đó, việc dự án tạo lập một thương hiệu cho cam Khe Mây là rất cấp thiết. Việc bảo hộ và quản lý nhãn hiệu cam khe Mây sẽ góp phần xây dựng và bảo vệ thương hiệu đặc sản của địa phương, liên kết các hộ sản xuất, kinh doanh cùng xây dựng, bảo vệ sản phẩm đặc sản của quê hương. Qua đó, giúp người dân tăng thêm thu nhập, xây dựng vùng sản xuất sinh thái bền vững cũng như phát triển một ngành hàng có tiềm năng của địa phương.
Sau khi được bảo hộ, sản phẩm cam quả huyện Hương Khê được kỳ vọng sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ, tăng giá trị kinh tế.
Cuối năm 2017, đơn vị tư vấn là Trung tâm Nghiên cứu công nghệ và Sở hữu trí tuệ Ciptek (TP. Hồ Chí Minh) bắt đầu triển khai dự án tạo lập nhãn hiệu chứng nhận “Cam Khe Mây”. Đến tháng 10/2018, đơn vị đã hoàn thành hồ sơ và gửi đơn đăng ký nhãn hiệu lên Cục Sở hữu trí tuệ. Tháng 9/2019, Cục Sở hữu trí tuệ chính thức có Quyết định số 68518/QĐ-SHTT về việc cấp giấy chứng nhận cho nhãn hiệu Cam Khe Mây, có hiệu lực trong thời gian 10 năm.
Sau khi được cấp văn bằng, Sở KH&CN Hà Tĩnh sẽ tiếp tục hỗ trợ quảng bá, phát triển thương hiệu cam Khe Mây. UBND huyện Hương Khê sẽ tổ chức cấp nhãn hiệu cho người sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện có nhu cầu và đủ điều kiện, phục vụ hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; đồng thời, yêu cầu các đơn vị chưa được cấp quyền phải ngừng sử dụng nhãn hiệu cam Khe Mây.