Một tuyến đường ngổn ngang, nhếch nhác, cản trở giao thông, nước ứ đọng vì tiến độ xây dựng rãnh thoát nước bằng bê tông hai bên đường chậm (ở tổ dân phố 5, thị trấn Hương Khê)
Đầu năm 2018, xã Hương Vĩnh (huyện Hương Khê) đăng ký làm gần 6 km rãnh thoát nước trên các đường trục thôn, ngõ xóm. Thế nhưng, đến thời điểm đầu tháng 9, khối lượng thực hiện được rất hạn chế. Xã phải "chữa cháy" bằng cách xin điều chỉnh lại kế hoạch để rút khối lượng xuống còn... 1km. Đây cũng là kết quả mà địa phương này thực hiện được đến thời điểm này.
Không chỉ có Hương Vĩnh mà nhiều địa phương khác ở Hương Khê cũng rơi vào tình trạng tương tự. Nhìn vào bảng thống kê kết quả làm rãnh thoát nước năm 2018 trên địa bàn huyện miền núi này còn xuất hiện rất nhiều địa phương làm rãnh thoát nước hai bên đường không đạt kế hoạch ban đầu. Thậm chí có nhiều xã không làm được mét nào như: Phương Mỹ, Hà Linh, Phúc Đồng, Hương Giang, Hòa Hải, Hương Bình, Hương Long, Phú Gia, Phú Phong, Hương Xuân, Hương Lâm và Hương Liên.
Nhiều tuyến đường ở xóm 15, xã Hà Linh (Hương Khê) chưa làm được rãnh thoát nước hai bên nên nước, rác từ các triền núi thường xuyên chảy xuống đường gây hư hỏng, bẩn thỉu...
Ông Nguyễn Văn Trung - chuyên viên Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hương Khê thông tin thêm: "Đầu năm 2018, các địa phương trong huyện đăng ký làm 12,7 km rãnh thoát nước hai bên các trục đường giao thông. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí và huy động ngày công nên không thể thực hiện được. Vì vậy, đến đầu tháng 9, các xã, thị trấn đã soát xét lại và xin được điều chỉnh kế hoạch. Hiện toàn huyện đã làm được hơn 5 km và chắc chắn không hoàn thành kế hoạch ban đầu, chỉ tập trung phấn đầu làm khoảng 7 km như phương án đề xuất đầu tháng 9...".
Theo số liệu thống kê của Sở GTVT, tại thời điểm này, thị xã Kỳ Anh đang là địa phương “đội sổ” trong làm rãnh thoát nước theo khung kế hoạch năm với 5,36 km/13,64km, đạt 39% KH. Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hoài Nam - Trưởng Phòng quản lý Đô thị và Kinh tế thị xã Kỳ Anh cho biết: “Để làm 1 km rãnh thoát nước thì hết khoảng 1 tỷ đồng, đối với những tuyến đường phải làm rãnh hai bên thì kinh phí tăng lên gấp đôi. Do nhân dân và các địa phương không huy động được nhiều nguồn lực nên chúng tôi đã tập trung cho việc làm đường, còn rãnh thoát nước sẽ làm vào các năm sau. Do vậy, chúng tôi không đạt kế hoạch ban đầu, chỉ gần đạt kế hoạch xin điều chỉnh (chưa được tỉnh đồng ý - PV)...”
Người dân thôn Tân Thanh, xã Thạch Xuân (Thạch Hà) làm rãnh thoát nước trên trục đường chính liên thôn...
Từ nay đến hết năm 2018, thời gian không còn nhiều, thời tiết không thuận lợi, việc huy động nguồn lực vào thời điểm cuối năm rất khó khăn nhưng ngoài Hương Khê và thị xã Kỳ Anh thì còn có nhiều huyện khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Theo đó, huyện Can Lộc làm được 25,44 km/37,79 km (đạt 67% KH); huyện Nghi Xuân làm được 5,58 km/7,66km (đạt 76% KH); huyện Đức Thọ làm được 3,94 km/7,5 km (đạt 53% KH)....
Hiện nay, ngoài việc tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng rãnh thoát nước thì các địa phương “bét bảng” cũng đã đề xuất phương án điều chỉnh để “chữa cháy” nhằm tăng % khối lượng thực hiện theo kế hoạch năm.
Đến đầu tháng 10/2018, toàn tỉnh đã làm được gần 189km/225 km rãnh thoát nước dọc các trục đường giao thông, bằng 82% kế hoạch giao theo phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Để có kết quả đó, ngân sách tỉnh, huyện, xã đã hỗ trợ 86.923 tấn xi măng, người dân đóng góp ngày công và kinh phí xây dựng. |