Nhát dao đoạn tuyệt... tình anh em

Người con cô, người con cậu - những tưởng tình thân ruột thịt sẽ không gì có thể chia rẽ. Thế nhưng, chỉ vì 2 nhát dao oan nghiệt, sợi dây tình cảm đó đã bị cắt đứt...

Phiên tòa không tình thân

Phiên tòa phúc thẩm xét xử Đinh Văn Sơn (SN 1980, trú tại xóm 1, xã Hương Lâm, Hương Khê) diễn ra vào một buổi sáng cuối thu, trời mưa tầm tã, khiến không khí ở nghị trường càng thêm ảm đạm. Căn phòng xét xử im ắng đến lạnh lùng.

Theo cáo trạng, ngày 28/9/2012, Sơn cùng một số anh em tập trung tại nhà em họ của mình là anh Đinh Tiến Trung (xã Hương Lâm) tổ chức đánh bài. Trong quá trình chơi, giữa Sơn và Đồng (em trai anh Trung) xảy ra mâu thuẫn. Dù được mọi người can ngăn, nhưng do còn hậm hực nên Sơn quay lại tìm gặp Đồng để “nói chuyện”.

Minh họa từ internet
Minh họa từ internet

Bị anh Trung ngăn cản, Sơn dùng dao chém 2 nhát vào mi mắt trái và tay trái của anh. Sau đó, anh Trung được mọi người đưa đi cấp cứu và xác định tổn hại tới 18,75% sức khỏe. Ngày 8/8/2013, TAND huyện Hương Khê mở phiên tòa sơ thẩm và tuyên án Đinh Văn Sơn 30 tháng tù giam với tội danh “cố ý gây thương tích”, đồng thời bồi thường dân sự cho bị hại số tiền 40.163.000 đồng.

Sau phiên tòa sơ thẩm, cả bị cáo lẫn bị hại đều viết đơn kháng cáo. Bắt đầu bước vào xét xử, chủ tọa nhận định: “Bị cáo kháng cáo để xin giảm nhẹ hình phạt và tiền bồi thường, còn bị hại lại cho rằng, mức án dành cho Đinh Văn Sơn là chưa nghiêm và bồi thường dân sự còn thấp. Bị cáo và bị hại vẫn quyết định không rút kháng cáo?”. Những cái gật đầu từ 2 phía thay cho câu trả lời khiến không khí phòng xử án như chùng xuống.

“Giàu đôi con mắt, khó đôi bàn tay. Nay cả tay và mắt của tôi đều đã bị tổn hại. Một năm qua, người nhà bị cáo không một lời thăm hỏi, tôi cũng không thể làm gì để nuôi vợ con. Vậy kính mong quý tòa xem xét để kẻ phạm tội phải bị trừng trị và tôi đòi lại được quyền lợi chính đáng” – anh Trung nói.

Trước những lời cáo buộc của bị hại, Sơn cúi đầu im lặng. Dáng người nhỏ thó, lọt thỏm trong chiếc áo cũ kĩ, bạc màu, giọng bị cáo run run trả lời những chất vấn của hội đồng xét xử (HĐXX). Từng đợt gió lạnh ùa vào khiến bị cáo co rúm lại. Thi thoảng, Sơn đưa mắt ngoái nhìn về phía sau, song, đáp lại chỉ là sự trống trải ở hàng ghế dự khán. Ánh mắt trông chờ khắc khoải bỗng chốc thẫn thờ quay đi. Bị cáo nhất mực xin được giảm nhẹ hình phạt.

Không đồng tình với “người anh em”, anh Trung vội vàng đứng dậy phản bác. Phần tranh tụng diễn ra khá căng thẳng. Từng là những người thân thiết trong gia đình, giờ đây, 2 phía đều “đóng vai” người lạ, không ai chịu nhường ai. Sự ảm đạm bao quanh công đường khiến những người có mặt cũng thấy nặng lòng. Không tiếng khóc, không ánh mắt trông chờ hy vọng của người thân, chỉ có những câu trả lời lạnh lùng đến nghiệt ngã. Đại diện viện kiểm sát đặt câu hỏi: “Sau khi bị cáo mãn hạn tù, 2 bên gia đình không muốn nhìn mặt nhau nữa sao?”.

Sau lời nói của vị bồi thẩm đoàn, cả nghị trường lại rơi vào tĩnh lặng. Bố bị cáo lặng lẽ rời khỏi khán phòng sau tiếng thở dài não nề, ánh mắt xa xăm bỗng cay cay. Tiếng chân của các công an viên vẫn đều đều bước như gieo vào lòng người nỗi trĩu nặng mơ hồ.

Chủ tọa phiên tòa phân tích: “Hành vi của bị cáo có tính côn đồ và sử dụng hung khí nguy hiểm. Không chỉ vậy, bị cáo đã bất chấp mối quan hệ tình thân để gây án. Là thanh niên có sức khỏe lại là lao động chính, thay vì tập trung làm việc để xây dựng gia đình, bị cáo lại tụ tập cờ bạc dẫn đến gây thương tích cho người khác để rồi người thương tật, người đi tù, người thân quay lưng lại với nhau”.

Trước vành móng ngựa, hai vai bị cáo khẽ run lên…

Dư âm

Mong muốn của HĐXX là hai bên có thể hòa giải để giữ được “hòa khí”. Thế nhưng, hy vọng đó sẽ chỉ tồn tại rất mong manh khi tình cảm gia đình “con cô, con cậu” cũng theo những nhát dao oan nghiệt mà cắt đứt. Phiên tòa là nơi hòa giải những oan ức, uẩn khúc, nhưng ra tòa cũng là lúc 2 anh em bị cáo đoạn tuyệt tình nghĩa. Khi con người phạm sai lầm, gia đình bao giờ cũng là chỗ dựa để họ tìm về, để mong muốn tìm lối thoát. Nhưng, Sơn không có được “may mắn” đó, bởi chính y là kẻ gây ra cảnh tình thân chia ly.

Người em họ thân thiết của bị cáo vẫn có mặt tại phiên tòa, nhưng không phải đồng hành, mà để đề nghị tăng án cho kẻ đang rúm ró trước vành móng ngựa. Sơn vẫn hướng ánh mắt đau đáu kiếm tìm người nhà, cứ trông chờ để rồi hụt hẫng. Phiên tòa không tình thân chỉ có lời phán xét của HĐXX, lời cáo buộc của bị hại và tiếng run rẩy từ nỗi lòng bị cáo.

Trong suốt buổi xét xử, ánh mắt của bị hại không hề “chạm” vào người anh họ thân tình một thuở. Nhìn bị cáo xiêu vẹo trước vành móng ngựa, anh Trung vẫn giữ thái độ bình thản. Nhưng, sự bình thản ấy không giống như cách người lạ đối xử với nhau, mà là nỗi cay đắng khi niềm tin và tấm thân tình đã bị đáp trả một cách phũ phàng. Không còn gì đau đớn hơn khi chính bản thân lại là người “đẩy” người thân vào vòng lao lý. Bị cáo và bị hại, ai cũng có những nỗi đau riêng. Người bị gia đình quay lưng, người chịu nỗi đau về thể xác. Nhưng hơn hết, cả 2 đều phải hứng chịu sự giày vò về tinh thần.

Phiên tòa phúc thẩm đã kết thúc, HĐXX y án sơ thẩm đã tuyên. Bản án cho Đinh Văn Sơn đã chính thức khép lại và thêm một lần nữa, “cánh cửa” về với người thân của bị cáo lại thêm phần chật hẹp...

Trời bắt đầu lạnh, nhưng có lẽ trong lòng bị cáo đang lạnh hơn bao giờ hết, những cái lạnh đến từ trong tim…

Đọc thêm

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

“Đi bão” - khi không còn là hiện tượng?

Thời gian gần đây, một số nhóm thanh thiếu niên tụ tập đi xe máy mang theo hung khí, lạng lách, đánh võng, rú ga trên một số tuyến đường ở Hà Tĩnh đã gióng lên hồi chuông báo động.
Hứa… không giữ lời hứa!

Hứa… không giữ lời hứa!

Lừa góp vốn đầu tư làm ăn rồi chiếm đoạt của một bị hại ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) số tiền 1,6 tỷ đồng, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Hứa (trú tỉnh Bình Dương) vẫn quanh co chối tội.
Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Hà Tĩnh đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm trong việc tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.